Thứ Hai, 23/04/2018 10:02

“Yếu tố trục lợi trong giao dịch giữa Quốc Cường Gia Lai và Công ty Tân Thuận khá rõ ràng”

Từ những thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, nhìn nhận yếu tố trục lợi trong giao dịch giữa Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, công ty của nhà Cường đô la, và Công ty Tân Thuận là khá rõ ràng.

Trao đổi với “Góc nhìn chuyên gia” của Dân Việt, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, nếu như Quốc Cương Gia Lai của nhà Cường đô la thực hiện đúng theo tuyên bố “dù là Nhà nước cũng phải ra toà”, thì đây sẽ là tiền lệ tốt trong cải cách tư pháp, thể hiện quyền bình đẳng giữa các chủ thể trong một Nhà nước pháp quyền.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội (Ảnh: MH)

“Tuy nhiên, theo những thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông thì yếu tố trục lợi trong giao dịch giữa Quốc Cường Gia Lai và Công ty Tân Thuận là khá rõ ràng. Vì vậy hợp đồng này dù hoàn chỉnh về mặt pháp lý song khả năng thắng kiện của đôi bên đều rất yếu”, ông Kiên nhận định.

Xin ông giải thích rõ hơn về nhận định hợp đồng giao dịch giữa 2 công ty tuy hoàn chỉnh về pháp lý song vẫn có yếu tố sai phạm trong vụ việc này?

Vụ việc Công ty Tân Thuận chuyển nhượng hay liên kết với Quốc Cường Gia Lai của nhà Cường đô la để thực hiện phát triển khu đô thị mới chính là một minh chứng rõ ràng trong việc quản lý đất đai của chúng ta có những khoảng trống về pháp lý, mà những người làm ăn không chính đáng sẽ lợi dụng.

Quá trình triển khai chuyển đổi đất sở hữu toàn dân với mục đích là đất nông nghiệp sang đất phát triển đô thị, theo các luật hiện hành đòi hỏi rất nhiều thủ tục và được nhiều cấp chính quyền phê duyệt.

Nhưng ở sự việc này, ban đầu là DNNN thuộc Văn phòng Thành uỷ TP. HCM đứng ra xin triển khai thực hiện dự án, sau đó các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng, thì họ lại làm nửa chừng rồi chuyển nhượng cho công ty tư nhân thực hiện.

Ở đây phải nói thẳng là lý do để Công ty Tân Thuận xin liên doanh với Quốc Cường Gia Lai là nguỵ biện. Khi doanh nghiệp đã không có đủ vốn, muốn triển khai một dự án thì phải làm tờ trình lên cơ quan chủ quản, như vậy về mặt pháp lý là không đủ năng lực để được giao triển khai thực hiện.

Vì phát hiện Công ty Tân Thuận không đủ năng lực thực hiện dự án, nên việc Thành uỷ TP.HCM chỉ đạo tạm đình chỉ để kiểm tra vụ việc này là rất kịp thời.

Cũng phải dẫn chứng thêm rằng, chính vì có kẽ hở trong việc giao dự án nên chúng ta thấy rất nhiều dự án bất động sản sau khi khởi công xong thì bị đình trệ do thiếu vốn, hoặc phát sinh sai phạm do huy động vốn rồi bán nhà trước khi hình thành hạ tầng theo quy định Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản.  

Với vụ việc này, phía Quốc Cường Gia Lai tuyên bố khởi kiện Công ty Tân Thuận ra toà, vì theo quan niệm của họ đây là sự việc dân sự kinh tế. Đứng về góc độ Nhà nước pháp quyền, chúng ta khuyến khích các doanh nghiệp đều có nghĩa vụ bình đẳng trong việc thực hiện hợp đồng dân sự kinh tế, và các tranh chấp sau hoà giải không thành thì sẽ đưa ra kiện ở toà. Đây là nét văn minh trong xã hội công nghiệp mà chúng ta cần phải khuyến khích.

Nhưng cũng phải lưu ý cả hai doanh nghiệp là nếu trong quá trình khởi kiện mà các cơ quan quản lý nhà nước phát hiện ra hai bên thông đồng để gây thất thoát tài sản nhà nước thì cả hai bên đều phải chịu hình phạt của Bộ Luật Hình sự. Và ở đây sẽ không có tình tiết giảm nhẹ.

Ông có thể giải thích rõ hơn về góc độ pháp lý của hợp đồng giao dịch này?

Tôi cho rằng về mặt pháp lý thì hình thức hợp đồng là giao dịch dân sự hoàn chỉnh, nhưng lại là sự hoàn chỉnh trên nền của sự thông đồng để trục lợi về mặt kinh tế. Vì vậy khả năng thắng kiện của một trong hai doanh nghiệp là rất yếu. Nguy cơ cao là cả hai bên sẽ dính vào vòng lao lý do hành động cố ý làm trái.

Tôi tin rằng khi tiến hành khởi kiện thì các công ty này sẽ có đội ngũ luật sư am hiểu pháp luật để làm tư vấn. Khi đó họ sẽ tư vấn các doanh nghiệp này nên kiện hay hoà giải để huỷ bỏ hợp đồng dân sự giao dịch trên nền của sự thông đồng.

Nhìn rộng ra thì việc thất thoát tài sản Nhà nước qua đất đai không phải là cá biệt trong nền kinh tế. Tại sao cho đến nay chúng ta vẫn chưa giải quyết triệt để được vấn đề này, thưa ông?

Quản lý đất đai của chúng ta manh mún và cắt khúc cho nên mới xảy ra tình trạng thất thoát tài sản từ đất, tuy nhiên cũng phải nói rằng đây là vấn đề tất yếu trong một nền kinh tế chuyển đổi.

Nhìn lại từ năm 1990 ở các nước Đông Âu và Nga rồi đến Trung Quốc, chúng ta thấy phần lớn các nhà tư sản, tỷ phú mới nổi chỉ có thể xuất hiện thông qua con đường ăn chênh lệch địa tô từ đất và từ chuyện cổ phần hoá DNNN. Còn lại những người làm giàu thành đạt nhờ có sở hữu trí tuệ, có công nghệ mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vấn đề bây giờ là chúng ta phải làm rõ được tổ chức bộ máy, phân cấp phân quyền thể hiện trong Luật Đất đai là chưa rõ ở những chỗ nào. Chúng ta bị dùng dằng giữa khái niệm của Hiến pháp là đất đai sở hữu toàn dân, song lại không giải quyết triệt để phần đất ở, nhà ở, việc lợi nhuận thu được từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đầu tư trên đất không rõ ràng.

Vì vậy, hiện nay mặc dù Hiến pháp quy định đất đai là sở hữu toàn dân nhưng cũng chính trong Hiến pháp lại công nhận quyền sở hữu với đất ở nhà ở là tài sản, như vậy ngay bản thân pháp lý của chúng ta cũng có vấn đề cần phải cụ thể hoá trong các luật chuyên ngành.

Do không giải quyết được thấu đáo vấn đề đó nên luôn có khe hở do sự chênh lệch chuyển từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở. Bản chất là chuyển sở hữu miếng đất đấy từ toàn dân sang cá nhân và nó phát sinh chênh lệch địa tô do vấn đề sở hữu. Tài sản đó chỉ sinh lợi khi người ta xác định được chủ quyền, có thể bán, kiếm lời.

Lý do khác là thực trạng quản lý ở Việt Nam thời gian vừa qua. Mang tiếng là Chính phủ quản lý chung nhưng thực chất chỉ quản lý ở những đất sản xuất kinh doanh, ví dụ đất mỏ, nông lâm trường thì giao cho DNNN, còn lại đất ruộng giao cho tỉnh và sau đó chia cho người nông dân.

Cũng chính vì như vậy mới có sự bất hợp lý, mâu thuẫn giữa người sử dụng đất làm nông nghiệp với người sử dụng đất làm công nghiệp hoá – hiện đại hoá, từ đó phát sinh chênh lệch địa tô.

Với các khoảng trống trong cả pháp lý và quản lý hiện hành, theo ông, đến bao giờ chúng ta mới xử lý triệt để được vấn đề này?

Như tôi đã nói, trước hết phải nhìn nhận khách quan rằng câu chuyện thất thoát tài sản từ đất đai của Việt Nam đang lặp lại sự việc xảy ra những năm 90 của các nước Đông Âu và Liên Xô cũ, chúng ta không thể thoát ra quy luật của một nền kinh tế chuyển đổi từ kế hoạch hoá sang, bao giờ cũng có sơ suất đó. Vấn đề là chúng ta có bịt được không?

Hiện nay chúng ta đã có luật để khống chế điều đó, và đối chiều từ thực tế vụ việc trên, nhờ có luật mới đủ căn cứ để huỷ hợp đồng, thu hồi đất. Luật đã có, tất nhiên chưa đủ, nhưng với các quy định hiện tại nếu ai có tâm, không tham nhũng thì đều có thể bảo vệ tài sản nhà nước. Vấn đề bây giờ là tổ chức thực hiện luật cho thật tốt.

Với hệ thống luật hiện hành chúng ta đã có thể xử lý được các vụ việc tương tự, vấn đề là có muốn xử lý hay không, còn không muốn xử lý thì chịu.

Xin cảm ơn ông!

Đức Ngọc (thực hiện)

Dân Việt

Các tin tức khác

>   Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam có thể đạt 9 tỷ USD (23/04/2018)

>   "Thủ phủ" heo tung cờ trắng! (23/04/2018)

>   Việt Nam chi hơn 23 triệu USD nhập khẩu ôtô trong 1 tuần (22/04/2018)

>   Kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai để "giành đất" ở Phú Quốc  (22/04/2018)

>   Bỏ điều kiện kinh doanh "hành" doanh nghiệp (22/04/2018)

>   Coi sự hài lòng của doanh nghiệp là chìa khóa (22/04/2018)

>   Giám đốc công an Đà Nẵng nói gì về thông tin 'biệt phủ'? (20/04/2018)

>   Cựu lãnh đạo Đà Nẵng bị khởi tố: Người trong cuộc giải thích ra sao? (20/04/2018)

>   Nảy sinh tình trạng tham nhũng thông qua việc đầu tư xây dựng (20/04/2018)

>   Vũ 'nhôm' lấy đâu hàng trăm lô đất để thế chấp DongABank? (20/04/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật