Thứ Sáu, 13/04/2018 10:21

"Cát cứ" dữ liệu cản trở quy hoạch không gian ngầm

"Quy hoạch không gian ngầm tại TP HCM thật sự chưa có, mới chỉ có quy hoạch từng lĩnh vực một. Nói chung là chưa có định hướng khai thác không gian ngầm một cách rõ ràng.

Việc lập quy hoạch không gian ngầm theo đó đang vướng từ mục tiêu cho đến nội dung, kỹ thuật, thông tin đầu vào, cơ sở dữ liệu...; kể cả về trình độ cũng hạn chế" - TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, nhận định tại hội thảo Quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị TP HCM do Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM tổ chức ngày 12-4.

Trung tâm Sense Market ngầm dưới lòng đất ở Công viên 23-9 (quận 1, TP HCM) đang trở thành điểm đến của nhiều người Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Từ phát biểu của TS Võ Kim Cương, nhiều đại biểu đề nghị sớm chấm dứt tình trạng "cát cứ" cơ sở dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu địa chất công trình ngầm tại TP HCM. Cụ thể, PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết nhiều đơn vị sử dụng tiền nhà nước để thực hiện các đề tài thu thập dữ liệu nhưng sau đó tự hưởng kết quả chứ xã hội không được hưởng bao nhiêu.

Ông Hà Ngọc Trường, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM, chia sẻ câu chuyện mà nghe xong khiến ai cũng thấy bi hài. Số là nhiều năm trước, ông Trường làm đề tài về các "hố tử thần" thì phải khốn khổ khi đi xin dữ liệu. Đó là chưa kể khi đào một "hố tử thần" lên thì đụng tới "15 đơn vị quản lý" (điện, cấp nước, thoát nước, internet...) khiến người nghiên cứu nghe xong cũng đủ choáng váng.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở dữ liệu đối với việc quy hoạch, xây dựng không gian ngầm, TS Phan Hữu Duy Quốc, Tập đoàn Shimizu (Nhật Bản), cho rằng việc thuận lợi phát triển công trình ngầm hay không là có dữ liệu hay không. Bởi khó khăn của việc xây dựng công trình ngầm là không biết dưới đất có gì nên chuyện đấu thầu rất rủi ro, người ta ngại làm. Nhiều lúc đào dưới lên một số chướng ngại vật nhưng không biết chủ là ai. "Khi phát hiện đường dây cáp, thông báo một tuần thì không thấy ai nhưng khi cắt đi thì có người xuất hiện. Hay như công trình metro của TP cũng vậy, có những đường ống nước nghĩ đã "chết" rồi nhưng khi đập ra thì nước tràn" - TS Phan Hữu Duy Quốc nói.

Ông Quốc cũng chỉ ra bất cập trong việc cập nhật dữ liệu đối với công trình ngầm. Đó là nhiều công trình trong quá trình thi công phải điều chỉnh không giống như thiết kế nhưng khi làm thủ tục hoàn công thì lại không cập nhật cho nên có tình trạng đào lên lại dính đường nước, đường điện. Do đó, cơ sở dữ liệu cực kỳ quan trọng đối với xây dựng công trình ngầm.

Theo TS Võ Kim Cương, đã đến lúc TP cần đưa ra những quy chế, chính sách quản lý thông tin dữ liệu. Việc này, Thành ủy và UBND TP nên đưa vào chương trình trọng điểm thứ 8 của TP. "Cơ sở dữ liệu là nền tảng của nền tảng bởi không có thông tin thì không làm được gì cho chính xác. Thực ra, cơ sở dữ liệu hiện nay đã trở thành ngành khoa học phát triển nhanh từ công cụ cho tới xử lý" - TS Võ Kim Cương nói.

Ông Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, cho biết sự hình thành và phát triển của hệ thống metro cùng với hệ thống các công trình ngầm đã đặt ra yêu cầu quản lý, kết nối, khai thác hiệu quả không gian ngầm là cấp bách. Khi hoàn thiện quy hoạch không gian ngầm thì TP sẽ định hướng được việc quản lý và sử dụng đất, đầu tư xây dựng và bảo đảm tầm nhìn lâu dài, khai thác hiệu quả không gian ngầm trong tương lai.

Trường Hoàng

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Phê duyệt chủ trương đầu tư 8.500 tỷ dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng (13/04/2018)

>   Đề xuất nghiên cứu tăng giá vé xe buýt thêm 1.000 đồng (13/04/2018)

>   S&P sẽ đánh giá tín nhiệm TP.HCM cho các khoản vay thương mại (12/04/2018)

>   Grab và Go-Jek: Cuộc so găng "kẻ tám lạng, người nửa cân" (12/04/2018)

>   Ai đứng sau công ty bị tố lừa đảo 15.000 tỷ đồng? (12/04/2018)

>   Vì sao tiến độ giải phóng mặt bằng chậm làm sân bay Long Thành chậm? (12/04/2018)

>   Xuất khẩu cá ngừ sang Chile tăng đột biến (12/04/2018)

>   Đầu tư cả triệu tỉ đồng cho 3 đặc khu liệu có hiệu quả? (12/04/2018)

>   Ngành nhựa hụt nguyên liệu nghiêm trọng (12/04/2018)

>   Nhiều cán bộ ở Gia Lai trốn nợ (12/04/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật