Thứ Hai, 16/04/2018 13:00

Cổ phiếu nóng NAF: Cơ hội hay rủi ro?

Dựa trên những nền tảng thay đổi phù hợp, CTCP Nafoods Group (HOSE: NAF) đang vươn lên trở thành ngôi sao sáng trong ngành sản xuất chanh leo Việt Nam. Với P/E đang ở mức hấp dẫn (8.28 lần), liệu đây có phải thời điểm phù hợp để giới đầu tư tìm kiếm cơ hội ở cổ phiếu này?

Kết quả kinh doanh năm 2017 khởi sắc trở lại

Trái ngược với một năm 2016 gặp nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh của NAF đã có sự hồi phục mạnh mẽ trong năm 2017. Cụ thể, doanh thu hợp nhất năm 2017 của NAF đạt gần 530 tỷ đồng, tăng trưởng 14.5%. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2017 đạt 65.5 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng hơn 9.20% so với năm 2016.

Động lực tăng trưởng doanh thu của NAF đến từ:

(1)  Thị trường nội địa ghi nhận sự hồi phục mạnh, đạt 158.2 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 55.5% so với năm 2016.

(2)  Bên cạnh sự tăng trưởng mạnh của hoạt động bán hàng trong nước, hoạt động xuất khẩu cũng duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định gần 3%, đạt 371.7 tỷ đồng.

Cùng với sự tăng trưởng của doanh thu, biên lợi nhuận gộp của NAF tiếp tục có sự cải thiện tích cực so với năm 2016. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp của NAF năm 2017 đạt 29.4%, gia tăng so với biên lợi nhuận gộp 27.3% của năm 2016. Động lực cải thiện biên lợi nhuận gộp của NAF đến từ cả hai mảng kinh doanh trong nước và xuất khẩu trong năm vừa qua.

Cơ cấu biên lãi gộp của NAF

Nguồn: VietstockFinance

Với sự tăng trưởng của doanh thu và sự cải thiện của biên lợi nhuận gộp, lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2017 đạt gần 65.5 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 9.2% so với năm 2016.

Kết quả kinh doanh của NAF năm 2017 (Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance

Chanh leo cô đặc: Động lực tăng trưởng doanh thu chủ đạo của NAF

Hoạt động kinh doanh của NAF đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại khi doanh thu liên tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh. Tốc độ tăng trưởng doanh thu kép 05 năm đạt hơn 29%. Kể từ khi NAF chuyển hướng chiến lược kinh doanh từ sản phẩm nước dứa sang sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ chanh leo kể từ năm 2009, hoạt động kinh doanh của Công ty này đã dần bước ra khỏi khó khăn và ghi nhận sự chuyển mình tích cực tính đến thời điểm hiện tại. Trong đó, động lực tăng trưởng chủ đạo của NAF đến từ sản phẩm chanh leo cô đặc. Sản phẩm này luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của NAF qua các năm.

Cơ cấu doanh thu theo sản phẩm của NAF giai đoạn 2015-2016

Nguồn: VietstockFinance

Quy trình kinh doanh khép kín giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp

Bên cạnh sự thành công của hoạt động chuyển hướng sang sản phẩm chanh leo, chiến lược xây dựng một mô hình sản xuất kinh doanh khép kín cũng là nguyên nhân giúp cải thiện kết quả kinh doanh của NAF trong nhiều năm trở lại. Theo đó, kể từ năm 2014 NAF đã hoàn thiện hệ thống vườn ươm giống chanh leo công nghệ cao. Hoạt động đầu tư này đã giúp NAF tự chủ hoàn toàn từ khâu nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng đến chế biến sản phẩm chanh leo cuối cùng trong chuỗi sản xuất. Nhờ đó đã giúp NAF hạn chế được biến động từ giá nguyên liệu đầu vào, tiết giảm được chi phí và đóng góp tích cực vào biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh cốt lõi. Có thể thấy biên lợi nhuận gộp của NAF đang được cải thiện liên tục qua các năm. Nếu xét theo cơ cấu thị trường, sự cải thiện biên lợi nhuận gộp cũng được thấy rõ ở cả hai thị trường nước ngoài và nội địa.

Biên lãi gộp của NAF giai đoạn 2013-2017

Nguồn: VietstockFinance

Cơ cấu biên lãi gộp theo thị trường giai đoạn 2014-2017

Nguồn: VietstockFinance

Với việc tự chủ được khâu giống cây trồng, điều này còn giúp NAF có cơ hội đa dạng hóa danh mục sản phẩm kinh doanh với các sản phẩm giống cây trồng. Dù vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng mảng kinh doanh cây giống đang ghi nhận sự tăng trưởng tốt. Đây cũng là sản phẩm có biên lợi nhuận cao nhất trong cơ cấu sản phẩm hiện tại. Nếu duy trì được khả năng tăng trưởng doanh thu ổn định, giống cây trồng có thể vươn lên thành một động lực tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận mới cho NAF trong dài hạn.

Mô hình kinh doanh tạo lợi thế cạnh tranh trong ngành

Tính đến hiện tại, NAF trở thành số ít doanh nghiệp hoàn thiện được chuỗi sản xuất nông nghiệp khép kín trong ngành sản xuất sản phẩm chanh leo. Việc sản xuất chanh leo trong nước đang gặp nhiều khó khăn trước sự thiếu hụt cây giống ban đầu. Nhiều doanh nghiệp sản xuất phả liên tục nhập khẩu cây giống từ Đài Loan, Trung Quốc. Ngoài ra vấn đề dịch bệnh, thời tiết khiến nguồn cung cây giống của ngành chanh leo trong nước không được duy trì bền vững, kéo theo sự mất ổn định nguồn cung xuất khẩu chanh leo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này trên thế giới. Theo ước tính, nhu cầu sử dụng chanh leo toàn cầu được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng bình quân lên đến 30%/năm. Do đó, việc NAF ổn định được nguồn cung cây giống cũng như tự chủ được chuỗi sản xuất khép kín của mình là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp này gia tăng lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp nội địa khác. Bên cạnh đó, cơ cấu thị trường xuất khẩu của NAF cũng rất đa dạng với sự hiện diện ở hơn 60 quốc gia trải rộng toàn thế giới, hỗ trợ tích cực cho khả năng khai thác tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu của sản phẩm chanh leo trên toàn cầu.

Mô hình sản xuất kinh doanh khép kín và tích hợp theo chiều dọc của NAF

Cơ cấu thị trường xuất khẩu của NAF (tính đến cuối năm 2016)

Nguồn: VietstockFinance

Đẩy mạnh đầu tư tài sản cố định

Tính đến cuối năm 2017, tài sản cố định của NAF đạt gần 121 tỷ đồng, tăng trưởng 35.3% so với cuối năm 2016. Sự tăng trưởng mạnh của tài sản cố định đến từ việc nhiều dự án đầu tư xây dựng như hệ thống nhà vườn ươm, dự án trồng dược liệu, dự án trồng gấc Hà Tĩnh… đã hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm qua.

Hoạt động đầu tư tài sản cố định, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh đã được NAF đẩy mạnh trong các năm qua nhằm phục vụ cho nhu cầu mở rộng đầu tư đồng loạt sau khi định hình hoàn chỉnh chiến lược kinh doanh trung và dài hạn. Cụ thể, kể từ đầu năm 2015, tài sản cố định của NAF đã đạt mức tăng trưởng kép hơn 77%. Trong đó, tài sản cố định hữu hình tăng gấp 2.1 lần chỉ trong vòng 1 năm qua. Tài sản cố định vô hình đạt hơn 61 tỷ đồng và chiếm gần 7% tổng tài sản của NAF.

Cơ cấu tài sản dài hạn của NAF (Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance

Mở rộng mạng lưới công ty liên kết

Nhằm thực hiện chiến lược kinh doanh của mình, NAF đã gia tăng hoạt động đầu tư góp vốn vào các công ty cùng ngành. Cụ thể, tính đến cuối năm 2017 thì giá trị đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh đạt hơn 52 tỷ đồng, tăng gấp 5.7 lần trong vòng 4 năm qua. CTCP Nafoods Tây Nguyên, CTCP Nông Nghiệp La Giang, CTCP Dược Liệu Quế Phong, CTCP Nafoods Tây Bắc, CTCP Nafoods Pleiku… là những công ty được NAF đẩy mạnh góp vốn trong những năm qua.

Hệ thống công ty liên kết và các khoản góp vốn khác

Nguồn: VietstockFinance

Gia tăng vay nợ tài trợ hoạt động kinh doanh và đầu tư

Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ nợ vay của NAF đạt 33%, gia tăng mạnh so với cuối năm 2016. Trong đó, nợ vay ngắn hạn đạt hơn 172 tỷ đồng, tăng trưởng 22% và nợ vay dài hạn tăng trưởng gấp 28 lần, đạt gần 115 tỷ đồng tính đến cuối năm 2017. Nhìn chung, hoạt động gia tăng nợ vay tài trợ hoạt động kinh doanh đã được NAF đẩy mạnh trong những năm qua. Tuy vậy, cơ cấu nguồn vốn kinh doanh của NAF vẫn đang trong mức an toàn. Khả năng kiểm soát khả năng chi trả lãi vay được NAF duy trì tốt với hệ số chi trả lãi vay năm 2017 đạt 12.8 lần.

Tỷ trọng nợ vay của NAF

Nguồn: VietstockFinance

Cơ cấu tài trợ vốn của NAF

Nguồn: VietstockFinance

Cần lưu ý đến khoản phải thu

Tính đến cuối năm 2017, khoản phải thu của NAF đạt hơn 486 tỷ đồng, tăng trưởng gần 57% so với cuối năm 2016. Trong cơ cấu khoản phải thu của NAF, khoản phải thu từ khách hàng chiếm 46.7%, đạt hơn 227 tỷ đồng. Các khoản trả trước cho người bán ngắn hạn cũng tăng trưởng đến 77.2%, đạt 117.5 tỷ đồng. Công ty Flagfood AG đang là khách hàng phải thu thứ ba lớn nhất của NAF với giá trị hơn 113.2 tỷ đồng. Flagfood AG cũng là khách hàng chiếm dụng doanh thu nhiều nhất của NAF kể từ năm 2015 đến nay.

Biến động khoản phải thu của NAF

Nguồn: VietstockFinance

Cơ cấu khoản phải thu khách hàng của NAF (Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance

Điểm đáng lưu ý là các khoản phải thu về cho vay ngắn hạn cũng đạt mức tăng hơn 52% so với cuối năm 2016. Kể từ khi chuyển đổi mô hình kinh doanh kể từ năm 2013, NAF đã liên tục thực hiện các khoản cho vay đối với các công ty con, công ty liên kết và một số cá nhân khác. Cụ thể, tính đến cuối năm 2017 NAF thực hiện cho vay ngắn hạn đối với các cá nhân Nguyễn Mạnh Cường và Nguyễn Xuân Cường với giá trị cho vay lần lượt đạt 11 tỷ đồng và 6.75 tỷ đồng. Riêng khoản cho vay đối với cá nhân Nguyễn Mạnh Cường không chịu lãi suất và không có tài sản đảm bảo. Trong giai đoạn 2013-2017 NAF cũng đã thường xuyên cho vay ngắn hạn với nhiều cá nhân khác.

Cơ cấu phải thu về cho vay ngắn hạn của NAF năm 2017 (Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance

Nhìn chung các khoản phải thu ngắn hạn của NAF đã liên tục gia tăng trong giai đoạn NAF có sự bùng nổ về doanh thu. Sự đồng thuận cao của doanh thu và khoản phải thu là điều cần phải chú ý. Đặc biệt là khi NAF đang phải gia tăng vay nợ để tài trợ cho hoạt động.

Cơ cấu dòng tiền thuần của NAF (Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance

Sẽ có những lời giải thích rằng những vấn đề về dòng tiền kể trên là các dấu hiệu điển hình của một doanh nghiệp đang ở thời kỳ đầu của giai đoạn tăng trưởng. Tuy nhiên, với cơ cấu vốn bị chiếm dụng lớn, sức ép vay nợ gia tăng trong khi sự phân bổ nguồn tiền huy động có những điểm bất hợp lý thì giới đầu tư cần lưu ý kĩ càng đến khả năng cải thiện các yếu tố này khi xem xét đầu tư vào NAF trong thời gian tới.

Kết luận: Với mô hình kinh doanh có tính cạnh tranh cao cùng triển vọng khả quan của ngành chanh leo toàn cầu, NAF được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan trong những năm tới. P/E của cổ phiếu này cũng đã điều chỉnh về vùng hấp dẫn (8.28 lần). Tuy vậy, giới đầu tư vẫn cần cân nhắc đến các rủi ro hiện hữu về dòng tiền để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.

Phước Toàn

FiLi

Các tin tức khác

>   Thao túng cổ phiếu SGO, ông Đức Minh Đạo bị phạt 550 triệu đồng (14/04/2018)

>   Chứng khoán Tuần 09-13/04: Hụt hơi tại ngưỡng 1,200 điểm (13/04/2018)

>   Tuần 16-20/04/2018: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (15/04/2018)

>   Phân tích kỹ thuật chứng khoán Việt Nam: Tuần 16-20/04/2018 (15/04/2018)

>   Vào diện kiểm soát, VHG bị loại khỏi VNX Allshare, VNSmall và VNAllshare (13/04/2018)

>   Giao dịch kiểu "tiền trảm hậu tấu", 3 cá nhân bị xử phạt hành chính (13/04/2018)

>   Đề nghị truy tố các bị can trong vụ án chiếm đoạt tài sản, thao túng cổ phiếu MTM (13/04/2018)

>   Cổ phiếu nào khả quan để đầu tư? (16/04/2018)

>   Nhịp đập Thị trường 13/04: Tăng cung ở vùng giá thấp (13/04/2018)

>   13/04: Đọc gì trước giờ giao dịch? (13/04/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật