Hải Phòng: Mất cân đối nguồn vốn đầu tư công
Quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều vướng mắc, khó khăn, làm ảnh hưởng tới tiến độ thi công các dự án.
Tuyến đường World Bank (Dự án Phát triển giao thông đô thị Hải Phòng) đoạn qua địa phận phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) cơ bản hoàn thiện. Ảnh: Hoàng Phước
|
Vốn đầu tư thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố Hải Phòng gồm 2 nguồn chính: Vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hải Phòng có 70 dự án được bố trí vốn ngân sách Trung ương từ năm 2017 trở về trước nhưng hiện còn thiếu tới 12.745 tỷ đồng để hoàn thành. Cụ thể, 53 dự án sử dụng vốn hỗ trợ có mục tiêu với tổng mức đầu tư 20.701 tỷ đồng, nhưng lũy kế vốn đã bố trí đến hết năm 2017 mới được 8.924 tỷ đồng, còn thiếu 11.777 tỷ đồng. 17 dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ có tổng mức đầu tư 3.355 tỷ đồng, mới bố trí được 2.657 tỷ đồng, thiếu 698 tỷ đồng. Trong khi đó, theo kế hoạch vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương 5 năm 2016- 2020 giao Hải Phòng được 3.854 tỷ đồng; 3 năm 2016- 2018 đã giao là 1.620 tỷ đồng. Kế hoạch vốn trung hạn còn lại chưa giao kế hoạch hằng năm là 2.233 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu giao đủ kế hoạch cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30,89% nhu cầu vốn còn thiếu nêu trên (12.745 tỷ đồng).
Nguồn vốn nước ngoài (ODA) được bố trí những năm gần đây cũng thiếu nhiều. Hải Phòng hiện có 4 dự án sử dụng vốn ODA được giao kế hoạch vốn trung hạn 2016- 2020 (vốn cấp phát từ ngân sách Trung ương) nhưng còn thiếu tới 2.404 tỷ đồng. Đơn cử như Dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn Hải Phòng giai đoạn 1 sử dụng vốn ODA của JICA trong 2 năm 2016 và 2017 được bố trí vốn bao nhiêu giải ngân hết bấy nhiêu (1000 tỷ đồng). Nhưng so với nhu cầu thì còn thiếu tới 1.096 tỷ đồng, trong khi thời gian kết thúc hiệp định vay vốn là cuối tháng 7/2018. Dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng cũng đang cần được bổ sung thêm vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương 1235 tỷ đồng.
Dự án cung cấp trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng sử dụng vốn ODA của Hàn Quốc có tổng mức đầu tư 74,8 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương 67 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách thành phố. Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016- 2020 giao cho dự án là 27,1 tỷ đồng nhưng đến năm 2018 mới được bố trí, hiện chưa giải ngân. Như vậy, dự án còn thiếu 39,9 tỷ đồng trong khi thời gian kết thúc hiệp định vào ngày 17/6/2018. Cũng như vậy, dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai sử dụng vốn ODA của WB để kết thúc được vào năm 2020 cần được bổ sung từ ngân sách trung ương 32 tỷ đồng nữa bởi hiện tại dự án mới được bố trí 10 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2018 chỉ được 4,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hải Phòng còn có một số dự án nữa đang rất cần được Trung ương sớm bố trí vốn để thực hiện. Đó là dự án đường bộ ven biển được Chính phủ phân bổ 800 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ để giải phóng mặt bằng. Hiện các địa phương liên quan hoàn tất các công việc kiểm đếm, lên phương án và phê duyệt, chỉ còn chờ tiền trong khi các bước thủ tục cấp vốn lại bị kéo dài, ảnh hưởng tới tiến độ dự án.
Trong điều kiện ngân sách thành phố cũng còn nhiều khó khăn và có nhiều nhu cầu đầu tư nhưng đối với các dự án đầu tư công thuộc trách nhiệm của thành phố và các dự án ODA phải bố trí vốn đối ứng, Hải Phòng cố gắng cân đối đủ. Phần thiếu chủ yếu thuộc về vốn bố trí của ngân sách Trung ương. Lý do là vì sự điều chỉnh của các quy định, cơ chế, chính sách những năm gần đây với yêu cầu quản lý chặt chẽ đầu tư công và bị giới hạn bởi trần nợ công. Vì thế, thay vì được cấp phát theo khối lượng thực hiện, việc bố trí vốn lại bị khống chế bởi kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nên xảy ra tình trạng công trình, dự án chờ tiền, nguồn vốn cấp không đáp ứng được tiến độ cam kết, nhất là với các hiệp định tài trợ vốn của nước ngoài.
Trong cuộc làm việc của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hải Phòng mới đây, thành phố đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các dự án còn thiếu vốn, nhất là 70 dự án đã được bố trí vốn ngân sách Trung ương từ năm 2017 trở về trước.
Trước những khó khăn trong việc bố trí vốn, Hải Phòng đề xuất Chính phủ xem xét cho phép sử dụng từ nguồn dự phòng 10% vốn trung hạn ngân sách trung ương cho một số dự án trọng điểm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội như dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới bắc sông Cấm; các dự án đầu tư hạ tầng Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải. Ngoài ra, Hải Phòng cũng đề nghị bố trí bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 5 năm 2016- 2020 đối với các dự án ODA, cụ thể là cấp phát đủ từ ngân sách Trung ương đối với phần vốn còn thiếu 2.404,5 tỷ đồng, bảo đảm cho 3 dự án kết thúc hiệp định trong năm 2018 và 1 dự án hoàn thành năm 2019.
Đức Vũ
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|