Không còn lợi nhuận đột biến từ thoái vốn, Vinaconex đặt mục tiêu lãi ròng 2018 giảm phân nửa
Ban lãnh đạo Vinaconex giải thích, năm 2017, Công ty ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến từ việc thoái vốn ở CTCP Viwasupco nên so sánh với số liệu thuần túy, chỉ tiêu lợi nhuận thấp hơn so với kết quả thực hiện năm 2017. Nhưng nếu so sánh với các hoạt động thường xuyên thì kế hoạch lợi nhuận năm 2018 tăng 7% so với kết quả thực hiện năm ngoái.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ của Tổng CTCP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG), năm 2018, VCG tăng cường đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh truyền thống là xây lắp và bất động sản. Chỉ tiêu đặt ra trong năm, tổng doanh thu đạt 4,491 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 491 tỷ đồng. Do năm 2017, Công ty ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến từ việc thoái vốn ở CTCP Viwasupco (VCW) nên so sánh với số liệu thuần túy, chỉ tiêu lợi nhuận của Công ty thấp hơn so với kết quả thực hiện năm 2017. Nhưng nếu so sánh với các hoạt động thường xuyên thì kế hoạch lợi nhuận năm 2018 tăng 7% so với kết quả thực hiện năm ngoái.
Thực hiện kế hoạch tái cấu trúc Tổng Công ty trong giai đoạn 2018-2022, VCG tiếp tục triển khai kế hoạch thoái vốn và đầu tư mới trong năm 2018. Cụ thể, Công ty dự kiến thoái vốn tại các đơn vị thuộc nhóm 2 đang thực hiện nhưng chưa thành công trong năm 2017, bao gồm: Quỹ Đầu tư Việt Nam, CTCP Phát triển Thương mại Vinaconex (VCTD), CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP), Vina-sanwa, Viglafico. Song song đó, Công ty sẽ chuyển toàn bộ vốn đầu tư tại CTCP Bất động sản Vinaconex và Công ty TNHH Thủy tinh Bohemia Hà Nội về cho Vinaconex Invest.
Ngoài ra, VCG sẽ lưa chọn thời gian và tỷ lệ phù hợp để triển khai thoái vốn một số đơn vị khác. Cụ thể, Công ty sẽ thoái vốn xuống dưới 51% đối với một số đơn vị trong nhóm 1: Vinaconex, Vinaconex 17, Vinaconex 25, Vimeco, Vinahud, Vinasinco, Vinaconex Mec và Viwaco. Đối với nhóm 2, VCG sẽ lựa chọn thời điểm và tỷ lệ phù hợp để thực hiện thoái vốn. Công ty cũng sẽ tiếp tục triển khai công tác giải thể và phá sản tại các đợn vị yếu kém, dừng hoạt động khi điều kiện cho phép.
Về kế hoạch đầu tư, VCG cho biết sẽ tiếp tục đầu tư góp vốn và tập trung nguồn lực phát triển vào Vinaconex CM và Vinaconex Invest. Công ty có kế hoạch góp thêm 50 tỷ đồng tại Vinaconex CM theo đề án thành lập công ty, nâng vốn điều lệ lên 250 tỷ đồng. Đối với Vinconex Invest, VCG sẽ thực hiện góp thêm 298 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng theo đăng ký kinh doanh của công ty này. Dự kiến, năm 2018, VCG sẽ tăng vốn điều lệ của Vinaconex Invest lên ít nhất 400 tỷ đồng để có thể nhận toàn bộ vốn đầu tư tại Bất động sản Vinaconex và Thủy tinh Pha lê Bohemia Hà Nội và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án khác.
Mặt khác, Công ty sẽ tiếp tục xem xét đầu tư vào các công ty khác theo lộ trình phát triển và tăng vốn điều lệ khi Công ty tăng vốn điều lệ và phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
Yến Chi
FILI
|