ĐHĐCĐ FPT: Chia cổ tức 45% cho năm 2017, lợi nhuận quý 1 tăng 30% cùng kỳ
Vấn đề tăng trưởng trở thành đề tài được quan tâm sau khi FPT trở lại thành công ty công nghệ đúng nghĩa.
Chiều ngày 5/4, CTCP FPT (HOSE: FPT) đã tổ chức phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2018. Với một năm nhiều biến động, vấn đề được quan tâm nhất trong phiên họp chiều nay xoay quanh câu chuyện dùng tiền thu được từ thoái vốn và động lực tăng trưởng của FPT sau khi trở thành công ty công nghệ “đúng nghĩa”.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 CTCP FPT diễn ra ngày 05/04/2018
|
Báo cáo trước ĐHĐCĐ, Tổng giám đốc Bùi Quang Ngọc cho biết năm nay sẽ là năm đầu tiên FPT chỉ còn hoạt động chính trên ba lĩnh vực: công nghệ, viễn thông và giáo dục đào tạo, sau khi đã hạ tỷ lệ sở hữu khỏi lĩnh vực phân phối và bán lẻ vào cuối năm 2017.
Theo đó, bức tranh tài chính của tập đoàn cũng sẽ có sự thay đổi đáng kể với việc doanh thu chỉ còn đến từ các lĩnh vực này. Một trong những điểm đáng chú ý là tỷ suất lợi nhuận chung toàn tập đoàn dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên mức gần 16%. Theo ban lãnh đạo FPT, việc thoái vốn khỏi phân phối và bán lẻ, vốn là hai lĩnh vực đem lại nhiều doanh thu những có biên lợi nhuận thấp, sẽ tác động giúp các chỉ số tài chính của FPT đúng với đặc thù một doanh nghiệp công nghệ.
Trước triển vọng kinh tế, xu hướng phát triển ngành công nghệ thông tin và định hướng chiến lược, ban lãnh đạo FPT đề ra kế hoạch năm nay với chỉ tiêu doanh thu đạt 21,900 tỷ đồng, chỉ còn một nửa so với năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ giảm 18%, đạt 3,484 tỷ đồng. Trong đó, nếu loại trừ phần lợi nhuận từ thoái vốn của năm 2017 thì kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2018 của FPT tăng lần lượt 11% và 18%.
Đi vào chi tiết cho từng lĩnh vực, doanh thu khối công nghệ dự kiến đạt 12,149 tỷ đồng, tăng 10%, với lợi nhuận đạt 1,460 tỷ, tăng 29%. Khối viễn thông đặt mục tiêu doanh thu tăng 13% lên 8,660 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 14%. Chỉ có lĩnh vực giao dục và đầu tư đặt mục tiêu lợi nhuận 216 tỷ đồng, giảm 12%, dù doanh thu tăng 4% lên 1,090 tỷ.
Đối với vấn đề phân phối lợi nhuận cho năm 2017, sau khi ghi nhận kết quả lợi nhuận tăng 41% so với năm trước và vượt 25% kế hoạch, FPT cũng đề xuất kế hoạch chia cổ tức cao hơn 5% so với mọi năm.
Theo đó, mức chia cổ tức dự kiến là 40%, bao gồm 25% bằng tiền và 15% bằng cổ phiếu. Theo ban lãnh đạo FPT, mức chia cổ tức cao hơn mọi năm là “món quà khích lệ” cho cổ đông với một năm FPT ghi nhận lợi nhuận đột biến từ thoái vốn.
Trước câu hỏi về việc tại sao ban lãnh đạo FPT không chia mức cổ tức cao hơn, khi mà lợi nhuận chưa phân phối sau khi trừ cổ tức năm 2017 còn tới hơn 4,000 tỷ đồng, đại diện tập đoàn cho rằng mục tiêu hướng tới của FPT là sự ổn định, thay vì đột biến.
“Chính sách chia cổ tức cần cân đối giữa quyền lợi cho cổ đông và sự phát triển trung dài hạn. FPT hướng tới việc duy trì một chính sách cổ tức ổn định, từ đó là căn cứ để nhà đầu tư định giá FPT”, CEO FPT, ông Bùi Quang Ngọc đánh giá.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh trong quý 1/2018, ông Nguyễn Thế Phương, Phó Tổng giám đốc FPT cho biết, con số chi tiết vẫn chưa được quyết định, tuy nhiên doanh thu ước tính của ban lãnh đạo trong quý đầu tiên của năm nay tăng 18% so với cùng kỳ 2017, với lợi nhuận tăng 30%.
Riêng với kế hoạch của FPT Trading và FPT Retail trong năm 2018, ông Phương cho biết hai công ty này giờ là công ty liên kết với FPT nên không đưa vào kế hoạch chi tiết cho năm nay của HĐQT. Về mặt số liệu cụ thể, FPT Trading dự kiến không tăng trưởng do FPT cùng đối tác chiến lược Synnex muốn tập trung tái cấu trúc lại hoạt động của doanh nghiệp này, trong khi đó FPT Retail đặt mục tiêu tăng trưởng 30%.
Với các vấn đề như khoản đầu tư vào TPBank, chủ tương có đầu tư tiếp vào FPT Telecom sau khi SCIC thoái vốn hay nới room cho khối ngoại, ban lãnh đạo tập đoàn đã có những định hướng cụ thế. Trong đó, ban lãnh đạo FPT cho biết tập đoàn này vẫn chưa có ý định thoái vốn khỏi TPBank trong thời gian tới. Việc đầu tư vào FPT Telecom đã có chủ trương từ trước, tuy nhiên vẫn chờ những động thái cụ thể từ SCIC.
Riêng với vấn đề nới room cho khối ngoại, về mặt chủ trương thì đây là điều FPT mong muốn, tuy nhiên việc thực hiện không dễ dàng. Phó Tổng giám đốc FPT cho biết hiện tập đoàn đang vướng phải một số vấn đề về nghành nghề kinh doanh có điều kiện không được tăng giới hạn sở hữu nước ngoài lên 100%, đơn cử như viễn thông, báo chí và các vấn đề liên quan đến an ninh mạng. Do đó, việc nới room sẽ khó có thể thực hiện ở hiện tại.
Nhã Tâm
FILI
|