ĐHĐCĐ Vinacafé Biên Hòa: Thu lợi nhiều từ đổi kênh phân phối, "bỏ ngỏ" cổ tức 2018
Năm 2018, CTCP Vinacafé Biên Hòa (HOSE: VCF) đặt mục tiêu doanh thu thuần trong khoảng 3,100 - 3,300 tỷ đồng (xấp xỉ năm 2017) do thay đổi mô hình bán hàng. Lợi nhuận sau thuế từ 450 - 500 tỷ đồng, tăng tối đa 35% so thực hiện năm 2017. Còn cổ tức 2018 lại "bỏ ngỏ" dù 2017 chia tới 660% bằng tiền mặt.
Năm 2018, VCF sẽ tận dụng đà tăng trưởng tốt của năm 2017 về sản lượng bán ra từ hệ thống phân phối, cũng như các cơ hội mới mở ra từ tình hình kinh tế vĩ mô thuận lợi.
Công ty tiếp tục phát triển ngành hàng cà phê hòa tan và giữ vững hai nhãn hiệu chủ lực Vinacafe và Wake-Up, đồng thời đẩy mạnh và mở rộng ngành hàng nước giải khát dựa trên sản phẩm Wake-Up 247. Song song đó, VCF cũng sẽ tham gia mạnh vào ngành hàng cà phê rang xay.
Ông Phạm Quang Vũ - Chủ tịch HĐQT của VCF.
|
Về kế hoạch kinh doanh năm 2018, VCF đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt từ 3,100-3,300 tỷ đồng, gần như đi ngang so với thực hiện năm 2017. Về lãi ròng, Công ty đặt chỉ tiêu từ 450-500 tỷ đồng, tăng từ 20-35% so với thực hiện năm trước. Việc đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng mạnh như vậy là do chuyển đổi mô hình bán hàng từ trực tiếp cho các nhà phân phối sang bán qua công ty mẹ là Công ty TNHH Masan Consumer Holdings. VCF sẽ tận dụng tối đa kênh bán hàng chuyên biệt của Masan (MSN) cho từng ngành hàng, từ đó không còn phải lo các khoản chi phí bán hàng nữa.
Trao đổi với cổ đông trong cuộc họp ĐHĐCĐ, ông Nguyễn Tân Kỷ - Tổng Giám đốc của VCF, khẳng định Công ty sẽ thu được nhiều lợi ích từ việc chuyển đổi kênh phân phối. Masan Consumer có hệ thống phân phối mạnh với ngành hàng đa dạng và rộng rãi, nhờ đó tối ưu hoạt động bán hàng của VCF, trong khi lợi ích của cổ đông vẫn không đổi. Hơn thế nữa, VCF đang đa dạng hóa các dòng sản phẩm bằng việc tham gia thị trường nước giải khát với thương hiệu Wake-Up 247.
Bên cạnh đó, VCF sẽ chuyển từ mô hình kinh doanh bán hàng thuần túy sang tập trung xây dựng thương hiệu. Công ty đã bắt đầu thực hiện chiến lược này từ năm 2017. Ông Kỷ cho biết so với việc chỉ đẩy hàng hóa vào thị trường của mô hình bán hàng thuần túy, việc xây dựng thương hiệu sẽ làm tăng lợi ích của VCF khi người dùng tự tìm đến và tiêu thụ hàng hóa của Công ty. Việc xây dựng được thương hiệu không chỉ khẳng định vị thế của Công ty mà còn đóng góp thêm vào giá trị của Công ty.
Trong giai đoạn từ năm 2018-2020, Ban lãnh đạo của VCF cho biết với chiến lược khẳng định thương hiệu trong lĩnh vực café, VCF vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu hệ thống và xây dựng thương hiệu. Nhìn chung, Ban lãnh đạo Công ty tự tin về viễn cảnh tươi sáng trong thời gian tới.
Sau nhiều năm không thực hiện chi trả cổ tức (kể từ năm 2013), năm nay, VCF quyết định chi trả cổ tức năm 2017 với tỷ lệ “khủng” 660%, ứng với 66,000 đồng/cp. Trả lời câu hỏi của cổ đông về cổ tức năm 2018, Ban lãnh đạo Công ty bỏ ngỏ việc xem xét chia cổ tức hay không và chia với tỷ lệ bao nhiêu dựa trên kết quả hoạt động trong năm.
Năm 2017, doanh thu và lợi nhuận của VCF lần lượt đạt 3,249 tỷ đồng và 369 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thực hiện năm 2016 và chưa hoàn thành kế hoạch đề ra. Theo VCF, do Công ty tái cơ cấu lại tồn kho bằng cách giảm nhập hàng cho nhà phân phối, để nhà phân phối tiêu thụ hàng tránh tồn kho.
ĐHĐCĐ cũng đã chính thông qua việc ông Lê Trung Thành từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT và bầu ông Trương Công Thắng vào thay thế. Ông Thắng hiện là Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Masan Consumer Holdings, công ty đang nắm giữ 93.76% vốn điều lệ của VCF.
Chí Kiên
FILI
|