Dịch vụ
Liên tục phát hành ESOP, lợi ích của các cổ đông tại MKP có được đảm bảo?
CTCP Hóa – Dược phẩm Mekophar (UPCoM: MKP) là một doanh nghiệp dược phẩm uy tín với các sản phẩm, dịch vụ được đánh giá cao trong ngành dược như dịch vụ tế bảo gốc, sản xuất và kinh doanh thuốc chất lượng cao. Đặc biệt, nhà máy thuốc mới giai đoạn 1 đi vào hoạt động thương mại vào đầu năm 2019 sẽ tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho Mekophar.
Sau 5 năm hủy niêm yết để tái cơ cấu, Mekophar quay trở lại giao dịch trên sàn UPCoM với kỳ vọng lớn của cổ đông. Cơ cấu cổ đông có sự chuyển biến tích cực hơn khi có sự tham gia của 18.53% nhà đầu tư nước ngoài cùng các nhà đầu tư tài chính trong nước, thay vì chỉ là các cán bộ chủ chốt của công ty. Bên cạnh tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, kỳ vọng về sự minh bạch trong quản trị và sự đảm bảo về lợi ích của cổ đông là hoàn toàn chính đáng.
Tuy nhiên, những thông tin sẽ được trình tại đại hội cổ đông năm 2018 tới đây đã gây ra những nghi ngờ về khả năng đảm bảo lợi ích cho cổ đông trong tương lai khi MKP đặt kế hoạch lợi nhuận giảm gần 30%, tiếp tục ESOP và tăng vốn.
Kế hoạch lợi nhuận giảm gần 30% và chương trình ESOP quá hào phóng!
Trong giai đoạn từ năm 2011-2017, công ty luôn có truyền thống đặt kế hoạch lợi nhuận thấp hơn mức thực hiện gần 30% để chia thưởng vượt kế hoạch. Đặc biệt trong 2 năm 2016-2017, dù tăng vốn khá nhiều qua việc phát hành cho cổ đông chiến lược và ESOP nhưng lợi nhuận của MKP chỉ đi ngang.
Tính từ năm 2011 đến nay, công ty đã có 5/8 năm thực hiện ESOP, tỷ lệ mỗi lần đều rất cao, từ 4- 5% tổng số cổ phiếu lưu hành, là mức tối đa theo quy định của pháp luật. Giá ESOP các lần đều rất thấp, chưa đến 1/2 giá trị sổ sách và giá bán ưu đãi cho cổ đông hiện hữu. Theo tính toán, tổng lượng cổ phiếu có nguồn gốc từ ESOP từ năm 2011 đến nay đã tương đương gần 25% vốn điều lệ của MKP, gây thiệt hại cho các cổ đông còn lại của MKP. Chỉ riêng lần ESOP dự kiến năm 2018 gần 1 triệu cổ phiếu, đã chênh lệch với giá thị trường hơn 50 tỷ đồng.
Một trong những cổ đông chịu thiệt hại nhiều nhất có lẽ là Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN) – cổ đông nhà nước. Thời điểm năm 2010, tỷ lệ sở hữu của DVN tại MKP là 29.02%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại sau nhiều lần ESOP và tăng vốn, tỷ lệ sở hữu của DVN tại MKP chỉ còn lại 18.4% và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống nếu kế hoạch ESOP 2018 được ĐHĐCĐ thông qua. So sánh với trường hợp của cổ đông SCIC tại CTCP Sữa Việt Nam (VNM), SCIC đã phủ quyết tờ trình ESOP của VNM năm 2013 với lý do lo ngại rủi ro pha loãng ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, mặc dù trong khoảng thời gian từ năm 2011-2013, lợi nhuận VNM có sự tăng trưởng vượt bậc và tỷ lệ ESOP đề xuất của VNM chỉ từ 0.2-0.4%/năm; có vẻ như cổ đông nhà nước tại MKP đã quá dễ dàng trong việc đồng ý cho MKP liên tục ESOP những năm qua?
Tăng vốn bằng cách phát hành cho cổ đông hiện hữu, trong khi kế hoạch lợi nhuận không tăng
Trong những năm qua, MKP đã nhiều lần thực hiện tăng vốn thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu và cổ đông chiến lược. Nếu tính cả lần tăng vốn trong năm 2018 thì từ năm 2015 đến nay, vốn điều lệ của MKP đã tăng thêm 1.75 lần, trong khi kế hoạch lợi nhuận năm 2018 gần như đúng bằng kế hoạch lợi nhuận 2015 (chỉ hơn 5 tỷ đồng)?
Cổ đông có quyền được đảm bảo về lợi ích khi tham gia đầu tư vào bất cứ doanh nghiệp nào. Kỳ vọng về tăng trưởng, về hệ thống quản lý minh bạch và đảm bảo sự phân bổ lợi ích cho mọi nhóm cổ đông là hoàn toàn chính đáng. Với Mekophar, để cổ đông tiếp tục ủng hộ, tin tưởng và sẵn sàng đóng góp vốn, ban lãnh đạo cần đảm bảo đáp ứng được các quyền lợi và kỳ vọng cho cổ đông.
MKP cần đặt kế hoạch tương xứng với khả năng thực hiện, và gắn mức chia thưởng, phúc lợi với mức tăng trưởng kết quả kinh doanh. Việc ESOP cũng nên gắn với tăng trưởng lợi nhuận, giống như các doanh nghiệp uy tín trên thị trường. Tăng vốn phải gắn liền với kế hoạch tăng lợi nhuận rõ ràng, có cơ sở đáng tin cậy và tương xứng mới mức đóng góp của cổ đông.
Có như vậy, Mekophar mới tiếp thêm niềm tin nơi cổ đông và để cổ đông tiếp tục đồng hành cùng Mekophar trên con đường phát triển thành công ty dược phẩm hàng đầu Việt Nam.
FILI
|