Bài cập nhật
ĐHĐCĐ Kido: Năm 2018 nhắm đến lĩnh vực thực phẩm thiết yếu, thâu tóm 51% Golden Hope
Năm 2018, KDC thực hiện chiến lược chuyển dịch ngành hàng, thâm nhập và chinh phục thị trường thực phẩm thiết yếu có quy mô 250,000 tỷ đồng với mục tiêu doanh thu 12,000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 70%; lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2017.
KDC kỳ vọng khoảng 1-2 năm nữa sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD
|
Đây là nội dung được đề cập tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 của Tập đoàn Kido (HOSE: KDC) diễn ra sáng nay (18/04).
Kỳ vọng khoảng 1-2 năm nữa sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD
Để hoàn thành kế hoạch đề ra, KDC sẽ hướng đến mục tiêu khai thác thế mạnh tại các công ty thành viên. Được biết, sau khi bán đi mảng bánh kẹo, KDC đã dồn sức cho hoạt động M&A vào doanh nghiệp trong ngành thực phẩm. Điển hình là thương vụ thâu tóm Dầu ăn Tường An (TAC) và Vocarimex (VOC) trong khoảng hai năm vừa qua. Cả hai doanh nghiệp này đang có sự tăng trưởng đáng kể khi được hợp nhất vào KDC. Tháng 7/2017, Tập đoàn cũng đã hoàn tất mua lại 50% cổ phần của CTCP Thực phẩm Dabaco.
Theo chia sẻ của ông ông Trần Lệ Nguyên - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc trước đó, thực tế Tập đoàn có thể thực hiện được cao hơn các con số về doanh thu, lợi nhuận nói trên 10-20% do có sự tham gia của các sản phẩm mới trong ngành đồ uống, gia vị, mì gói.
Được biết, thời gian sắp tới, Tập đoàn Kido không chỉ kinh doanh những sản phẩm truyền thống như dầu ăn, kem, sữa chua, thực phẩm đông lạnh,… mà sẽ có những dòng sản phẩm mới như các sản phẩm từ trà thảo dược, trà thanh nhiệt, trà lá sen và các loại trà từ sâm. Tiếp đến là các sản phẩm từ sữa và thành phần thiên nhiên từ sữa như sữa bắp, sữa đậu xanh, sữa khoai môn. Ngoài ra, Kido cũng phát triển thêm các loại thực phẩm đóng gói: mì gói ăn liền, miến ăn liền, dầu ăn, nước xốt, gia vị,… doanh thu từ các sản phẩm mới của KDC gồm mì gói, nước và nước chấm này trong năm 2018 dự kiến khoảng 2,500 tỷ đồng. Ông Trần Lệ Nguyên khẳng định 2018 sẽ là cột mốc mới của KDC và kỳ vọng khoảng 1-2 năm nữa sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD.
Đánh giá về ngành thực phẩm, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết giá trị của ngành trong năm 2018 đạt khoảng 250,000 tỷ đồng, một giá trị rất tiềm năng. Bên cạnh đó, dân số Việt Nam là dân số trẻ, lối sống của người dân đã thay đổi theo hướng hiện đại nên cơ hội để mở size ngành hàng đông lạnh, thực phẩm thiết yếu là rất lớn.
Theo chia sẻ của bà Liễu, hơn 20 năm xây dựng ngành bánh kẹo, khi đang ở thời điểm đỉnh cao thì Tập đoàn chuyển dịch sang ngành thực phẩm, gia vị và đã thành công. “Trăn trở của Tập đoàn là làm sao đáp ứng đầy đủ bữa ăn hàng ngày của người tiêu dùng; làm sao để tại bất cứ thời điểm nào, tất cả các sản phẩm của Kido sẽ lấp đầy giỏ hàng, lập đầy gian bếp của khách hàng”, bà Liễu nói.
Để hiện thực hóa chiến lược “lấp đầy gian bếp Việt”, KDC sẽ thâm nhập vào những ngành hàng thiết yếu có tần suất mua sắm thường xuyên và quy mô lớn; mở rộng quy mô thông qua các hoạt động M&A, OEM và hợp tác với các đối tác; khai thác hiệu quả lợi thế chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối với 450,000 điểm bán lẻ trong ngành hàng khô và 70,000 điểm bán lạnh, đồng thời khai thác hiệu quả công suất của 6 nhà máy.
Về kế hoạch năm 2018, bà Liễu cho rằng, 3 năm sau thời khắc “chia tay” với ngành bánh kẹo, đến nay Ban lãnh đạo đang đặt ra mục tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt lời cam kết với cổ đông về chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận, kế hoạch năm nay là nằm trong tầm tay.
Mở room vì nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm
Tại đại hội, HĐQT KDC tiếp tục trình cổ đông thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Trước đó, ĐHĐCĐ năm 2017 đã nhất trí thông qua vấn đề này, tuy nhiên vì một số lý do khách quan, việc nới room ngoại của KDC vẫn chưa được hoàn tất.
Chia sẻ với các cổ đông, ông Trần Lệ Nguyên cho biết, nhiều đối tác đang quan tâm đến cổ phiếu của KDC và Tập đoàn muốn mở room để các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư có cơ hội đầu tư cổ phiếu KDC.
Sắp tới, Tập đoàn sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 16% mà không chia bằng cổ phiếu vì KDC hiện đang có khoảng 40-50 triệu cổ phiếu quỹ, room vẫn còn nên không trả bằng cổ phiếu. Trong khi đó, vốn thặng dư tiền mặt của Tập đoàn còn hơn 2,000 tỷ đồng, do vậy trả cổ tức bằng tiền mặt hợp lý hơn.
Sau Tường An và Vocarimex, thâu tóm thêm Golden Hope với tham vọng “bá chủ” ngành thực phẩm
Tại đại hội, ông Trần Lệ Nguyên cho biết, KDC đã hoàn tất thỏa thuận đàm phán mua lại 51% vốn của đối tác nước ngoài tại Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè.
Thành lập năm 1992, Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè là công ty liên doanh giữa Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam và Sime Darby Plantation - tập đoàn chuyên về đồn điền cao su, dầu cọ. Sản phẩm chủ lực của Golden Hope Nhà Bè là Dầu ăn Marvela, Dầu Đậu Nành, Dầu Ông Táo, Dầu Olein,… Văn phòng chính và nhà máy của Công ty đặt tại Gò Ô Môi, quận 7 với diện tích hơn 26,300 m2. Khu vực này tiếp giáp trực tiếp với cảng dầu nên có lợi thế cạnh tranh cao trong việc nhập khẩu các nguyên liệu sản xuất từ Mỹ, Canada, Nam Mỹ, EEC và Malaysia…
Thương vụ M&A này được kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả lớn bởi với nguồn lực hiện tại của KDC và các đơn vị thành viên, KDC sẽ tận dụng tối đa thị trường của doanh nghiệp hiện có, đồng thời sẽ không mất nhiều chi phí cho việc bán hàng và quảng cáo. Điều đó có thể giúp cho lợi nhuận của doanh nghiệp được M&A cao hơn nhiều so với trước đây. Golden Hope Nhà Bè dự kiến sẽ đóng góp doanh thu 1,600 tỷ đồng cho KDC trong năm 2018.
Trả lời thắc mắc từ phía cổ đông rằng tại sao Golden Hope làm ăn không hiệu quả mà KDC lại thâu tóm, ông Trần Lệ Nguyên chia sẻ hãy nhìn vào trường hợp của Tường An, đây đều là những doanh nghiệp có thị trường bền vững nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Sau khi về một nhà với KDC, năm 2017, Tường An ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 166 tỷ đồng, gấp đôi năm 2016 và lên kế hoạch lợi nhuận sẽ tăng 51% trong năm 2018.
Thu Phong
FILI
|