Thứ Năm, 26/04/2018 10:14

Bài trực tuyến

ĐHĐCĐ VJC: Nhiều lãnh đạo sàn chứng quốc tế ngỏ ý niêm yết cổ phiếu Vietjet

Năm 2018, Vietjet có ý định mở rộng thêm 4 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế. Sở dĩ, Công ty không mở rộng thêm nhiều đường bay nội địa vì Vietjet đã khai thác dày đặc các đường bay và hạ cánh tại tất cả các sân bay trong nước. Bên cạnh đó, chi phí cho các đường bay quốc tế lại thấp hơn vì giá xăng dầu ở nước ngoài thấp hơn hơn 30% so với Việt Nam.

Đây là chia sẻ của ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành CTCP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 tổ chức sáng ngày 26/04. Theo Ban lãnh đạo, đại hội cổ đông năm nay là một đại hội đặc biệt - kỷ niệm 10 năm thành lập và một năm lên sàn của Vietjet.

ĐHĐCĐ thường niên 2018 của Vietjet tổ chức sáng ngày 26/04

Dự kiến đến cuối năm 2018, Vietjet sẽ khai thác 66 tàu bay với hơn 120 ngàn chuyến bay và dự kiến vận chuyển hơn 24.1 triệu hành khách. Kế hoạch tăng trưởng đội tàu bay được xây dựng dựa trên định hướng phát triển và mô hình kinh doanh của công ty, điều kiện hạ tầng của các sân bay, năng lực đảm bảo khai thác của hãng.

Vietjet có kế hoạch nâng tổng số đường bay lên 102 đường, bao gồm 42 đường bay nội địa và 60 đường bay quốc tế. Thị trường quốc tế chủ chốt vẫn là khu vực Bắc Á. Ngoài ra, Vietjet cũng có ý định mở rộng đường bay tới khu vực Đông Bắc Á và mở rộng hợp tác liên danh hay hợp tác “interline” với các hãng hàng không có đường bay đi châu Âu, châu Mỹ. Song song với mở rộng thị trường hiện tại (Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc), Vietjet sẽ khai thác các thị trường mới như Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ. Đồng thời nghiên cứu thành lập các liên doanh để vận hành các hãng hàng không giá rẻ tại thị trường châu Á.

Ông Khánh cho biết, Vietjet sẽ tập trung mở rộng đường bay quốc tế với mục tiêu chính là đưa khách du lịch quốc tế về Việt Nam và đưa khách du lịch Việt Nam ra quốc tế. Dự kiến đến quý 3 năm nay, Công ty sẽ triển khai đường bay đi Nhật Bản – một thị trường rất khó tính.

Trước đó, năm 2017, Vietjet đã bổ sung thêm và đưa vào khai thác 17 tàu bay mới A321, tăng số lượng tàu bay lên 51 tàu (24 tàu bay A320 và 27 tàu bay A321). Số lượng hành khách được vận chuyển cũng tăng gần 22% lên 17.11 triệu lượt. Công ty đã mở rộng khai thác thêm 1 đường bay nội địa và 21 đường bay quốc tế, nâng số đường bay khai thác lên 38 đường bay quốc nội và 44 đường bay quốc tế; đồng thời thực hiện được 98,805 chuyến bay trong năm qua. Thị phần của Vietjet đạt 43% vào cuối năm 2017.

Vietjet cho biết đang tập trung vào dự án Học viện Hàng không tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn để đưa vào hoạt động trong năm 2018 với hệ thống buồng lái mô phỏng hoàn chỉnh, cung cấp nguồn nhân lực cho ngành hàng không. Các dự án đầu tư mới và cải tạo các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Cát Bi, Chu Lai, Tuy Hòa,… vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện.

Lợi nhuận hợp nhất quý 1/2018 ghi nhận hơn 1,400 tỷ đồng

Về kế hoạch kinh doanh năm 2018, ông Khánh cho biết, Vietjet đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 50,970 tỷ đồng (tăng 20.5%); lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5,800 tỷ đồng (tăng 9.5%), tỷ lệ cổ tức 50%, đồng thời tăng vốn thêm 25% lên 13,255 tỷ đồng. Ông Khánh đánh giá đây là một kế hoạch khá thách thức.

Ông chia sẻ thêm, tính riêng trong quý 1/2018, Vietjet ghi nhận 686 tỷ đồng lợi nhuận riêng và 1,437 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất, tăng hơn 200% so với cùng kỳ và đang bám sát kế hoạch, đâu đó đạt 25% kế hoạch ở tất cả các chỉ tiêu hoạt động. Còn doanh thu tính riêng hoạt động hàng không trong quý 1/2018 đạt 7,890 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2017.

Kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2018

Bên cạnh đó, tại đại hội, HĐQT Vietjet cũng trình cổ đông nâng tỷ lệ cổ tức tiền mặt 2017 lên 40%. Trước đó, Công ty đã nâng tỷ lệ chia cổ tức năm 2017 từ 50% lên 60% và hiện đã tạm ứng hai đợt, tổng cộng 30% bằng tiền mặt.

Sau khi công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong năm 2017, đáng chú ý là lợi nhuận trước thuế tăng thêm 546 tỷ đồng sau kiểm toán cùng lượng tiền mặt dồi dào, HĐQT Vietjet dự kiến trình ĐHĐCĐ chia tiếp 10% cổ tức bằng tiền và 20% cổ tức bằng cổ phiếu.

Việc tạm ứng cổ tức đợt 3/2017 bằng tiền tỷ lệ 10% sẽ được thực hiện vào ngày 25/05/2018. Ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền là 09/05/2018.

Bên cạnh đó, Công ty sẽ phát hành hơn 90.2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2017, tỷ lệ 20%. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế tính đến 31/12/2017.

* Thảo luận

Nhiều thị trường quốc tế đề xuất niêm yết cổ phiếu Vietjet

Chia sẻ trước các cổ đông, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, thời gian qua Vietjet đã đón tiếp rất nhiều những lãnh đạo, Tổng Giám đốc Sở GDCK nước ngoài như London và Singapore đề xuất Công ty tham gia niêm yết cổ phiếu tại các thị trường này. Một số thị trường như HongKong cũng bày tỏ sự quan tâm hay New York cũng rất sẵn sàng.

Theo bà Thảo, các lãnh đạo này đánh giá bước đầu là Vietjet đủ điều kiện để tiến hành niêm yết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đang dành nhiều sự quan tâm cho cổ phiếu của Công ty. Các Sở GDCK nước ngoài cho biết sẵn sàng tài trợ hàng triệu đô la hỗ trợ cho Vietjet về quy trình tư vấn, phí,…

Về vấn đề niêm yết nước ngoài, Ban lãnh đạo Vietjet vẫn đang cân nhắc vì còn chịu nhiều ảnh hưởng đến từ giờ giao dịch chênh lệch, số lượng cổ phiếu niêm yết, pháp luật,…

Chi phí cho các đường bay quốc tế thấp hơn

Giá xăng dầu đang tăng cao, Vietjet có biện pháp phòng ngừa rủi ro (hedging) như thế nào? Kế hoạch năm 2018 dựa trên giả định giá dầu bao nhiêu USD/thùng?

Với Vietjet, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 50%. Về hedging, Vietjet đang làm việc với 3 ngân hàng và ký hợp đồng về phòng ngừa rủi ro; giá dầu đang ở mức 65USD/thùng và Công ty sẽ có phương án hedging nếu giá dầu tăng thêm, qua đó giúp giảm chi phí.

Kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm 2018 là kế hoạch bình quân, xây dựng dựa trên giả định giá dầu thô là 70USD/thùng.

Lý do chính lợi nhuận kế hoạch 2018 tăng trưởng thấp hơn so với doanh thu?

Doanh thu và lợi nhuận của Vietjet đến từ hai hoạt động là vận tải hàng không và các thu nhập khác.

Năm 2018, mục tiêu cho doanh thu vận tải hàng không đạt 1.4 tỷ USD, riêng mảng này tăng 40%. Lợi nhuận ước đạt khoảng 120 triệu USD, cũng tăng hơn 30% so với năm 2017. Như vậy, doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính là vận tải hàng không đều cao hơn so với năm trước.

Còn doanh thu khác năm 2018 không tăng tương ứng vì doanh thu trong hoạt động này đến chủ yếu từ việc bán tàu bay. Năm 2018, Vietjet có ý định mua thêm 17 tàu bay nhưng bán ra 14 tàu bay, giữ lại sở hữu khoảng 3 tàu bay. Nếu công ty bán thêm tàu bay, thì sẽ có thu nhập tương ứng.

Lợi nhuận từ các đường bay quốc tế so với các đường bay nội địa?

VJC tham gia vào thị trường bằng các đường bay nội địa và đã bay gần như tất cả các sân bay mà các tàu bay có thể khai thác. Thị trường du lịch Việt Nam có nhiều thuận lợi cũng như tiềm năng phát triển rất lớn, nhất là khi thị trường du lịch các nước lân cận đang gặp nhiều vấn đề và khách hàng đang hướng về Việt Nam, doanh thu từ các đường bay quốc tế theo đó chiếm tỷ lệ rất cao.

Bên cạnh đó, chi phí cho các đường bay quốc tế lại thấp hơn vì giá xăng dầu ở nước ngoài thấp hơn hơn 30% so với Việt Nam, trong khi chi phí nhiên liệu lại chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí của Công ty. Ngoài ra, Vietjet còn có thêm thu nhập khác từ các hoạt động như bán hàng miễn thuế,… Do vậy, lợi nhuận trên đường bay quốc tế bình quân cao hơn 20% so với nội địa.

Vietjet đang kế hoạch phát triển các đường bay quốc tế hướng vào những thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Công ty kỳ vọng năm 2019 sẽ bùng nổ ở thị trường Nhật Bản.

Vietjet có dự định ký kết đối tác chiến lược với các Tập đoàn xăng dầu như PVOil, Petrolimex? Vietjet có ý định mở các hãng hàng không 4 sao, 5 sao như Vietnam Airlines không?

Trong quan hệ với các Tập đoàn xăng dầu, sự hợp tác giữa Vietjet với các công ty trong nước và quốc tế khá hiệu quả. Mặc nhiên, giữa Vietjet và các Tập đoàn này đã là đối tác chiến lược, đôi bên hợp tác cùng phát triển.

Mô hình của Vietjet khác với hãng hàng không quốc gia, Vietjet là hãng hàng không thế hệ mới. Công ty không có chủ trương, ý định phấn đấu như Vietnam Airlines vì định hướng là hoàn toàn khác nhau. Vietjet hướng đến mục tiêu tạo ra giá trị cho khách hàng chứ không chạy đua theo một tiêu chí xếp hạng nào đó.

Ông Lê Nhị Năng - Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM nhận định, năm 2017 thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh đến 48% nhưng trong những tháng đầu năm 2018 đã chịu ảnh hưởng rất lớn thị trường quốc tế. VN-Index sau khi đạt đỉnh 1,200 điểm thì chỉ còn 1,050 điểm, vốn hóa thị trường đã mất khoảng 200,000 tỷ đồng. Nhưng ông Lê Nhị Năng nhận thấy nhiều công ty niêm yết vẫn đang làm ăn rất tốt, dòng tiền vào thị trường cũng vẫn tăng tốt đạt khoảng 1.3 tỷ USD. Ông đánh giá thị trường chỉ giảm tạm thời và sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới. Riêng về Vietjet, cổ phiếu này vẫn ghi nhận đã tăng trong thời gian qua, cùng với một số cổ phiếu khác hỗ trợ chặn lại đà giảm của thị trường.

Về sự cố vừa qua liên quan đến U23 Việt Nam, ông Lê Nhị Năng cho rằng đây là sự cố không đáng và là bài học trong quy trình xử lý khủng hoảng thông tin. Trong khi Công ty phải bỏ một khoản chi phí rất lớn để đón đội tuyển về nước nhưng lại gặp những thông tin không hay. Có thể thấy, vấn đề xử lý khủng hoảng truyền thông với các doanh nghiệp lớn như Vietjet là quan trọng.

Ông cũng cho rằng, Vietjet nên xem xét niêm yết cổ phiếu của mình trên thị trường chứng khoán quốc tế như thị trường Singapore, London,… Với uy tín và vị thế của Vietjet thì có thể thực hiện điều này và huy động nhiều được nguồn vốn trên thị trường quốc tế.

Thu Phong

FILI

Các tin tức khác

>   PCM: Báo cáo tài chính quý 1/2018 (công ty mẹ) (26/04/2018)

>   TIS: Báo cáo thường niên 2017 (26/04/2018)

>   DRC: Điều lệ công ty (26/04/2018)

>   TMX: Báo cáo tài chính quý 1/2018 (26/04/2018)

>   FPT: Cập nhật thông tin vốn điều lệ trong Điều lệ công ty (26/04/2018)

>   VIB: Báo cáo tài chính quý 1/2018 (công ty mẹ) (26/04/2018)

>   L63: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 (26/04/2018)

>   SPI: Giải trình liên quan đến báo cáo tài chính năm 2017 (26/04/2018)

>   VCC: Báo cáo tài chính quý 1/2018 (26/04/2018)

>   PBP: Quyết định Chấp thuận việc gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 (26/04/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật