Bất ổn gia tăng, sao giá vàng thế giới vẫn không tăng?
Vàng vốn được xem là kênh trú ẩn an toàn trong những lúc bất ổn, nhưng tại sao bất ổn gia tăng còn giá vàng lại giảm.
Mặc dù có đủ điều kiện để vàng tăng giá trong tuần này – từ bất ổn chính trị ở Italy và đà lao dốc của thị trường cổ phiếu cho tới căng thẳng thương mại và sự hoài nghi về lộ trình nâng lãi suất của Fed – nhưng giá vàng vẫn giảm và dao động gần mức thấp nhất trong năm nay. Ngay cả lời cảnh báo từ huyền thoại đầu cơ George Soros cũng chẳng thể hỗ trợ giá vàng.
Kim loại quý này gần như không thay đổi so với thời điểm đầu năm 2018 và chuẩn bị ghi nhận tháng suy giảm thứ 2 liên tiếp trong tháng 5/2018, mặc dù tâm lý né tránh rủi ro đang lan tỏa ra cả thị trường. Lý do nằm ở sự hấp dẫn của trái phiếu Chính phủ Mỹ và đà tăng của đồng USD, theo quan điểm của Stephen Innes, Trưởng Bộ phận Giao dịch tại Oanda Corp.
“Đồng USD mạnh hơn rõ ràng là trở ngại lớn nhất, nhưng khi trái phiếu châu Âu bị bán tháo, nhà đầu tư lại đổ xô sang trái phiếu Chính phủ Mỹ”, ông Innes cho biết qua thư điện tử. “Vì vậy, việc chuyển hướng sang trái phiếu Chính phủ Mỹ lại củng cố đà tăng của đồng USD và do đó làm giảm sức hấp dẫn của vàng ở một mức độ nhất định”.
Giá vàng hiện đang dao động gần ngưỡng 1,300 USD/oz trong ngày thứ Tư (30/04), còn chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index dao động gần mức cao nhất kể từ tháng 11/2017. Trong ngày thứ Ba (29/05), lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 0.15%, mức giảm mạnh nhất kể từ sự kiện Brexit trong năm 2016, nhưng giá vàng vẫn đứng yên.
Dù vậy, ông Innes vẫn chưa từ bỏ vàng. “Tôi vẫn giữ vàng vì khả năng giảm giá là hạn chế trong bối cảnh có nhiều rủi ro chính trị trên thế giới”, ông cho hay.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|