VSSA kiến nghị áp thuế 20% với đường lỏng Trung Quốc
Mới đây, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết đã có văn bản kiến nghị áp thuế nhập khẩu 10%-20% đối với đường lỏng chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
Theo VSSA, tính đến ngày 15/4, lượng đường tồn kho trong nước rất cao với gần 681.000 tấn. Con số này đang tiếp tục tăng lên khiến nhiều nhà máy rơi vào tình cảnh lao đao, việc trả tiền mía cho nông dân bị chậm lại.
Lượng đường tồn kho trong nước đã lên tới gần 681.000 tấn
|
Đường lỏng né thuế
Cùng với đó, giá đường liên tục sụt giảm ở thị trường trong nước và thế giới khiến việc tiêu thụ đường khó khăn bội phần. Đến thời điểm này, giá đường bán tại các nhà máy đã bán gần ngang giá đường nhập lậu, một số nhà máy đã bán thấp hơn giá thành sản xuất để giảm bớt lượng đường tồn kho (11.400-12.000 đồng/kg).
Trong khi đó, vấn đề được cho là nghịch lý khi hàng trăm ngàn tấn đường lỏng bắp (HFCS - High-Fructose Corn Syrup, gọi tắt là đường lỏng) được nhập khẩu từ Trung Quốc với thuế 0% vẫn nhập vào Việt Nam mỗi năm. Giá đường lỏng lại rẻ hơn đường trắng 2.000-3.000 đồng/kg nên ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ đường trong nước.
“Đáng lo, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến bánh kẹo cũng giảm hơn 30% lượng đường mía để chuyển sang sử dụng đường lỏng”, ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch VSSA nói.
Đặc biệt, hiện thuế suất nhập khẩu đường trong hạn ngạch thuế quan là 5% từ các nước ASEAN và 25% đối với đường thô, 40% đối với đường trắng nếu nhập khẩu từ các nước ngoài ASEAN. Thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan là 80% đối với đường thô và 85% đối với đường trắng.
Tuy nhiên, theo bà Dương Thị Tô Châu, Phó Tổng giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh cho biết, đường lỏng nhập khẩu từ Trung Quốc lại đang được hưởng mức thuế 0%.
“Đáng lẽ đường lỏng Trung Quốc nhập về Việt Nam phải chịu mức thuế 13%. Nhưng để né khoản thuế này, đường lỏng Trung Quốc được tuồn qua các nước ASEAN sau đó mới xuất vào Việt Nam để được miễn thuế, né thuế”, bà Châu nói.
Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, VSSA còn cho biết trong 2015, nhập khẩu đường lỏng đạt 67.834 tấn nhưng đến năm 2016 đã tăng lên 70.090 và năm 2017 đã tăng lên 89.434 nghìn tấn.
Cũng theo VSSA, hiện có 3 nước được ưu đãi mức thuế nhập khẩu đường lỏng là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan với thuế suất 0%, các nước còn lại đều có thuế suất đối với mặt hàng đường lỏng là 22,5%. Giả sử, nếu như vẫn áp mức thuế 22,5% đối với mặt hàng đường lỏng thì trong 3 năm từ 2015 đến 2017 có thể thu được hơn 500 tỷ đồng.
Chịu lỗ để cạnh tranh
Do đó, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA khẳng định, việc nhập khẩu đường lỏng vào Việt Nam đã hạn chế tiêu thụ đường trong nước, gây khó khăn cho ngành mía đường trong nước. Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) kiến nghị áp thuế nhập khẩu 10%-20% đối với đường lỏng chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
“Để đảm bảo tiêu thụ được đường, VSSA đã khuyến các các doanh nghiệp trong Hiệp hội cần chủ động giữ chân khác hàng truyền thống, tiếp tục đẩy mạnh phát triển các khách hàng mới. Đồng thời, các nhà máy cũng cần linh hoạt hạ giá thành để tiêu thụ được đường. Dù bị lỗ vốn cũng phải chấp nhận trong lúc khó khăn để sẵn sàng cạnh tranh với đường lậu”, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội VSSA cho biết.
Theo thống kê của Hiệp hội VSSA, hiện đã có nhiều nhà máy chấp nhận lỗ để hạ giá đường xuống chỉ còn khoảng 11.000 đồng nhằm cạnh trạnh với đường lậu. Trong khi cùng thời điểm này năm ngoái, giá đường trên thị trường ở mức 15.000 đồng, tức là đã giảm khoảng 3.500 - 4.000 đồng/kg.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới ban hành Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo đó, sẽ rà soát, xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng phát huy lợi thế vùng, nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu.
Đồng thời, nâng cao năng lực chế biến, đổi mới cơ cấu sản phẩm đường, đa dạng hóa các sản phẩm sau đường, cạnh đường, tận dụng tối đa phụ phẩm sau chế biến để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục rà soát những nhà máy, những vùng không có khả năng đáp ứng nguyên liệu để có thể di chuyển nhà máy đến vùng có lợi thế hơn. Đảm bảo sản xuất mía ổn định 300.000 ha và không xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường mới, chỉ mở rộng công suất các nhà máy hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu.
Thy Hằng
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|