ĐHĐCĐ ACV: Đến 2025 đầu tư 78,000 tỷ vào nhà ga và khu bay, muốn lên HOSE trong năm nay
Đến năm 2025, tổng mức đầu tư cho tất cả nhà ga là 57,000 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư cải tạo khu bay là 21,000 tỷ đồng, chưa kể Long Thành, nếu ACV được giao quản lý khu bay và triển khai thực hiện việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo khu bay (chỉ gồm đường cất hạ cánh và đường lăn). Tổng mức đầu tư cho hai hạng mục này là 78,000 tỷ đồng, ACV hoàn toàn cân đối được từ quỹ đầu tư phát triển và các nguồn lực.
Đây là nội dung được Chủ tịch Lại Xuân Thanh chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) tổ chức sáng ngày 04/05.
Cụ thể, theo ông Thanh, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang xem xét phê duyệt kế hoạch trung hạn của ACV trong giai đoạn 2018-2025, đưa tổng công suất nhà ga đến năm 2025 (chưa bao gồm Long Thành) là 185 triệu hành khách/năm, kể cả Long Thành là 210 triệu hành khách/năm; đồng thời xây mới 16 nhà ga hành khách và cải tạo khoảng 6 nhà ga.
Tổng mức đầu tư cho tất cả nhà ga đến năm 2025 là 57,000 tỷ đồng. Nếu ACV được giao quản lý khu bay và triển khai thực hiện việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo khu bay (chỉ gồm đường cất hạ cánh và đường lăn) thì tổng mức đầu tư cải tạo khu bay là 21,000 tỷ đồng, chưa kể Long Thành. Đối với Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành, Tổng Công ty sẽ báo cáo Thủ tướng thu xếp nguồn vốn. ACV đang triển khai thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT này để dự án có thể khởi công xây dựng trong năm 2020 và hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2025.
Như vậy, tổng đầu tư cho hai hạng mục đầu tư nhà ga và khu bay đến năm 2025 là 78,000 tỷ đồng. ACV cho biết hoàn toàn cân đối được từ quỹ đầu tư phát triển và các nguồn lực. Để đáp ứng kế hoạch đầu tư, Tổng công ty có thể tăng vốn thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu và sẽ trình Bộ GTVT xem xét.
Riêng trong năm 2018, ACV dự kiến tổng nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư khoảng 7,567 tỷ đồng. Trong đó, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và các dự án mua sắm trang thiết bị chuyển tiếp từ năm 2017 với tổng mức đầu tư là 7,064 tỷ đồng, kế hoạch năm 2018 sẽ sử dụng 4,262 tỷ đồng. Các dự án đầu tư mới năm 2018 gồm tổng mức đầu tư là 29,492 tỷ đồng, kế hoạch năm 2018 dùng 3,305 tỷ đồng.
Các dự án tiêu biểu bao gồm 6 dự án nhóm A với tổng mức đầu tư 21,350 tỷ đồng (kế hoạch năm 2018 đầu tư 174 tỷ đồng). Trong đó, lớn nhất là dự án đầu tư mới nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất (công suất thiết kế 15 triệu khách/năm) với tổng mức đầu tư 9,800 tỷ đồng. Với 5 dự án còn lại tại Cảng HKQT Phú Bài, Cát Bi, Chu Lai, Vinh, mỗi dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2,900 tỷ đồng.
Các dự án nhóm B bao gồm 11 dự án với tổng mức đầu tư 5,205 tỷ đồng (kế hoạch năm 2018 đầu tư 1,126 tỷ đồng), bao gồm 3 dự án nhà ga hành khách, 3 dự án nhà ga hàng hóa và 5 dự án sân đỗ máy bay.
Ngoài ra, ACV cũng có kế hoạch mua sắm trang thiết bị với tổng mức đầu tư 1,523 tỷ đồng, kế hoạch năm 2018 là 1,281 tỷ đồng (Trang thiết bị an ninh, khẩn nguy 389 tỷ đồng; thiết bị phục vụ mặt đất 488 tỷ đồng; thiết bị phục vụ khai thác nhà ga, hệ thống công nghệ thông tin 404 tỷ đồng).
Trong năm 2017, ACV đã triển khai một số dự án đáng chú ý như: Mở rộng nhà ga hành khách T2 – Cảng HKQT Tân Sơn Nhất (giai đoạn 2) để nâng công suất nhà ga 13-15 triệu khách/năm; mở rộng nhà ga hành khách Phú Quốc, nâng công suất nhà ga 4 triệu khách/năm; mở rộng nhà ga hành khách Chu Lai, nâng công suất nhà ga 1.5 triệu khách/năm.
Nhà ga T3 là công trình cấp bách, mang tính “giải cứu” cho Tân Sơn Nhất
Như đã đề cập trước đó, dự án đầu tư lớn nhất trong các dự án nhóm A của ACV là đầu tư mới nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất (công suất thiết kế 15 triệu khách/năm) với tổng mức đầu tư 9,800 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư cho nhà ga T3 của Tổng Công ty đã được Bộ GTVT chấp thuận.
Theo chia sẻ của ông Lại Xuân Thanh, Bộ quốc phòng cơ bản đã nhất trí về diện tích cũng như vị trí chuyển đổi từ đất quốc phòng để xây dựng nhà ga T3 và Bộ GTVT cũng đã có điều chỉnh quy hoạch chi tiết.
Các nhà tư vấn đang khẩn trương thực hiện dự án này để trình bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt và Bộ GTVT đã giao cho ACV khi có điều chỉnh quy hoạch sẽ thực hiện ngay dự án. Ông Thanh cho biết dự án này rất cấp bách, phải triển khai nhanh vì đây là một công trình mang tính “giải cứu” cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Công suất hiện tại của Tân Sơn Nhất là 20 triệu hành khách/năm. Công suất dự kiến khi nhà ga T3 đi vào hoạt động là 15 triệu hành khách/năm (có thể đạt tới 20 triệu hành khách/năm), nâng tổng công suất của Tân Sơn Nhất lên 35 triệu. Nếu đặt kế hoạch công suất dự kiến của nhà ga T3 là 20 triệu hành khách/năm thì Tổng Công ty sẽ chia làm 2 giai đoạn.
Kỳ vọng lên HOSE trong năm 2018 nếu đáp ứng đủ điều kiện
Về kế hoạch niêm yết, ông Thanh cho biết thêm chủ trương này thực ra đã được thông qua tại ĐHĐCĐ năm trước đó và hiện HĐQT vẫn kiên trì thực hiện.
Để niêm yết, có 3 điều kiện mà ACV phải thực hiện xong. Thứ nhất là quyết toán thuế, hiện Cục thuế TPHCM đang thực hiện quyết toán thuế cho Tổng Công ty. Thứ hai là quyết toán giá trị vốn cổ phần của ACV sau khi cổ phần hóa và Bộ GTVT đang thực hiện. Thứ ba là cơ chế về quản lý khu bay. Khi ACV cổ phần hóa, nhà nước đã giữ lại đường hạ cất cánh và khu bay, do vậy phải có cơ chế quản lý khu bay để Tổng Công ty đáp ứng đủ điều kiện niêm yết.
Ông Thanh kỳ vọng các điều kiện trên sẽ thực hiện xong trước năm 2018 và ACV sẽ tiến hành niêm yết ngay sau đó.
Lợi nhuận trước thuế quý 1/2018 đạt gần 1,200 tỷ đồng, tăng trưởng 88%
Năm 2018, bên cạnh những yếu tố thuận lợi về nền kinh tế; cơ chế, chính sách; hạ tầng; thì thị trường vận tải hàng không được ACV đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn. Đầu tiên, tăng trưởng thị trường nội địa sẽ giảm mạnh trong năm 2018. Do trong các năm qua, từ năm 2014-2016, với sự tham gia khai thác hãng hàng không tư nhân, chính sách giá linh hoạt, các hãng mở nhiều đường bay mới nên tăng trưởng thị trường nội địa các năm qua rất cao, tỷ trọng lần lượt là: 20%, 27%, 30%. Đến năm 2017, tỷ lệ tăng trưởng thị trường nội địa đã có chiều hướng suy giảm.
Ngoài ra, giới hạn năng lực tiếp nhận khai thác tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất nên khả năng tăng chuyến mở rộng mạng đường bay đặc biệt thị trường nội địa sẽ hạn chế. Thị trường vận tải hàng không cũng đang đối diện với một số thách thức, bất ổn như giá xăng dầu đang có chiều hướng giá tăng, chi phí sản xuất tăng, các sự cố uy hiếp an ninh hàng không, tình hình chính trị thế giới bất ổn, giá vé tăng...
Trên cơ sở những thuận lợi và khó khăn, ACV đặt mục tiêu năm 2018 đạt sản lượng phục vụ vận chuyển 101.8 triệu hành khách, tăng trưởng 8% so với năm trước; sản lượng hàng hóa - bưu kiện đạt hơn 1,500 ngàn tấn, tăng 11% và tổng lượt cất hạ cánh đạt 637 ngàn lượt chuyến, tăng 3.5% so với năm 2017.
Theo đó, tổng doanh thu ước đạt hơn 16,000 tỷ đồng, tổng chi phí khoảng 10,364 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 5,665 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này chỉ tăng nhẹ từ 6-9% so với năm 2017. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 9%.
ACV cho biết kế hoạch tài chính trên chưa tính đến ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ mà chủ yếu là khoản nợ vay ODA bằng đồng Yên Nhật.
Riêng về chi phí, Tổng công ty dự kiến chi phí năm 2018 tăng chủ yếu là chi phí sửa chữa tài sản một số công trình dự án đã triển khai trong năm 2017 và hoàn thành năm 2018, như sửa chữa nhà ga T1 và hệ thống thiết bị kỹ thuật - Cảng HKQT Nội Bài, sửa chữa nhà ga Cam Ranh và các công trình khác; các chi phí khác phát sinh tăng do các nhà ga mới đưa vào vận hành khai thác trong năm 2018: Phù Cát, Phú Quốc, Tân Sơn Nhất, Chu Lai và nhà ga T2 - Nội Bài đã hết thời gian bảo hành.
Tính riêng trong quý 1/2018, ACV ghi nhận tổng doanh thu 3,937 tỷ đồng, tăng trưởng 10%. Bên cạnh đó, giá vốn cùng với các khoản chi phí khác giảm mạnh giúp lợi nhuận trước thuế quý 1 tăng tới 88%, đạt 1,192 tỷ đồng.
Thảo luận
Kế hoạch thoái vốn nhà nước?
Chính phủ vẫn yêu cầu ACV xây dựng phương án thoái vốn và dự kiến có thể thoái trong năm 2018 hoặc 2020, thoái một lần hoặc chia làm nhiều lần. Quyết định cuối cùng vẫn thuộc Nhà nước, tuy nhiên phía ACV không có ý định tìm cổ đông chiến lược mà nghiêng về phương án đấu giá công khai để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho Tổng Công ty.
Trong chiến lược mở rộng Tân Sơn Nhất, có kế hoạch nào tiếp nhận sân golf trong sân bay này?
Chắc chắn trong quy hoạch lần này, có việc lấy sân golf để triển khai một số dự án như kho hàng, nhà ga…. Kế hoạch của ACV mới chỉ là xây dựng nhà ga T3, đây là công trình cấp bách nhất trong điều chỉnh quy hoạch lần này.
Đề nghị Tổng công ty bổ sung cơ cấu trang bị là xe buýt tại nhiều sân bay địa phương.
Xe buýt trong sân bay thì yêu cầu bắt buộc sân bay nào cùng phải có. Còn xe buýt ngoài sân bay nếu muốn bổ sung phải phụ thuộc vào quyết định của địa phương. ACV sẽ làm việc, đề nghị và xin ý kiến địa phương về vấn đề này. Tổng Công ty xin ghi nhận ý kiến của cổ đông
Trong các chuyến bay trễ chuyến, bao nhiêu phần trăm trách nhiệm thuộc về ACV?
Việc chậm hủy chuyến bao gồm nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan như: hàng hàng không, thời tiết, phục vụ mặt đất, hạ tầng… Về phục vụ mặt đất, ACV không thực hiện nhiệm vụ này tại các sân bay lớn, ACV chỉ đảm nhiệm phục vụ mặt đất tại các sân bay địa phương nhưng các sân bay này lại ít khi bị delay (trễ chuyến). Về hạ tầng, hạ tầng Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng tắc nghẽn, nhưng việc tăng chuyến, giãn chuyến không do ACV quyết định mà phụ thuộc vào hãng hàng không và chỉ đạo của Cục hàng không.
Hiện nay, ACV có tới 8 Phó Tổng Giám đốc, Công ty có kế hoạch giảm bớt không?
ACV được hình thành từ việc hợp nhất 3 tổng công ty Miền Bắc, Miền Trung và Miền Nam nên số lượng Phó Tổng Giám đốc khá cao, ban đầu là 12 người đến giờ giảm xuống 8 người. ACV đang có kế hoạch tiếp tục giảm và có thể thực hiện ngay trong thời gian tới nhưng Tổng Công ty do Nhà nước chi phối nên các quyết định còn phụ thuộc vào Nhà nước.
Vì sao kế hoạch tăng trưởng số lượt hành khách năm 2018 đặt ra thấp hơn rất nhiều so với các năm trước?
Kế hoạch đặt ra trên cơ sở đánh giá thực tế, ACV đã đề nghị Bộ GTVT cải tạo hai đường băng. Việc đóng cửa hai đường băng này sẽ ảnh hưởng lớn đến số lượt hành khách nhưng bắt buộc phải làm và dự kiến thực hiện vào các mùa thấp điểm (tháng 8 bắt đầu khởi công, đến mùa Tết xong công trình). Hiện nay, vẫn còn vướng cơ chế và ngân sách nên ACV chưa đóng cửa đường băng trong năm 2018 được và dự kiến sang năm tới sẽ làm. Như vậy hiện tại, tăng trưởng hành khách vẫn khả quan và đạt hai con số. Hạ tầng của Tổng Công ty vẫn đáp ứng được sự tăng trưởng này.
ACV có kế hoạch thoái vốn các công ty liên kết?
Tổng Công ty không có kế hoạch thoái vốn cũng không có ý tưởng tăng sở hữu vì giá thị trường của cổ phiếu các công ty này hiện khá đắt.
Kế hoạch đầu tư hai sân bay Đà Nẵng và Cam Ranh?
Sân bay Đà Nẵng và Cam Ranh là hai công trình về mặt kinh doanh rất hiệu quả. Đây là hai nhà ga nằm tại hai trung tâm lớn và là hai cửa ngõ quốc tế, thu hút khách quốc tế rất lớn. Chúng tôi có ý tưởng triển khai mở rộng, nhưng còn phụ thuộc vào đối tác, Nhà nước.
Bộ GTVT đang nghiên cứu cách giảm tải cho hai sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất thông qua phát triển các sân bay địa phương (Cần Thơ, Hải Phòng, Thanh Hóa,…), đề nghị ACV tích cực vấn đề này.
ACV đã rất tích cực để triển khai. Nhiệm vụ của ACV là lo về hạ tầng, các sân bay địa phương như Cần Thơ hoàn toàn đáp ứng được. ACV đang bố sung thêm sân đậu tàu bay tại các sân bay địa phương để phục vụ cho việc đóng cửa hai đường băng) sắp tới.
ACV có kế hoạch xây dựng nhà ga hàng hóa ở Phú Bài và Chu Lai, vậy lưu lượng hàng hóa tại đây lớn như thế nào?
Hầu hết các cảng hàng không chưa có nhà ga hàng hóa, nhà ga hàng hóa cũng là một loại hình kinh doanh hiệu quả. ACV muốn sử dụng 100% vốn xây dựng nhà ga hàng hóa cùng với nhà ga hành khách. Chu Lai là cảng hàng không lớn nhất về hàng hóa, đây cũng là địa bàn phù hợp cho phát triển hàng hóa. Hiện, công suất hàng hóa tại các nhà ga ở Huế, Đà Nẵng khoảng trên 30,000 tấn/năm.
Thu Phong
FILI
|