TP.HCM đang lãng phí đặc khu Thủ Thiêm?
Sau 22 năm, những mục tiêu quan trọng nhất được Chính phủ phê duyệt và người dân kỳ vọng đã hầu như không đạt được ở Thủ Thiêm.
Từ năm 1995, dự án Thủ Thiêm bắt đầu khởi động bằng các nghiên cứu tiền khả thi và tháng 6-1996 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 367 cho dự án phát triển Thủ Thiêm. Nhưng Thủ Thiêm chỉ thực sự thu hút được sự chú ý của mọi người khi thành phố công bố đề án quy hoạch của một công ty tư vấn kiến trúc của Mỹ là Sasaki vào năm 2003.
Vậy là ngay sát quận 1 sẽ có một trung tâm mới hiện đại xuất hiện. Ngoài việc là trung tâm tài chính - dịch vụ ra thì nó sẽ đảm nhiệm việc giảm tải cho khu vực trung tâm cũ; xây dựng mới những hạng mục mà khu vực 930ha chưa có và tái định cư người dân tại chỗ trong những khu đô thị khang trang.
Nhìn vào bản quy hoạch xanh đỏ và những lời thuyết minh cho đề án phát triển Thủ Thiêm sẽ trở thành một "phố Đông của Thượng Hải", người dân thành phố không khỏi vui mừng, nhất là những người dân lam lũ sống trên bán đảo này thì khỏi nói, họ hồi hộp chờ đợi để cùng với người dân phía bên kia sông hát vang "Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi"!
Và rồi những "chiếc cầu nối những bờ vui" cũng xuất hiện, đầu tiên là cầu Thủ Thiêm 1 được khánh thành năm 2010, sau đó một năm (2011) là hầm Thủ Thiêm, càng làm cho người dân tràn đầy "niềm tin và hi vọng".
Nhưng sau 22 năm, mảnh đất 657ha này vẫn còn dở dang và lạnh lẽo. Đứng ở trên tầng cao của tòa nhà Bitexco nhìn xuống sẽ thấy ngoài con đường Mai Chí Thọ xuyên tâm, ba đường vòng cung chưa khép kín, một vài tòa nhà đơn lẻ xuất hiện thì hầu như vẫn là một mảnh đất hình cái đĩa trống không đầy cỏ lác.
Chỉ duy nhất một góc phía đông bắc là sôi động với dự án khu đô thị Sala 106ha của Tập đoàn Đại Quang Minh.
Đâu rồi trung tâm thương mại - tài chính, dịch vụ mang tầm quốc tế lớn nhất Đông Nam Á, đâu rồi quảng trường trung tâm nơi sẽ diễn ra các cuộc mittinh và diễu binh vào những ngày lễ lớn, đâu rồi nhà hát giao hưởng, rạp xiếc, nhà triển lãm, sân vận động, bảo tàng, đâu rồi những âu thuyền và công viên rợp bóng cây xanh cho người dân dạo chơi cuối tuần và đâu rồi những khu dân cư hiện đại, khang trang dành cho người dân tại chỗ...?
Gần 100% nhà ở của 12.500 hộ dân tại các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần phường Bình An, Bình Khánh phải giải tỏa di dời, nhường đất cho kế hoạch "đại Thủ Thiêm" nay sống ra sao? Bao nhiêu người được vào sống trong khu đô thị Sala với giá căn hộ gần chục tỉ?
Vậy là sau 22 năm, những mục tiêu quan trọng nhất được Chính phủ phê duyệt và người dân kỳ vọng đã hầu như không đạt được. Lẽ ra Thủ Thiêm phải trở thành một trung tâm kinh tế - tài chính - dịch vụ mới tạo đà cho TP.HCM trở lại vị trí "hòn ngọc Viễn Đông" thì lại trở thành một "thành phố cư trú" với dày đặc các dự án nhà ở, biệt thự.
Chính vì điều này mà ông Võ Viết Thanh - cựu chủ tịch UBND TP.HCM, người đầu tiên trình đề án lên Thủ tướng - đã nói về Thủ Thiêm với "nỗi đau không chịu nổi nằm trong lòng từ lâu".
Việc tại sao Thủ Thiêm có một kết cục như thế nhất định sẽ được mổ xẻ và được làm sáng tỏ, ai sai, bộ phận nào sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước những người vốn là "dân ấp, dân lân".
Thế nhưng, điều quan trọng nhất là phải làm sao để Thủ Thiêm khởi động trở lại với một quyết tâm mới, sức sống mới và phương thức mới. Trong khi nhiều nơi đang tìm kiếm đặc khu thì TP.HCM lại lãng phí không chỉ một mà vài đặc khu như thế, trong đó có Thủ Thiêm, Thanh Đa.
Rất nhiều bài học đắt giá rút ra được từ Thủ Thiêm sẽ cảnh báo cho Phú Quốc, Vân Đồn, Vân Phong và có thể cả Cần Giờ. Trong đó, bài học quan trọng nhất là nếu phát triển mà công ích bị triệt tiêu, lợi ích thiết thực không mang lại cho người dân thì dự án đó sẽ thất bại và nuôi dưỡng mầm mống của xung đột xã hội lâu dài.
Nguyên Minh Hòa
Tuổi trẻ
|