Đằng sau diễn biến sốc về giá của TBD
Cổ phiếu bất ngờ vọt lên rồi lại sụt xuống trong bối cảnh EVN sẽ thoái vốn khiến cổ đông nhỏ của TBD được một phen “rụng tim”. Tuy nhiên, liệu nhà đầu tư có thể kỳ vọng sau pha đổi chủ này, TBD sẽ được tiếp thêm sức mạnh và càng phát triển hơn nữa hay không?
Game “giật” để thoát hàng?
Bắt đầu từ tháng 9/2017, sau khi có sự xuất hiện của cổ đông lớn Nguyễn Việt Anh (nắm giữ hơn 1.43 triệu cp, tỷ lệ 5.1%) là những chuỗi ngày liên tục xả hàng của dàn lãnh đạo Tổng CTCP Thiết bị Điện Đông Anh (UPCoM: TBD) từ Chủ tịch Trần Văn Quang và vợ Đỗ Thị Kim Thoa, đến Phó Tổng Giám đốc Hồ Đức Thanh, Trưởng phòng Tài chính Kế toán Lê Đức Hạnh...
Đến đầu tháng 4/2018, cú công bố xả hàng lớn nhất là của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi muốn thoái hết hơn 13 triệu cp, chiếm tới 46.58% vốn TBD theo đề án tái cơ cấu doanh nghiệp. Thời gian EVN muốn “nhả hàng” là từ ngày 02-27/04.
Điều đáng nói, cổ phiếu TBD trước đó vẫn tăng giảm khá thất thường dù bên mua vẫn chiếm ưu thế, nhưng ngay sau khi EVN ra thông tin thoái vốn thì TBD đã bật tăng khi xanh 3 phiên trước, kịch trần thêm 5 phiên (với gần 15% mỗi phiên). Cùng với đó, khối lượng bên mua đột biến tăng lên, liên tục duy trì trên mức bình quân 130,000 cp/phiên, trong khi bên bán vẫn rỉ rả quanh mức bình quân hơn 2,000 cp/phiên. Đây cũng là thời điểm cổ đông lớn Nguyễn Việt Anh chốt lời thành công gần 1 triệu cp và chính thức rút khỏi danh sách cổ đông lớn của TBD.
Tuy nhiên, “giấc mộng đẹp” trên đột ngột bị đứt quãng khi chốt phiên ngày 09/04, bên bán dội lên át cả bên mua khiến cổ phiếu TBD từ mức giá hơn 90,300 đồng/cp (ngày 06/04) rớt mạnh hơn 6,072 đồng/cp xuống còn 84,228 đồng/cp, tức giảm 6.72%, với hơn 1.1 triệu cp được sang tay. Phiên ngày tiếp theo 10/04, cổ phiếu này tiếp tục giảm thêm hơn 11% về mốc 68,979 đồng/cp.
Biến động cổ phiếu TBD từ năm 2017 đến nay
|
Lẽ dĩ nhiên, khi cổ đông lớn và nội bộ ồ ạt thoái vốn thì dần dần sẽ xuất hiện cổ đông lớn thay thế. Và CTCP Thiết bị điện (HOSE: THI) chính là ẩn số trong ván cờ đổi chủ tại TBD khi “ra tay” gom vào gần 1.4 triệu cp để nâng sở hữu lên 8.06% vốn.
Mọi việc vẫn chưa ngã ngũ khi EVN vẫn đang trong thời gian thực hiện giao dịch bán 13 triệu cp và THI hiện chỉ mới sở hữu một phần rất nhỏ trong số đó. Nhưng biết đâu được, đằng sau THI lại chính là “ông lớn” có vốn 2,668 tỷ đồng là Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (HOSE: GEX) với 11 công ty con có tên quen thuộc trên thị trường chứng khoán như Cadivi (CAV), Vinakip (KIP), HEM, Sotrans (STG)...
49 sẽ về với 50?
Về hoạt động kinh doanh, TBD và THI đều là những đơn vị có chỉ số tăng trưởng khá, nhất là tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn (ROE) duy trì ở mức rất cao qua các năm.
TBD chỉ vừa tăng vốn lên hơn 282 tỷ đồng vào cuối năm 2017, nhưng từ năm 2013 đến nay doanh thu đều ghi nhận con số trên ngàn tỷ đồng, thậm chí năm 2017 đã gần cán mốc 3,000 tỷ đồng, tức gấp 10 lần vốn. Lợi nhuận cũng trên 100 tỷ đồng vào năm 2016 và 2017. Theo đó, EPS ngất ngưởng hơn 13,434 đồng vào năm 2016 và 6,051 đồng năm 2017. ROE rất hấp dẫn tới 27.52% và ROA 6.08% trong năm 2017.
Tuy nhiên, tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2017 của TBD ở mức 1,922 tỷ đồng, trong đó nằm nhiều ở khoản mục hàng tồn kho khi chiếm 1,128 tỷ đồng, khoản mục này liên tục duy trì ở mức cao. Thêm nữa, TBD có áp lực vay nợ ngắn hạn ở mức khá cao với 1,011 tỷ đồng trong năm 2017 khiến Công ty phải chi tới hơn 67 tỷ đồng cho chi phí lãi vay. Ngược lại, Công ty lại rất ít vay nợ dài hạn, chỉ hơn 29 tỷ đồng, đặc biệt nhiều năm trước đó Công ty không phát sinh vay nợ dài hạn.
Đối với THI, tình hình sản xuất kinh doanh có mức tăng trưởng tốt và ổn định hơn TBD, đặc biệt năm 2017 lãi ròng đạt hơn 321 tỷ đồng. THI kiểm soát khá tốt hàng tồn kho khi chỉ ở mức 612 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2017. Đồng thời, vay nợ tài chính ngắn hạn cũng chỉ 403 tỷ đồng và không phát sinh vay nợ dài hạn.
Hiện, TBD vẫn chưa công bố báo cáo kiểm toán và xin hoãn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên sang tháng 5 với lý do đang thực hiện một số công trình trọng điểm, chưa chuẩn bị đầy đủ tài liệu cho Đại hội.
Còn THI cho biết sẽ trình cổ đông kế hoạch doanh thu thuần năm 2018 đạt 2,600 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với kết quả thực hiện 2017. Và lợi nhuận trước thuế đi ngang với 410 tỷ đồng. Ngoài ra, HĐQT THI cũng sẽ trình cổ đông thông qua các hợp đồng, giao dịch vay, cho vay giữa Công ty và GEX với các công ty thành viên trong Tổng Công ty. Mục đích của các giao dịch này nhằm đảm bảo nhu cầu vốn và nâng cao hiệu quả quản lý dòng tiền, hiệu quả đầu tư.
Như vậy, nếu TBD về chung một nhà với GEX thì mức độ bành trướng của đơn vị này trong ngành sẽ càng lớn khi “mỗi bên hùng cứ một phương”.
Tổng Công ty Thiết bị Điện Đông Anh tiền thân là Công ty Sửa chữa và chế tạo Thiết bị điện được thành lập ngày 05/12/1981 theo quyết định của Bộ Năng lượng, đến năm 2004 chuyển thành CTCP Chế tạo Thiết bị điện.
Năm 2005, CTCP Chế tạo Thiết bị điện chính thức đi vào hoạt động với vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng. Năm 2011, Công ty chính thức trở thành công ty đại chúng và tới năm 2014 thì giao dịch lần đầu trên UPCoM.
TBD hoạt động kinh doanh chính là sản xuất máy biến áp, dây dẫn điện các loại; lắp đặt bảo dưỡng, sửa chữa các loại TBĐ đến 500kV; xuất nhập khẩu vật tư thiết bị điện, thí nghiệm điện cao áp, tư vấn thiết kế các công trình điện...
|
Hoàng Nguyên
Fili
|