Thứ Tư, 09/05/2018 10:52

Quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận Iran có tác động gì tới giá dầu và giá xăng?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra quyết định tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran, nhà sản xuất dầu lớn thứ 5 trên thế giới, trong lúc thị trường thế giới đầy rẫy sự bất ổn.

Nguồn cung dầu toàn cầu vốn ngày càng thắt chặt hơn trước thời điểm ông Trump hứa rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt các lệnh trừng phạt quyền lực lên quốc gia thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

* Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận Iran

Giảm chưa được bao lâu, giá dầu lập tức tăng mạnh trở lại

Những người trong ngành năng lượng cho rằng quan điểm cứng rắn của ông Trump về Iran có lẽ sẽ thúc đẩy giá dầu và giá xăng lên cao hơn.

Iran đã tăng sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng/ngày sau khi lệnh trừng phạt quốc tế được gỡ bỏ vào đầu năm 2016. Ít nhất là một phần của lượng dầu này sẽ bị rút ra khỏi thị trường dầu trong bối cảnh giá dầu đang trên đà tăng mạnh nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và một số quốc gia khác cũng như tình trạng khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng ở Venezuela.

Dan Eberhart, CEO của công ty dịch vụ dầu khí Canary LLC, đã vẽ ra một sự liên kết trực tiếp: “Rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ thúc đẩy giá dầu lên cao hơn”.

Ông Trump đã phát tín hiệu về động thái rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran trước đó, và giá dầu cũng nhờ thế mà tăng mạnh trong vài tuần gần đây khi các chuyên viên giao dịch dự đoán trước các tác động từ động thái này. Hôm thứ Hai (07/05), giá dầu WTI vượt ngưỡng 70 USD/thùng lần đầu tiên trong gần 4 năm. Vài giờ trước khi ông Trump đưa ra quyết đinh, các nhà dự báo thuộc chính quyền liên bang đã nâng ước tính giá dầu năm 2018 thêm 10.5% lên mức trung bình là 65.58 USD/thùng.

Giá dầu lao dốc hơn 1% trong ngày thứ Ba (08/05), mặc dù đã xóa bớt đà giảm sau khi ông Trump xác nhận rằng ông sẽ rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Giá xăng – thường dịch chuyển theo giá dầu – cũng nhảy vọt lên mức 2.81 USD/thùng, dựa trên số liệu từ AAA. Một gallon xăng có giá 2.34 USD tại thời điểm 1 năm trước. Một gia đình thông thường sẽ chi ra thêm khoảng 200 USD trong thời gian lái xe vi vu mùa hè, dựa theo ước tính của công ty Dịch vụ Thông tin Giá Dầu (OPIS).

“Những người lái xe mô tô sẽ cảm thấy đau lòng hơn so với 2 năm trước – nhưng điều này cũng chẳng là gì so với khoảng thời gian 2011-2014 khi giá dầu ở mức 3.4-3.6 USD/gallon”, ông Tom Kloza, Trưởng Bộ phận Phân tích năng lượng toàn cầu tại OPIS, cho hay.

Chẳng ai biết chính xác giá dầu sẽ tăng tới mức nào. Điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm việc bao nhiêu lượng dầu của Iran sẽ bị tác động bởi lệnh trừng phạt và liệu các nhà sản xuất lớn khác – như Mỹ – có khỏa lấp khoảng trống mà Iran để lại hay không.

Một câu hỏi khác cũng quan trọng không kém: Liệu căng thẳng ở vùng Trung Đông có gia tăng tại thời điểm này khi Mỹ rời khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran? Những nỗi lo sợ địa chính trị ngày càng tăng ở vùng Trung Đông thường thúc đẩy giá dầu.

Nhiều quan chức quân sự Mỹ nói với hãng tin CNN rằng xuất hiện lo ngại Iran chuẩn bị đấu tranh với Israel. Vẫn chưa rõ thời điểm diễn ra cuộc chiến cũng như là hình thức của cuộc chiến này.

“Giai đoạn 3 hoặc 4 năm yên ổn về khía cạnh địa chính trị đã chấm dứt”, ông Eberhart của Canary cho hay.

Iran sản xuất khoảng 3.8 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 4/2018, dựa trên kết quả thăm dò mới nhất của S&P Global Platts. Con số này cao hơn nhiều so với mức 2.9 triệu thùng/ngày hồi tháng 1/2016 – thời điểm thỏa thuận hạt nhân Iran chính thức có hiệu lực.

Bao nhiêu phần trăm của mức tăng trưởng sản lượng dầu Iran đang gặp nguy (và khi nào nó có thể suy giảm) là điều chưa thể chắc chắn được tại thời điểm này. Trong ngày thứ Ba (08/05), Bộ Tài chính Mỹ cho biết lệnh trừng phạt nhắm tới ngành giao dịch dầu và năng lượng của Iran sẽ được đưa ra với độ trễ là 6 tháng.

Hầu hết chuyên gia phân tích đều tin rằng ít nhất là sẽ có một số quốc gia ngó lơ các lệnh trừng phạt mới của Mỹ và tiếp tục mua dầu của Iran. Trung Quốc – khách hàng lớn nhất của Iran – có thể không muốn từ bỏ Iran vì tình trạng căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.

Việc tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran sẽ có tác động tức thời tới gần 200,000 thùng dầu của Iran mỗi ngày, theo quan điểm của các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của S&P Global Platts. Con số này có thể tăng lên gần 500,000 thùng/ngày sau 6 tháng.

Đó vẫn là một lượng dầu khá lớn, nhất là khi xét tới nhu cầu dầu mạnh trên khắp thế giới.

Các nhà sản xuất dầu khác có thể khỏa lấp khoảng trống mà Iran để lại.

Chẳng hạn, Ả-rập Xê-út có khả năng tăng cường sản lượng. Tuy vậy, các chuyên gia phân tích cho rằng Ả-rập Xê-út sẽ muốn duy trì đà tăng của giá dầu trước đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của công ty dầu quốc doanh Saudi Aramco.

Sản lượng dầu tại Mỹ lại ngày càng gia tăng nhờ vào cuộc cải cách dầu đá phiến. Trên thực tế, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) đã nâng dự báo sản lượng dầu năm 2019 thêm gần 4% lên mức kỷ lục 11.9 triệu thùng/ngày trong ngày thứ Ba (08/05).

“Vẫn có khả năng cao là sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ có thể dễ dàng khỏa lấp khoảng trống của Iran”, ông Eberhart cho hay.

Năm 2015, thỏa thuận hạt nhân Iran đã đạt được giữa Iran và nhóm nước P5+1 (bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh, Đức), và cứ 120 ngày Tổng thống Mỹ sẽ ký gia hạn cho việc miễn trừ các lệnh trừng phạt với Iran.

Giữa tháng 1/2018, Tổng thống Trump ký gia hạn, theo ông Trump đây là lần cuối cùng thực thi thỏa thuận trừ khi Mỹ và châu Âu có thể đạt được một thỏa thuận sửa đổi mới trong vòng 120 ngày tới. Hạn chót cho việc quyết định áp trừng phạt lên Iran là ngày 12/05/2018.

Iran là nước có sản lượng dầu mỏ lớn thứ 3 trong nhóm OPEC (sau Ả-rập Xê-út và Iraq), sản lượng trong năm 2017 của Iran ước đạt 3.81 triệu thùng/ngày (chiếm 12% tổng sản lượng năm 2017 của khối OPEC).

Vũ Hạo (Theo CNNMoney)

FiLi

Các tin tức khác

>   Giảm chưa được bao lâu, giá dầu lập tức tăng mạnh trở lại  (09/05/2018)

>   Dầu giảm gần 2.5% sau khi Donald Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận Iran (09/05/2018)

>   Giá dầu biến động khôn lường trước các luồng thông tin về quyết định của ông Trump về thỏa thuận Iran (08/05/2018)

>   Ai bán xăng E5, ai xài xăng A95? (08/05/2018)

>   Xăng E5 RON92 tăng hơn 500 đồng/lít (08/05/2018)

>   Tăng 1.5%, dầu WTI vượt mốc 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ cuối năm 2014 (08/05/2018)

>   Giá dầu WTI vượt ngưỡng 70 USD lần đầu tiên kể từ tháng 11/2014 (07/05/2018)

>   Giá dầu tăng mạnh, lập đỉnh 3 năm rưỡi (05/05/2018)

>   Dầu tăng liền 2 phiên trước khả năng Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (04/05/2018)

>   Thứ trưởng Bộ Công Thương nói gì về đề xuất 'khai tử' xăng RON 95? (03/05/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật