Khốn khổ đánh số tầng chung cư
Xuất phát từ quan điểm có sự khác nhau trong việc đánh số tầng giữa UBND TP.HCM và cơ quan quản lý xây dựng của Bộ Xây dựng nên thời gian qua việc đánh số tầng, số nhà tại các căn hộ chung cư gặp khó khăn, ảnh hưởng tới việc làm sổ đỏ.
Việc đánh số tầng, số nhà đang có nhiều bất cập
Ảnh: Đình Sơn
|
Gần 1 năm nay, hàng trăm hộ dân tại chung cư CC1 - Jovita (H.Bình Chánh, TP.HCM) khốn khổ vì việc cấp số nhà quá nhiêu khê, chồng chéo.
Nhà không số vì quy định “đá” nhau
Chị Ngọc Quỳnh, đại diện hàng trăm hộ dân tại đây, cho biết ngày 5.7.2017, người dân nhận được thông báo cấp số nhà của UBND H.Bình Chánh, nhưng số nhà huyện cấp khác với số nhà trong hợp đồng mua bán với chủ đầu tư. Ban quản lý giải thích là số nhà theo hợp đồng mua bán không đúng với Quyết định 22 về cách đánh số nhà trên địa bàn TP.HCM nên phải điều chỉnh lại.
“Ngày 10.7.2017 chúng tôi gửi đơn yêu cầu rà soát, điều chỉnh lại số nhà lô C, D lên UBND H.Bình Chánh nhưng cả 2 lần gửi, chúng tôi vẫn không nhận được công văn trả lời nên gửi đơn thẳng UBND TP và Sở Xây dựng. Sau đó, UBND TP cũng như Sở Xây dựng đều chuyển đơn của chúng tôi về UBND huyện để được giải quyết theo quy định. Đã 9 tháng trôi qua, vấn đề số nhà của người dân vẫn chưa được giải quyết”, chị Ngọc Quỳnh bức xúc và cho biết thêm do không có số nhà chính thức, người dân không thể làm những thủ tục hành chính tiếp theo như đăng ký tạm trú tạm vắng, chuyển hộ khẩu, đăng ký định mức điện nước, xin học cho con...
Đây là tình trạng xảy ra ở nhiều nơi. Bởi Thông tư số 05 của Bộ Xây dựng, quy định về việc đánh số tầng nhà của nhà chung cư, việc đánh số tầng nhà theo nguyên tắc lấy chiều từ tầng dưới lên tầng trên, bắt đầu từ tầng 1 của ngôi nhà. Dùng các số tự nhiên bắt đầu từ số 1, 2, 3... để đánh số tầng và được lấy từ số nhỏ đến số lớn. Đánh số tầng hầm theo nguyên tắc từ tầng hầm ở trên cùng xuống hầm phía dưới. Dùng các số tự nhiên 1, 2, 3... để đánh số tầng hầm, lấy từ số nhỏ đến số lớn. Để phân biệt với tầng nhà thì viết thêm ký hiệu N vào trước số tầng hầm (ví dụ: N1, N2, N3...).
Trong khi đó, Quyết định số 22 của UBND TP.HCM lại quy định đánh số tầng từ dưới lên trên theo dãy số tự nhiên, bắt đầu từ số 0 đối với tầng trệt, số 1 đối với lầu 1. Tầng hầm thì đánh số theo chiều từ trên xuống, lấy số từ H1, H2, H3... Đối với việc đánh số căn hộ, Quyết định số 22 quy định số căn hộ gồm số tầng và số thứ tự của căn hộ, gồm hai chữ số được đánh theo dãy số tự nhiên, bắt đầu từ số 01 đối với căn hộ đầu tiên tính từ cầu thang chính và hành lang chung. Giữa số tầng và số căn hộ được phân cách bằng dấu chấm (.).
Đại diện Công ty Tecco đang xin cấp số tầng, số nhà cho các căn hộ chung cư nhưng gặp “trục trặc” do quy định “đá nhau” giữa TP.HCM và Bộ Xây dựng. Không những vậy, ngay tại TP.HCM, mỗi quận, huyện lại có một cách đánh số nhà, số tầng khác nhau đã gây khó khăn, kéo dài thời gian và gây hoang mang cho người dân.
Không nên bày ra thêm giấy phép con
Bà Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty Eximland, cho biết việc quy định đánh số tầng lệch nhau giữa TP.HCM và của Bộ Xây dựng khiến chủ đầu tư gặp khó. Bởi khi trình bản vẽ lên cơ quan có chức năng để thẩm định, cấp phép xây dựng thì buộc phải theo quy định của Bộ Xây dựng nhưng khi hoàn công đánh số nhà, cấp sổ đỏ phải tuân thủ quy định về việc đánh số tầng, số nhà của UBND TP. Bất cập này khiến việc hoàn công công trình, cấp sổ đỏ cho người dân sẽ rất khó khăn, bị chậm, dẫn đến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng cần thống nhất cách đánh số tầng, số căn hộ chứ không thể T.Ư ra quy định một đường, địa phương lại quy định một nẻo, gây khó khăn cho công tác cấp số nhà, cấp sổ đỏ của người dân. Ngoài ra, cần làm rõ khái niệm tên gọi giữa tầng và lầu, bởi với cách gọi tên khác nhau có thể gây ra những nhầm lẫn, có những chung cư có tầng lửng thì có được gọi là tầng hay không? “Nên có quy định rõ chỉ cần áp dụng theo quy định của Bộ Xây dựng”, luật sư Phượng đề xuất.
Đình Sơn
THANH NIÊN
|