Bầu Hiển: Làm ông chủ mệt, nhưng sướng
Chủ tịch T&T Group chia sẻ về kế hoạch đầu tư và chiến lược phát triển của tập đoàn này với một số dự án lớn tại Hà Nội...
Chủ tịch T&T Group Đỗ Quang Hiển: "Định hướng phát triển của T&T Group phù hợp với xu thế phát triển của đất nước".
|
"Có những hôm chúng tôi họp đến 3-4 giờ sáng mới được ăn bữa tối, ai bảo là không mệt. Nhưng được làm việc, được cống hiến là rất may mắn và hạnh phúc rồi, vì thực tế không phải ai muốn họp thế cũng được."
Ông Đỗ Quang Hiển, người hay được gọi là "bầu Hiển" - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T - nói như vậy, khi được hỏi về áp lực khi đứng đầu một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam.Tính chuyện đường dài
Có người nói, sự lớn mạnh của T&T thời gian qua là "phát triển nóng", và rất có thể là chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản trị không thể đáp ứng kịp?
T&T thành lập đến nay đã gần 25 năm, nên không thể gọi là "phát triển nóng" được. Trong suốt quãng thời gian đó, chúng tôi đã không ngừng học hỏi và làm mới mình, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã đầu tư nhà máy sản xuất động cơ xe máy lớn nhất Việt Nam.
Còn về việc năng lực quản trị và chất lượng đội ngũ nhân lực, đây là nỗi trăn trở băn khoăn của đa số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, chứ không chỉ riêng T&T. Đặc biệt, khi doanh nghiệp càng lớn, thì càng phải chú trọng các yếu tố này, để phát triển bền vững.
Vì vậy, "hiểu mình mà để tự khắc phục", bên cạnh việc tự trau dồi học hỏi thêm kinh nghiệm trong công việc và các dự án hiện nay thì hợp tác với đối tác, các tập đoàn nước ngoài, chính là con đường tích lũy kiến thức ngắn nhất và hiệu quả nhất, theo chuẩn mực quốc tế.
Tuy nhiên, T&T cũng phải tính đường dài bằng cách tự lớn mạnh và đứng vững bằng nội lực. Do vậy, trong các điều khoản hợp đồng thì bên cạnh việc yêu cầu phải có điều kiện và thời gian chuyển giao cụ thể thì chúng tôi cũng yêu cầu đi kèm điều kiện khi chuyển giao phải đảm bảo năng lực quản trị, vận hành cho bên nhận, tránh trường hợp phụ thuộc vào đối tác.
Nền kinh tế và người dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì từ những cái bắt tay của doanh nghiệp nội như T&T Group với đối tác nước ngoài?
Tôi cho rằng trong việc hợp tác này, không chỉ doanh nghiệp được hưởng lợi mà cả nền kinh tế, và người dân bình thường cũng được hưởng lợi.
Thứ nhất, đó chính là kéo theo sự phát triển của các doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ, giải quyết một phần công ăn việc làm.
Thứ hai, đó là đóng góp thuế và giúp tăng trưởng GDP của đất nước.
Thứ ba, đó chính là những công trình và dự án bền vững, cơ sở hạ tầng thuận lợi, môi trường sống chất lượng và tốt hơn, hướng tới những chuẩn mực chung của quốc tế.
Thứ tư là, khi các tập đoàn lớn nước ngoài vào Việt Nam, cùng với nguồn vốn ổn định, công nghệ tiên tiến… thì với bề dày kinh nghiệm, các tập đoàn nước ngoài cũng mang theo kỹ năng quản trị, điều hành chuyên nghiệp, khoa học để chúng ta có thể tiếp cận.
Sẽ xây lại sân Hàng Đẫy
T&T vừa bắt tay với tập đoàn Bouygues của Pháp để triển khai hai dự án lớn tại Hà Nội là đường sắt đô thị số 3 - nối trung tâm thành phố Hà Nội và thị xã Sơn Tây, và sân vận động Hàng Đẫy. Ông có thể nói rõ hơn về hai dự án này?
Dự án đường sắt đô thị số 3 nối trung tâm Hà Nội với thị xã Sơn Tây dài khoảng 31 km, với tổng vốn đầu tư từ doanh nghiệp ước tính khoảng 1,4 tỷ Euro. Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), trong đó thành phố Hà Nội sẽ đầu tư thiết bị như mua tàu, toa xe… và quản lý vận hành, khai thác kinh doanh, nhà đầu tư sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà ga, đường ray, công trình nổi, ngầm…
Theo lộ trình của Hà Nội, giai đoạn 1 sẽ xây dựng tuyến đường Nhổn – Trôi – Phùng (vành đai 4), với tổng chiều dài 6,1 km. Dự kiến hoàn thành xây dựng trước năm 2024 và bắt đầu vận hành khai thác vào năm 2025.
Giai đoạn 2 sẽ xây dựng tuyến đường Phùng – Sơn Tây, với tổng chiều dài 24,95 km. Dự kiến hoàn thành xây dựng trước năm 2040 và bắt đầu vận hành khai thác kể từ năm 2040.
Hiện T&T đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi toàn bộ dự án và đang trình các cơ quan chức năng của Hà Nội.
Sau khi hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thành phố Hà Nội sẽ trình Chính phủ và trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đối với dự án sân vận động Hàng Đẫy, chúng tôi dự kiến sẽ xây lại toàn bộ vì cơ sở hạ tầng ở đây đã xuống cấp. Khi hoàn thiện, sân vận động Hàng Đẫy sẽ thành một quần thể văn hóa, thể thao, dịch vụ, sự kiện, hội họp trên tổng diện tích 3 ha, mở rộng ra phía đầu đường Cát Linh, với những hạng mục về thể thao vẫn giữ nguyên, nhưng nâng cấp về chất lượng dịch vụ.
Dự án sân vận động Hàng Đẫy được thực hiện bởi nhà thiết kế của Đức - đã từng thiết kế sân Nou Camp ở Barcelona và Nhà Quốc hội Việt Nam, sẽ kết nối với tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, với dự kiến 4 tầng hầm, 2 tầng nổi; sân vận động nằm trên tầng 2 với 2 vạn chỗ ngồi.
Phải có dự án để đời
Với T&T Group, khi hợp tác với các tập đoàn lớn thế giới thì cái được về lợi nhuận lớn hơn hay được về danh tiếng lớn hơn?
Thực ra, cộng tác với các tập đoàn nước ngoài, nguyên tắc win – win rất rõ ràng và sòng phẳng. Do đó, tính về lợi nhuận thì không cao nhưng mang tính bền vững, ổn định hơn.
Còn đã là doanh nghiệp thì không thể thiếu được yếu tố danh tiếng, thương hiệu. Nhưng đối với tôi, quan trọng nhất vẫn là những dự án chất lượng, để đời.
Đã bao giờ ông cảm thấy mệt mỏi với vai trò là ông chủ T&T Group trong việc thực hiện mục tiêu đưa tập đoàn thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam?
Nói là không mệt thì không đúng, nhưng tôi vẫn luôn nở nụ cười, vì vừa mệt vừa sướng. Có những hôm chúng tôi họp đến 3-4 giờ sáng mới được ăn bữa tối, ai bảo là không mệt. Nhưng được làm việc, được cống hiến là rất may mắn và hạnh phúc rồi, vì thực tế không phải ai muốn họp thế cũng được.
Nguyên Hà
vneconomy
|