Thứ Bảy, 07/04/2018 15:52

Xếp hạng Moody’s: Nhiều điểm sáng dành cho ACB, MB, Techcombank và VPBank

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody’s) vừa nâng bậc xếp hạng tiền gửi dài hạn bằng nội tệ, và xếp hạng nhà phát hành bằng cả đồng nội tệ và ngoại tệ của các ngân hàng gồm Á Châu (HNX: ACB), Quân đội (MB, HOSE: MBB) và Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) từ B2 lên B1.

Trong khi đó, Moody’s giữ nguyên xếp hạng tiền gửi bằng ngoại tệ của cả ba ngân hàng trên ở mức B2, với mức xếp hạng tiền gửi bằng ngoại tệ của Việt Nam là B2.

Bên cạnh đó, Moody’s đã nâng bậc BCA (Xếp hạng Tín dụng Cơ sở) của 3 ngân hàng này từ b2 lên b1.

Với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB), Moody’s giữ nguyên xếp hạng tiền gửi dài hạn bằng cả nội tệ lẫn ngoại tệ và xếp hạng nhà phát hành bằng cả nội tệ lẫn ngoại tệ ở mức B2, và nâng bậc BCA của ngân hàng này từ b3 lên b2.

Chưa hết, Moody's còn thay đổi triển vọng tín nhiệm nhà phát hành bằng cả nội tệ lẫn ngoại tệ của ACB, MB và Techcombank từ “tích cực” sang “ổn định”, nhưng lại nâng bậc của VPBank từ “ổn định” lên “tích cực”.

Nâng bậc tín nhiệm của ACB, MB và Techcombank lên B1

Sở dĩ, Moody’s nâng bậc xếp hạng tiền gửi dài hạn bằng nội tệ, xếp hạng nhà phát hành bằng cả đồng nội tệ và ngoại tệ của ACB, MB và Techcombank từ B2 lên B1 là dựa trên việc nâng bậc BCA của các ngân hàng này từ b2 lên b1.

ACB được nâng bậc BCA phản ánh sự cải thiện về chất lượng tài sản nhờ tiến triển tốt trong việc giải quyết nợ xấu, bao gồm cả các tài sản có vấn đề liên quan tới 6 công ty gắn liền với cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên). Tỷ lệ nợ có vấn đề của ACB (được điều chỉnh bởi Moody’s) giảm xuống 0.95% tại cuối năm 2017, thấp hơn nhiều so với mức 2.99% hồi cuối năm 2016, phần lớn là nhờ bán lại nợ xấu cho VAMC (Công ty Quản lý Tài sản của các Tổ chức Tín dụng Việt Nam).

Theo định nghĩa của Moody’s, nợ có vấn đề là dư nợ thuộc nhóm 2-5 theo tiêu chuẩn kế toán Việt Nam và trái phiếu do VAMC phát hành. Moody’s kỳ vọng chất lượng tài sản của ACB sẽ được duy trì ổn định trong vòng 12-18 tháng tới khi xét tới sự cải thiện về môi trường hoạt động – sẽ hỗ trợ cho khả năng trả nợ của những người đi vay.

Ngoài ra, bậc xếp hạng BCA của ACB cũng phản ánh kỳ vọng của Moody’s rằng mức vốn của ngân hàng này sẽ giảm dần, khi tăng trưởng vượt quá khả năng tạo vốn nội bộ. Tại cuối năm 2017,  tỷ lệ vốn lõi của Ngân hàng trên tổng tài sản đã điều chỉnh rủi ro (TCE/RWA) của ACB ở mức vừa phải 8.2%.

Còn việc nâng bậc BCA của MB từ b2 lên b1 xuất phát từ sự cải thiện liên tục của chất lượng tài sản và kỳ vọng gia tăng tỷ suất sinh lợi trên tài sản (ROA) trong năm 2018 khi ngân hàng này mở rộng vào phân khúc bán lẻ có lợi suất cao hơn và giảm trích lập dự phòng.

Ngoài ra, tỷ lệ nợ có vấn đề của MB cũng giảm từ 4.7% (cuối năm 2016) xuống 2.9% tại cuối năm 2017, chủ yếu là nhờ việc bán nợ cho VAMC. Moody’s kỳ vọng chất lượng tài sản của MB sẽ duy trì ổn định trong vòng 12-18 tháng tới.

Bên cạnh đó, mức BCA của MB cũng đã tính tới tấm đệm an toàn vốn mỏng và tăng trưởng tín dụng nhanh – sẽ gây áp lực lên việc tạo vốn.

Về phần Techcombank, việc nâng bậc BCA xuất phát từ sự cải thiện về các thước đo thanh toán, cụ thể là vốn, chất lượng tài sản và khả năng sinh lời.

Techcombank đã cải thiện đáng kể tấm đệm vốn lõi của mình thông qua nhiều giao dịch trong vòng 5 tháng vừa qua. Trong đó, gần đây nhất là thương vụ Warburg Pincus bơm 370 triệu USD trong tháng 3/2018. Moody’s ước tính tỷ lệ TCE/RWA của Techcombank tăng từ 9% (năm 2016) lên 14.5% (năm 2017), qua đó giúp Techcombank trở thành ngân hàng có tấm đệm vốn lõi cao nhất trong số 16 ngân hàng Việt Nam mà Moody’s có đánh giá.

Moody’s kỳ vọng tỷ lệ TCE/RWA của Techcombank sẽ bình thường trở lại, ở mức thấp hơn trong 2 năm tới, nhờ tăng trưởng tính dụng và hoạt động đầu tư.

Tỷ lệ nợ có vấn đề (đã điều chỉnh) của Techcombank giảm từ 7.3% (năm 2016) xuống 4.2% trong năm 2017. Moody’s lưu ý rằng lượng nợ có vấn đề đã giảm 37% trong năm 2017 xuống còn 6.8 ngàn tỷ đồng, nhờ bán nợ cho VAMC.

Ngoài ra, hoạt động cho vay của Techcombank cũng được đa dạng hóa tại cuối năm 2017, trong đó 44% trong phân khúc doanh nghiệp, 16% trong phân khúc SME và 40% trong lĩnh vực bán lẻ. Tỷ lệ cho vay bán lẻ có thể tăng trong năm 2018, trong khi tỷ lệ cho vay doanh nghiệp sẽ giảm sút.

Tỷ lệ ROA của Techcombank cũng cải thiện từ 1.3% (năm 2016) lên 2.4% trong năm 2017. Moody’s kỳ vọng rằng ngân hàng này sẽ duy được tỷ lệ ROA ở mức 2% trong giai đoạn 2018-2019.

VPBank được nâng bậc BCA lên b2

Moody’s giữ nguyên bậc tín nhiệm của VPBank ở mức B2 và nâng bậc BCA từ b3 lên b2.

Sở dĩ, Moody’s nâng bậc BCA của VPBank là vì khả năng sinh lời cao của ngân hàng này, cũng như sự cải thiện về tấm đệm an toàn vốn. Ngoài ra, bậc BCA cũng phản ánh rủi ro tính dụng cao của VPBank từ danh mục tín dụng tiêu dùng, và mức trích lập dự phòng nợ xấu thấp so với những ngân hàng trong nước và nước ngoài.

Tỷ lệ ROA của VPBank cao hơn so với hầu hết các ngân hàng trong nước, tăng từ 1.7% (năm 2016) lên 2.3% trong năm 2017. Thu nhập trước khi trích lập dự phòng tăng 56% trong năm 2017 và 57% trong năm 2016. Moody’s cũng cho rằng tăng trưởng doanh thu mạnh góp phần thúc đẩy tăng trưởng của VPBank, và thị phần dẫn đầu trong mảng tín dụng tiêu dùng vốn có lãi suất rất cao.

Tỷ lệ TCE/RWA của VPBank cũng tăng từ 8.5% (năm 2016) lên 12.1% tại cuối năm 2017. Sự cải thiện này xuất phát từ việc phát hành cổ phần mới, chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và thưởng cổ phiếu, cũng như mức lợi nhuận giữ lại cao hơn; trong khi tăng trưởng tín dụng năm 2017 chỉ ở mức 26%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân là 41% trong giai đoạn 2013-2016.

Bậc xếp hạng BCA ở mức b2 cũng phản ánh các thước đo chất lượng tài sản thấp, khi VPBank có 20% khoản cho vay nằm trong phân khúc tín dụng tiêu dùng có rủi ro cao hơn.

Vũ Hạo

Fili

Các tin tức khác

>   HDBank triển khai dịch vụ tra cứu sổ tiết kiệm (07/04/2018)

>   VietinBank chính thức lên tiếng không về chung nhà với PGBank (06/04/2018)

>   Sai phạm tại Ngân hàng Đông Á: 8 năm không ai phát hiện (06/04/2018)

>   Ba cựu lãnh đạo Agribank Cần Thơ gây thiệt hại hơn 304 tỉ (06/04/2018)

>   Dàn lãnh đạo Ngân hàng Đông Á gây thiệt hại gần 3.500 tỷ đồng (06/04/2018)

>   'Hôn nhân bất thành' với VietinBank, PGBank đang tìm đến MB Bank? (05/04/2018)

>   Đại án DongABank: Nguyên trung tá Công an TP.HCM gây thiệt hại hơn 53 tỉ đồng (05/04/2018)

>   Vietcombank chào bán nốt cổ phiếu OCB vào 17/04 (05/04/2018)

>   Eximbank ước lãi trước thuế 2018 tăng 57%, đạt 1,600 tỷ đồng (05/04/2018)

>   Phó Tổng muốn bán bớt cổ phiếu MBB (06/04/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật