Sabeco chịu nộp 2.790 tỉ đồng nhưng nhờ chỉ cách... thực hiện
Sabeco (SAB) cuối cùng đã chịu nộp hơn 2.790 tỉ đồng vào ngân sách Nhà nước nhưng nhờ Cục thuế TP.HCM hướng dẫn cách thực hiện.
Cuối cùng Sabeco cũng chịu nộp hơn 2.790 tỉ đồng vào ngân sách mà không chờ đến quyết định của đại hội đồng cổ đông - Ảnh: TL
|
Ngày 16-4, theo thông tin Tuổi Trẻ Online có được, ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã có văn bản gởi Cục thuế TP.HCM đề nghị hướng dẫn cách thực hiện việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt giai đoạn 2007-2015.
Công văn của Sabeco cũng đề nghị hướng dẫn các bước thực hiện việc tạm nộp trên 2.790 tỉ đồng lợi nhuận chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước vào ngân sách Nhà nước theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước ban hành ngày 8-2.
Theo Sabeco, thực hiện việc kiểm toán thuế theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, năm 2016, Sabeco đã nộp bổ sung 4.769 tỉ đồng (làm tròn) thuế tiêu thụ đặc biệt do thay đổi cách tính thuế.
Mặc dù đã có kiến nghị với Bộ Công thương và bộ này cũng đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc đã nộp thuế đúng theo hướng dẫn của cơ quan thuế, nhưng cho đến nay "Sabeco vẫn chưa nhận được văn bản pháp lý nào cho phép Sabeco được miễn nộp tiền chậm nộp thuế theo quy định".
Mặt khác, trước yêu cầu của Bộ Công thương về việc thực hiện tạm nộp toàn bộ số tiền lợi nhuận chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước trị giá 2.790 tỉ đồng (làm tròn) vào ngân sách Nhà nước để thực hiện nghĩa vụ thuế theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước nói trên, công ty Bia Sài Gòn khẳng định "dù trong thời gian đợi ý kiến của Chính phủ, Sabeco đã thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước".
Như vậy, với động thái nói trên, có thể hiểu ban lãnh đạo đương nhiệm của Sabeco sẽ thực hiện việc tạm nộp số lợi nhuận chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước theo yêu cầu của cơ quan chủ quản lẫn kết luận của Kiểm toán Nhà nước, bất chấp thời điểm tổ chức đại hội cổ đông bất thường của Sabeco sẽ được tổ chức vào ngày 23-4 tới.
Trong khi đó, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, việc phân phối lợi nhuận thuộc quyền của Đại hội đồng cổ đông và điều lệ công ty, cũng như chỉ có Đại hội cổ đông mới có thẩm quyền quyết định mức cổ tức hàng năm của công ty cổ phần.
TRẦN VŨ NGHI
Tuổi trẻ
|