Thứ Ba, 29/05/2018 10:14

Có “bong bóng” BĐS trên diện rộng?

Trong khi một số ý kiến của một số chuyên gia độc lập tỏ rõ lo ngại về việc “bong bóng” bất động sản đang tích tụ và có thể vỡ ra cuối năm nay tạo ra hệ luỵ khôn lường thì tiếng nói của các Hiệp hội lại tỏ ra khá lạc quan. Trong lúc nhiều ý kiến trái chiều về việc có “bong bóng” bất động sản trên diện rộng hay không thì Bộ Xây dựng cho rằng, hiện nay vẫn khó xác định “bong bóng” bất động sản. Vậy, “bong bóng” bất động sản đã thật sự tích tụ và có đáng lo?

Tại nhiều địa phương giá đất nền tăng chóng mặt nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc này không thể tạo thành “bong bóng” trên toàn thị trường bất động sản. Ảnh: PV

Chỉ là “sốt đất” cục bộ?

Trước thực trạng giá đất tăng nhiều nơi, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) - cho rằng, trong thời gian qua đã xuất hiện các cơn “sốt ảo” giá đất, giá đất nền tại các xã ven dự án Sân bay Long Thành (Đồng Nai); các địa phương dự kiến trở thành đặc khu kinh tế như Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang); hoặc tại một số quận ven, huyện ngoại thành TPHCM. Tuy nhiên, ông Châu cho rằng đây chỉ là những đợt “sốt giá” cục bộ trong phân khúc thị trường đất nền, đất nông nghiệp, thậm chí có những trường hợp mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật, mà phần lớn là mua bán, chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư thứ cấp, kinh doanh “lướt sóng” kiếm lời.

Tuy nhìn nhận sẽ không có “bong bóng” bất động sản nhưng ông Châu cho rằng, trên thị trường bất động sản hiện nay, có 2 nhân tố cần được tiếp tục quan tâm để quản lý, kiểm soát. Thứ nhất, vẫn còn có tình trạng lệch pha cung - cầu trong phân khúc bất động sản cao cấp, và đang “sốt giá ảo” đất nền, đất nông nghiệp tại một số khu vực. Thứ hai, cũng đang xuất hiện nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, trong đó, có cả giới đầu cơ, đầu nậu, “cò đất” chuyên nghiệp làm giá, thổi giá, tạo sóng, lướt sóng, đẩy giá ảo đất nền, đất nông nghiệp rất cao so với giá trị thực để trục lợi.

Tuy nhiên, hai yếu tố nêu trên chỉ phản ánh một phần thị trường bất động sản, chỉ có thể tạo ra các cơn sốt giá ảo, cục bộ, nhất thời, chứ không thể gây ra “bong bóng” trên toàn bộ thị trường bất động sản.

Có đáng lo?

Đối chiếu các nguyên nhân dẫn đến bong bóng bất động sản trong quá khứ với tình hình thực tiễn của thị trường hiện nay, Chủ tịch HoREA nhận thấy, tăng trưởng GDP cả nước năm 2017 đạt 6,81%, nền kinh tế không có tăng trưởng nóng, là mức tăng trưởng hợp lý. Tăng trưởng tín dụng của cả nước năm 2017 đạt 18,17% (chỉ gần bằng phân nửa mức tăng trưởng tín dụng nóng 37% của năm 2007); dự kiến năm 2018 tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 17% cũng là mức tăng hợp lý. Ông Châu cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện chính sách tín dụng thận trọng, chặt chẽ và linh hoạt; đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ nguồn tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán; các ngân hàng thương mại không có hiện tượng buông lỏng tín dụng hoặc cho vay dưới chuẩn; lãi suất huy động hiện nay khá ổn định; lãi suất cho vay trung và dài hạn chỉ trong khoảng 9,3-11%/năm.

Từ những yếu tố trên, ông Châu cho rằng, trong năm 2018, không có khả năng xảy ra “bong bóng” bất động sản còn do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có nhiều kinh nghiệm về việc sử dụng kịp thời, hiệu quả công cụ về thuế; công cụ về tín dụng; công cụ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư dự án để điều tiết hiệu quả thị trường bất động sản ngay khi vừa xuất hiện dấu hiệu bất thường.

Liên quan tới sốt đất tại nhiều nơi, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Xây dựng quý II, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và Thị trường bất động sản - cho biết, thời gian qua thị trường bất động sản tuy không có biến động nhiều, nhưng tại các khu vực ven đô thị lớn, đặc biệt tại một số đặc khu kinh tế việc buôn bán, chuyển nhượng đất nền diễn ra phức tạp.

Về vấn đề này Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các địa phương nắm bắt tình hình và kịp thời báo cáo. Thủ tướng chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo và giao cho 3 địa phương là Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang có giải pháp kiên quyết ngăn chặn tình trạng mua bán đất, xây dựng trái phép diễn ra tại những khu vực này, không để những đối tượng xấu lợi dụng tình hình làm ảnh hưởng tới trật tự, an toàn của thị trường bất động sản - ông Ninh cho hay.

Nhận định về thị trường bất động sản liệu có xảy ra “bong bóng” trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng rất khó kết luận ở thời điểm này vì phải tiến hành rà soát, xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau từ số lượng giao dịch, biến động giá cả từng phân khúc, mức đầu tư... “Hiện Chính phủ cũng đang giao Bộ Xây dựng nghiên cứu vấn đề này và sẽ báo cáo trong thời gian tới nhằm đưa ra các giải pháp kịp thời, không để tình trạng bong bóng xảy ra” - ông Ninh nói. 

THỐNG CHÍ

LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Nhiều đất công ở Sài Gòn được cho thuê với giá mỗi m2 bằng nửa tô bún (29/05/2018)

>   Lựa chọn đầu tư an toàn trong cơn "sốt" đất (28/05/2018)

>   Ai đứng sau 'cơn bão' giá đất ven biển Phú Yên? (28/05/2018)

>   Cỗ máy in tiền từ đặc quyền “bán hàng đa cấp” đất công (28/05/2018)

>   'Đất vàng đất bạc rơi vào tay doanh nghiệp bạch tuộc' (25/05/2018)

>   Nhờ giá rẻ, thị trường bất động sản Việt Nam trở thành nơi săn kho báu cho Hồng Kông và Trung Quốc (24/05/2018)

>   "Khó kết luận có bong bóng bất động sản hay không" (24/05/2018)

>   Cán bộ Phú Quốc dừng xuất ngoại để giải quyết công việc đất đai (23/05/2018)

>   Biến động giá đất: Góc nhìn từ nhiều phía (23/05/2018)

>   Đặc khu hành chính kinh tế: Đừng để sốt đất ảnh hưởng tới các nhà đầu tư (23/05/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật