Tiếp tục đối mặt với loạt khó khăn, Đạm Hà Bắc lại cầu cứu Bộ Công Thương
CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UPCoM: DHB) vừa tiếp tục báo lỗ hơn 86.4 tỷ đồng trong quý 1/2018 và cho biết trong năm nay sẽ tiếp tục đối mặt với hàng loạt khó khăn nên dự kiến lỗ cả năm hơn 720 tỷ đồng.
Cụ thể, trong quý 1/2018, DHB ghi nhận doanh thu khả quan hơn cùng kỳ khi tăng gần 36% lên mức 684 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ kinh doanh dưới giá vốn thì kỳ này khả quan hơn với mức lợi nhuận gộp gần 113 tỷ đồng. Hoạt động tài chính vẫn tiếp tục âm 168 tỷ đồng, thậm chí còn cao hơn mức 155 tỷ của cùng kỳ chủ yếu do chi phí lãi vay.
Sau khi trừ các chi phí khác, DHB vẫn lỗ ròng 86.4 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 217.5 tỷ của cùng kỳ 2017.
Với con số lỗ này đã nâng mức lỗ lũy kế của DHB lên 2,419 tỷ đồng, sắp "bắt kịp" vốn góp của chủ sở hữu là 2,722 tỷ đồng.
Có thể thấy, với gần 608 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn và 7,319 tỷ đồng dài hạn thì rõ ràng, con số chi phí lãi vay trong quý vừa qua lên tới gần 158 tỷ đồng là điều dễ hiểu.
Tiếp tục đối mặt với loạt khó khăn, DHB lại cầu cứu Chính phủ
Định hướng cho năm 2018, Ban lãnh đạo DHB nhận định dòng tiền tiếp tục khó khăn, nếu không cơ cấu được trả nợ lãi với ngân hàng, nhiều nguy cơ Công ty phải ngừng sản xuất do không cân đối được dòng tiền.
Thêm vào đó, dự báo giá ure trên thị trường nhiều khả năng tăng trong biên độ hẹp nhưng cùng với đó nguồn cung tiếp tục tăng từ trong nước và nhập khẩu, việc giữ và mở rộng thị phần ngày càng khó khăn.
Chưa kể, đường dây 35KV được đưa vào sử dụng sẽ giảm sự cố ngừng máy do nguồn điện nhưng các thiết bị đều đã đến chu kỳ sửa chữa sẽ làm giảm thời gian sản xuất. Ngoài ra, lao động vẫn trong xu hướng giảm, tình trạng thiếu lao động vận hành tại các cương vị sản xuất chưa được khắc phục.
Theo đó, mục tiêu của DHB trong năm nay là đảm bảo dòng tiền để duy trì sản xuất, làm việc với các ngân hàng đồng tài trợ để giảm lãi suất cho vay; đồng thời hoàn thành việc quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán dự án; tiêu thụ hết sản lượng sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để tiến tới thoát lỗ và thoái vốn Nhà nước theo lộ trình.
Cụ thể hơn, DHB cho biết sẽ giữ vững và mở rộng tối đa thị trường miền Bắc, mở rộng miền Trung - Tây nguyên và phía Nam. Ngoài ra, DHB cũng có đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng hạn mức vay vốn lưu động để đảm bảo dòng tiền; Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng đồng tài trợ cho dự án xem xét cơ chế giãn nợ, giảm lãi suất tiền cho vay.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam giãn thời gian thanh toán tiền than và bảo đảm nguồn cung cấp than khi Công ty gặp khó khăn về dòng tiền, giảm giá bán than.
Công ty cũng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa luật thuế 71 theo hướng đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng điều chỉnh của Luật thuế giá trị gia tăng với thuế suất từ 0 đến 5%, sửa đổi cách tính thuế xuất khẩu đối với phân bón sản xuất từ than.
Với các nhận định còn khó khăn, DHB đặt kế hoạch năm 2018 với con số tổng doanh thu 2,711 tỷ đồng và tiếp tục lỗ nặng tới hơn 720 tỷ đồng, còn cao hơn mức lỗ 609 tỷ đồng của năm 2017.
Kế hoạch 2018 của DHB
|
Năm 2017 giảm lỗ được 407 tỷ đồng nhờ giãn cơ chế khấu hao
Theo DHB, thời gian qua Công ty có thuận lợi là giá bán ure và NH3 giữ ổn định từ cuối năm 2017. Đồng thời đúng mùa vụ nên sản lượng ure tiêu thụ tăng. Tuy nhiên, DHB gặp khó khăn khi giá nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao, tỷ giá USD quý 1 tăng, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty.
Vì thế, tình hình tài chính trong năm qua của Công ty hết sức khó khăn, dòng tiền cho sản xuất kinh doanh luôn trong tình trạng thiếu hụt. Nhờ Chính phủ có cơ chế giãn khấu hao tài sản cố định từ năm 2017 đến 2019 nên Công ty đã giảm lỗ được 407 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh 2016-2017 của DHB
Đvt: Triệu đồng
|
Hoàng Nguyên
Fili
|