Bloomberg: Vì sao các chuyên gia môi giới nước ngoài đến với Việt Nam?
Bài viết thể hiện quan điểm của biên tập viên Shuli Ren trên Bloomberg
Nếu chuyên gia môi giới nào cảm thấy mệt mỏi vì tiền thưởng cứ giảm hoài thì họ có thể chuyển sang Việt Nam, biết đâu sự giàu có đang chờ đợi họ ở đó.
Các công ty chứng khoán tại Việt Nam đã thực hiện tuyển dụng những cá nhân có kinh nghiệm ở nước ngoài trong vài tháng gần đây. Một năm trước, ông Mike Lynch – từng là một Giám đốc quản lý tại CIMB Group Holdings ở New York – nay đã chuyển sang Thành phố Hồ Chí Minh và trở thành Trưởng nhóm khách hàng tổ chức tại CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI), công ty môi giới lớn nhất tại Việt Nam. Tương tự ông Lynch, nửa năm sau đó, Lawrence Heavey – người có kinh nghiệm 10 năm về cổ phiếu châu Á tại CLSA – cũng bước chân vào SSI.
Các công ty chứng khoán khác cũng không bị tụt lại quá xa. Trong tháng 1/2018, CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC, HOSE: HCM) – một trong 3 công ty môi giới lớn của Việt Nam – vừa tuyển dụng ông Stephen McKeever – từng là Trưởng Bộ phận Kinh doanh cổ phiếu châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) tại Mizuho Securities Co. ở Hồng Kông.
Vậy tại sao những chuyên gia môi giới cấp cao này lại đến Việt Nam – một đất nước được MSCI đánh giá ở bậc “thị trường cận biên” (frontier market)?
Việt Nam là một thế giới cách biệt với các thị trường tài chính lâu đời hơn ở châu Á – nơi phí hoa hồng đã và đang bị bào mòn dần bởi các quy định MiFID và cạnh tranh khốc liệt. Tại Việt Nam, các công ty môi giới hàng đầu vẫn kiếm được ít nhất 0.15% trên mỗi giao dịch cổ phiếu, gấp 3 lần so với các thị trường phát triển như Hồng Kông – nơi các công ty chứng khoán hàng đầu khó mà kiếm nổi 0.05% trên mỗi giao dịch của khách hàng tổ chức.
Bên cạnh sự hấp dẫn của phí hoa hồng là sự nhiệt huyết của nhà đầu tư nơi đây. VN-Index là chỉ số có thành quả tốt nhất châu Á năm 2017 và hiện vẫn tăng 28% trong khoảng thời gian 12 tháng vừa qua, bất chấp đà bán tháo trong thời gian gần đây. Trong ngày thứ Hai (28/05), chỉ số VN-Index đã bước vào thị trường con gấu và giảm 23% so với mức đỉnh lập ra trong tháng 4/2018.
Quan trọng hơn, ở đây có “sóng”. Thị trường chứng khoán Việt Nam có thanh khoản cao hơn những thị trường khác ở Đông Nam Á. Tỷ lệ luân chuyển hàng năm (giá trị giao dịch trên vốn hóa thị trường) là 32.6% trong năm 2017, cao hơn nhiều so với mức 11.6% của Philippines và mức 17.8% ở Indonesia, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB). Tại đỉnh điểm trong tháng 1/2018, khối lượng giao dịch hàng ngày bình quân hơn 300 triệu USD.
Chưa hết, bị thu hút bởi một nền kinh tế tăng trưởng 6.8% trong năm 2017, ngay cả các quỹ Chính phủ hạng 1 cũng phải đổ xô vào Việt Nam. Trong năm nay, quỹ GIC Pte của Singapore đã đầu tư 1.3 tỷ USD (tương đương 29,500 tỷ đồng) dưới 2 hình thức là đầu tư mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes (như khoản cho vay) để thực hiện các dự án. Bên cạnh đó, quỹ này còn tham gia vào đợt chào bán cổ phần của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, OTC: TCB) – một ngân hàng đã có sự hậu thuẫn của quỹ Warburg Pincus LLC. Khi nói về phục vụ khách hàng tổ chức nước ngoài, việc tuyển dụng những người phương Tây có kinh nghiệm an toàn hơn là sử dụng những tài năng thiếu kinh nghiệm ở trong nước.
Ngoài ra, còn có một số việc làm tốt ở đây. Ngành chứng khoán của Việt Nam hiện đang trong giai đoạn thuận lợi nhất cho các nhân viên ngành này.
Các chuyên gia môi giới nước ngoài có thể nhận thấy TP.HCM là mảnh đất màu mỡ để đầu tư tài khoản cá nhân. Từ mua bất động sản đến tài trợ cho các start-up, tài sản của họ có thể nhân lên chỉ trong vài năm.
Người nước ngoài hiện được phép mua tới 30% số căn nhà trong một dự án bất động sản được cấp phép. Chẳng hạn, CapitaLand – công ty có trụ sở ở Singapore – đã bán các căn hộ trong dự án nhà ở cao cấp De La Sol, với giá chỉ 350 USD/feet vuông. Con số này chưa bằng 50% mức giá của dự án tương đương ở Thái Lan. Ngoài ra, việc cho thuê văn phòng ở khu kinh doanh trung tâm của Tp.HCM cũng đem lại tỷ suất sinh lợi hấp dẫn 6%-9%.
Về việc tài trợ cho các start-up tiềm năng, ông Marc Djandji – Giám đốc Khối môi giới khách hàng tổ chức của Công ty Chứng khoán Rồng Việt – có cổ phần ở công ty bia nhỏ Pasteur Street Brewing ở Tp.HCM. Tiềm năng của một nền kinh tế có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng trưởng là điều đáng nói tới khi Thai Beverage đã chi ra 4.8 tỷ USD để giành lấy quyền kiểm soát Sabeco trong tháng 12/2017.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|