Cuộc vui đã chấm dứt với cổ phiếu large caps, nhưng cơ hội đang tới với các cổ phiếu small caps?
Nhà đầu tư bắt đầu hoài nghi liệu rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể lặp lại mức tăng trưởng 48% trong năm 2017 sau khi “bốc hơi” 12% trong tháng 4 – tháng có thành quả tồi tệ nhất trong năm 2018, ngay cả khi thị trường IPO và nền kinh tế tăng trưởng mạnh.
Tăng trưởng GDP quý 1/2018 của Việt Nam chạm mức 7.4%, cao nhất trong 1 thập kỷ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ vượt mốc 3% trong tháng 4/2018, mức cao nhất trong 4 năm, nhà đầu tư lo sợ rằng dòng vốn vào các tài sản lợi suất cao ở thị trường mới nổi – trong đó có cả Việt Nam – trước đó có thể bắt đầu rút lui.
Thậm chí, cho dù không tính tới những yếu tố ngoại như trên, một số nhà đầu tư vẫn tỏ ra quan ngại rằng giá cổ phiếu Việt Nam “quá chát”. Hệ số P/E ở mức 17.86 lần, xét trên mức thu nhập ước tính của năm 2018.
Andreas Vogelsanger, Tổng Giám đốc của Asia Frontier Capital Việt Nam, cho biết mức giá cao của cổ phiếu Việt Nam là một mối lo ngại thực sự, nhưng chỉ đối với top 12-14 cổ phiếu hàng đầu của chỉ số VN-Index.
Ông vẫn nhận thấy các cơ hội từ các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Hiện các cổ phiếu này có P/E trailing là 9.5 lần và tỷ suất cổ tức là 7%.
“Giá của top 12-14 cổ phiếu thuộc VN-Index đã tăng lên mức phi thực tế trong 9 tháng trước đợt điều chỉnh tháng 4/2018”, ông Vogelsanger nói rõ. “Kỳ vọng tăng trưởng của những công ty này không thể nào được như hệ số P/E thể hiện. Tuy nhiên, ngoại trừ top 12-14 cổ phiếu vốn hóa lớn thúc đẩy chỉ số VN-Index, thì phần lớn các cổ phiếu khác lại không tham gia vào xu thế tăng này.
Ông Vogelsanger cho biết việc chuyển dần từ sản xuất từ các quốc gia như Trung Quốc sang Việt Nam đã thúc đẩy sự gia tăng khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 3 năm qua và chạm mức kỷ lục.
Khoản giải ngân FDI cũng chạm mức kỷ lục 17.5 tỷ USD trong năm 2017. Trong quý 1/2018, giải ngân FDI tăng tới 9% so với cùng kỳ năm trước.
Chẳng hạn, Tập đoàn Samsung Electronics của Hàn Quốc vận hành cơ sở sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất ở Việt Nam và tuyển dụng hơn 100,000 người.
Những khoản đầu tư đổ vào sản xuất công nghiệp và cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã thúc đẩy tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh chóng của nước này, ông cho biết, đồng thời nói thêm rằng sau đó, điều này lại quay sang khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu vào các dịch vụ tài chính như bảo hiểm.
Tầng lớp trung lưu của Việt Nam hiện chiếm tới 13% trong tổng số 95 triệu dân của Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) kỳ vọng con số này sẽ tăng lên 26% vào năm 2026.
Tất cả những yếu tố kinh tế vĩ mô tích cực trên đang báo hiệu tốt về các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ của Việt Nam, ông Vogelsanger nhấn mạnh.
Vũ Hạo (Theo SMCP)
FiLi
|