ĐHĐCĐ PTL: Trọng tâm 2018 là thoái vốn hàng loạt nhưng kế hoạch lợi nhuận lại bỏ ngỏ
Dựa theo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2017, HĐQT của CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (HOSE: PTL) xác định nhiệm vụ chính năm 2018 là thoái vốn khỏi các dự án. Song song đó, PTL sẽ triển khai đầu tư một số dự án bất động sản quy mô trung bình và nhỏ trong ngắn hạn.
Bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận 2018, tinh giảm 30% lao động
Dựa trên tình hình sản xuất kinh doanh năm 2017, HĐQT PTL cho rằng thoái vốn khỏi các dự án đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm của PTL trong năm 2018. Dự kiến, Công ty sẽ hoàn thành việc thoái vốn tại CTCP Đầu tư Dầu khí Mỹ Phú trong năm 2018.
Song song đó, Công ty sẽ tìm kiếm đối tác chuyển nhượng phần vốn góp tại dự án Khu đô thị mới dầu khí Vũng Tàu, dự án Khu nhà ở Thương mại Tương Bình Hiệp – Bình Dương để cải thiện thanh khoản, tạo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Đồng thời, Công ty sẽ thực hiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận chủ quyền để thu hồi 5% giá trị hợp đồng của các khách hàng tại dự án Chung cư Petroland Quận 2, Tòa nhà Petroland Tower.
Ngoài ra, đối với dự án Sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh đã ký hợp đồng chuyển nhượng cuối năm 2017, nhưng sang tới năm 2018 mới có dòng tiền thu hồi từ dự án.
Với số vốn thu được từ hoạt động thoái vốn trong năm 2018, PTL sẽ tìm kiếm và triển khai thực hiện đầu tư một số dự án bất động sản quy mô trung bình và nhỏ trong ngắn hạn. HĐQT PTL nhấn mạnh, Công ty sẽ chỉ đầu tư khi xác định rõ được hiệu quả của khoản đầu tư tránh tình trạng đầu tư dàn trải trong như giai đoạn 2008-2009.
Theo đó, năm 2018, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 62 tỷ đồng, giảm gần 50% so với năm 2017 và bỏ trống kế hoạch lợi nhuận. Trả lời thắc mắc của cổ đông khi năm 2018, Công ty chắc chắn sẽ nhận được doanh thu từ các hoạt động thoái vốn mà lại để trống kế hoạch lợi nhuận, HĐQT PTL cho biết sẽ điều chỉnh lại kế hoạch này sao cho phù hợp với kế hoạch kinh doanh trong năm.
ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 27/04/2018 của PTL.
|
Bên cạnh đó, PTL sẽ thực hiện tinh giảm biên chế bộ phận quản lý tòa nhà Petroland Tower. Theo kế hoạch, PTL sẽ giảm hơn 30% số lao động so với năm 2017 xuống còn 55 người. Trước vấn đề này cổ đông tỏ ra lo ngại khi một công ty có vốn điều lệ lên tới 1,000 tỷ đồng lại được vận hành bởi đội ngũ mấy chục nhân viên.
Năm 2017 thua lỗ do không thu xếp được vốn hoạt động
Do Công ty chưa thu xếp được nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nên hoạt động tự doanh và công tác đầu tư dự án mới không thực hiện trong năm 2017. Vì thế trong năm qua, PTL lỗ 65 tỷ đồng. Trong đó, Công ty mẹ lỗ 38 tỷ đồng, chủ yếu do điều chỉnh giảm doanh thu từ các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần CTCP Đầu tư Dầu khí Thăng Long và chi phí trong năm cao (chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp). Trước đó, năm 2016, PTL đã ký hợp đồng chuyển nhượng dự án Chung cư Thăng Long nhưng do các thủ tục pháp lý trong quá trình chuyển nhượng kéo dài, dòng tiền thu hồi về chậm so với kế hoạch nên PTL chậm thanh toán nợ vay với ngân hàng và phải chịu chi phí lãi vay trong 6 tháng đầu năm 2017.
Song song đó, CTCP Đầu tư Dầu khí Mỹ Phú lỗ 18 tỷ đồng do dự án Chung cư Mỹ Phú điều chỉnh giảm doanh thu, đồng thời chi phí giá vốn và chi phí khác cũng bị điều chỉnh. Thêm vào đó, CTCP Đầu tư Dầu khí Nha Trang thua lỗ 1.45 tỷ đồng do chi phí quản lý doanh nghiệp cao.
Tại Đại hội, cổ đông đã nhất trí miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT là ông Trần Hữu Giang, bà Phạm Thúy Nga và 1 thành viên Ban Kiểm soát là bà Lê Trương Thị Ánh Ngọc. Đồng thời, ĐHĐCĐ đã bầu ông Nguyễn Văn Hạnh và ông Tăng Xuân Thiều là đại diện cho nhóm cổ đông lớn của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) ngồi vào vị trí HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021. Đồng thời, bầu ông Phan Ngọc Ân tham gia Ban Kiểm soát của Công ty.
Chí Kiên
FILI
|