UBS: Các rủi ro đối với kinh tế thế giới sẽ bắt đầu thành hiện thực trễ nhất là 3 năm nữa
Nền kinh tế thế giới đang ở một trong những năm tốt nhất của nó kể từ cuộc khủng hoảng tài chính tài cầu đến nay, khi cả những quốc gia phát triển lẫn các nền kinh tế mới nổi đều đang tăng trưởng, lạm phát vẫn đang dịu xuống và những điều kiện tiền tệ phần lớn vẫn có thể thích ứng được.
Tuy nhiên, quãng thời gian tươi đẹp như thế có thể kết thúc trong 2 đến 3 năm tới, theo Axel Weber, Chủ tịch của ngân hàng UBS.
“Chúng ta đang ở cuối một giai đoạn hồi phục dài và trễ nhất là 2 đến 3 năm tới, một vài rủi trong số đó có thể trở thành hiện thực. Những rủi ro suy thoái đang tăng lên”, ông Weber nói với phóng viên Joumanna Bercetche của CNBC trong tuần này tại các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Tuần này, IMF giữ nguyên dự báo của họ dành cho tăng trưởng toàn cầu trong năm 2018 ở mức 3.9%, mà nếu như thành hiện thực thì sẽ là mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2011 đến nay. Tuy vậy, cơ quan này đã cảnh báo rằng các mức nợ toàn cầu đã chạm kỷ lục, và các Chính phủ nên bắt đầu giảm tình trạng nợ nần của mình, đồng thời xây dựng những vùng đệm dành cho “các thử thách mà chắc chắn sẽ đến trong tương lai”.
Các tổ chức tài chính cũng nên chuẩn bị cho những rủi ro như thế, ông Weber nói, đồng thời bổ sung thêm rằng ông nghĩ các ngân hàng đã trở nên được chuẩn bị tốt hơn so với trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng vừa qua.
UBS không nhận thấy một cuộc chiến thương mại đang tới
Giống như nhiều nhân vật khác trong ngành, ông Weber cho biết mình không nghĩ rằng một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện sẽ xảy ra do sự tranh chấp đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông cho biết thêm rằng đã đến lúc đánh giá lại vai trò của Bắc Kinh trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đặc biệt là nếu xét đến những dự báo rằng một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài ra, ông cũng cho rằng các công ty trên khắp thế giới nên được phép kinh doanh tự do hơn ở đất nước đông dân nhất thế giới này.
Đã có một số dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang mở cửa: Năm ngoái, UBS đã trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên nhận được giấy phép cho phép đơn vị quản lý tài sản do họ sở hữu hoàn toàn hoạt động ở Trung Quốc để phục vụ những nhà đầu tư có lượng tài sản ròng lớn và đến từ các tổ chức trong nước.
“Khi kinh doanh ở Trung Quốc, chúng tôi làm điều đó dưới dạng liên doanh. Chúng tôi nên được bước vào thị trường này một mình hoặc dưới dạng hợp tác với các công ty con ở Trung Quốc với tỷ lệ trên 50% hoặc thậm chí 100%”, ông giải thích.
“Đó là cách mà các tổ chức quốc tế nên được kinh doanh ở Trung Quốc”, ông nói thêm.
Nhã Thanh (Theo CNBC)
FiLi
|