Tình yêu vô điều kiện của nhà đầu tư dành cho thị trường mới nổi đang phai nhạt?
Nhà đầu tư đang trừng phạt các thị trường mà ở đó các nhà hoạch định chính sách chưa thực hiện đủ những hành động cần thiết để ngăn chặn tình trạng số dư tài khoản vãng lai đang trở nên xấu đi, lạm phát tăng lên và đồng tiền bị mất giá.
Họ trở nên không khoan dung khi lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng và đồng USD mạnh hơn khiến các khoản đầu tư rủi ro hơn càng thêm “vô định”. Tiền không còn rẻ hay dồi dào, và các khoản đầu tư chất lượng thấp do vấn đề chính sách gây ra đang được loại bỏ.
Điều đó đã khiến thước đo các đồng tiền của thị trường mới nổi có một tuần tồi tệ nhất kể từ khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Các chính trị gia và ngân hàng trung ương từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Argentina và Indonesia hiện đang cố gắng cứu lấy tỷ giá hối đoái từ đợt tấn công mang tên “giá giảm” dữ dội này. Những can thiệp và "cuộc họp khẩn cấp" thường xuyên hơn đang được kỳ vọng.
Đợt giảm giá tiền tệ trong tháng này tập trung ở các quốc gia có nền tảng nghèo nàn
|
Thiếu sự khẩn cấp
Trong hơn hai năm, các nước đang phát triển đã có được một môi trường dễ dàng khi các nhà đầu tư chạy theo lợi suất đã rót hàng tỷ USD vào các nước này, đôi khi bỏ qua cả những vấn đề tài chính yếu kém và sự tự mãn về chính sách tiền tệ. Các ngân hàng trung ương thì chịu áp lực từ những chính trị gia muốn giữ lãi suất thấp và duy trì thâm hụt cao để làm hài lòng cử tri. Họ có rất ít cảm giác “cấp bách” rằng cần phải sửa chữa nền kinh tế, vì dòng vốn vẫn có xu hướng tăng và thị trường luôn hồi phục trở lại sau các đợt bán tháo nhỏ.
Kể từ đầu năm 2016, các nhà đầu tư trái phiếu đã rót 1.5 ngàn tỷ USD vào nguồn trái phiếu mới do các chính phủ và các tập đoàn ở thị trường mới nổi phát hành. Cổ phiếu thì mang về thêm 8 ngàn tỷ USD vốn hóa thị trường từ tháng 01/2016 đến tháng 01/2018. Suốt gần 6 năm, một quỹ ETF trên thị trường mới nổi đã không phải hứng chịu một ngày “ra tiền” nào.
Tuy nhiên, sau khi lợi suất trái phiếu Mỹ vượt qua mốc 3% vào cuối tháng Tư vừa qua, một điều gì đó đã bị đổ vỡ trong mối quan hệ giữa các thị trường mới nổi và nhà đầu tư toàn cầu.
Những vấn đề của đồng Lira
Hãy nói đến trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người đang phải đối mặt với cuộc tái bầu cử vào tháng tới, ngày càng lên tiếng nhiều hơn về những gì ông xem là một âm mưu nước ngoài nhằm làm suy yếu đồng Lira và nền kinh tế nước này.
Tuần này, mọi chuyện lên đến mức cần phải có hành động gì đó. Ngay khi đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ giảm xuống mức thấp mới so với USD, ông Erdogan đã đến London để bảo nhà đầu tư rằng ông dự định đẩy mạnh vai trò của bản thân trong việc gây ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ nếu thắng cử. Các nhà đầu tư phản ứng bằng cách tăng tốc độ bán tháo đồng Lira đến mức ngân hàng trung ương nước này phải vào cuộc và nói rằng họ sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ đồng tiền này.
Lãi suất cao nhất thế giới
Vào hôm thứ Ba vừa qua, Argentina buộc phải chi 10% dự trữ ngoại hối để ngăn sự mất giá đã khiến đồng Peso giảm 18% giá trị trong tháng này. Mặc dù sự can thiệp này làm cho sự sụt giảm tạm dừng nhưng câu hỏi đặt ra là liệu ngân hàng trung ương này có thể khôi phục lại được uy tín của họ hay không.
Một sự nới tay sai thời điểm trong mục tiêu lạm phát hồi tháng 12 năm ngoái đã khiến đồng tiền nước này giảm 23% giá trị trong năm nay, buộc các nhà chức trách phải tăng lãi suất lên 40% - mức cao nhất thế giới - và quay sang cầu cứu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Thâm hụt thương mại
Tại Indonesia, đồng Rupiah giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2015 trước cuộc họp lãi suất vào hôm thứ Năm tuần này. Nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng khoảng 2.9 tỷ USD cổ phiếu của Indonesia trong năm nay, biến cổ phiếu của quốc gia này trở thành cổ phiếu tồi tệ nhất ở châu Á. Theo dữ liệu của Bloomberg, lượng vốn ròng chảy ra khỏi trái phiếu tính bằng đồng Rupiah đã lên đến 2.3 tỷ USD kể từ cuối tháng 3.
Đợt bán tháo đó cũng lây lan sang trái phiếu bằng đồng USD do Indonesia phát hành sau khi quốc gia này công bố mức thâm hụt thương mại lớn nhất trong 4 năm qua vào hôm thứ Ba vừa qua, tiếp thêm nhiên liệu cho sự đồn đoán rằng đồng tiền nước này sẽ còn mất giá hơn nữa, đồng thời làm tăng thêm chi phí dịch vụ dành cho nguồn nợ quốc tế của Indonesia.
Nhã Thanh (Theo Bloomberg)
FILI
|