Trước án hủy niêm yết, bị nghi ngờ hoạt động liên tục, TH1 sẽ chèo chống ra sao?
Sở GDCK Hà Nội đề nghị TH1 báo cáo giải trình nguyên nhân tình trạng bị hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ 3 năm liên tục, lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp. Còn đơn vị kiểm toán thì nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Nhưng Ban lãnh đạo TH1 vẫn tự tin đặt kế hoạch 2018 có lãi.
Ngày 23/02, Sở GDCK Hà Nội đã nhận được BCTC kiểm toán năm 2017 của CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam (Generalexim, HNX: TH1). Sau khi xem xét, Sở nhận thấy kết quả sản xuất kinh doanh của TH1 bị lỗ trong 3 năm liên tục (2015, 2016, 2017) và lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp tại BCTC kiểm toán 2017. Như vậy, cổ phiếu TH1 thuộc trường hợp bị hủy niêm yết theo quy định. Sở đề nghị TH1 báo cáo giải trình nguyên nhân tình trạng bị hủy niêm yết.
* TH1: Thời vàng son chỉ còn là dĩ vãng, nay lỗ đã vượt vốn còn án hủy niêm yết thì cận kề
* TH1: Cơ hội nào để tái sinh?
Các chỉ tiêu tài chính của TH1 trong thời gian qua
Đvt: Triệu đồng
|
Nhà băng nào đang "ngồi trên đống lửa" tại TH1?
Theo báo cáo kiểm toán 2017, đơn vị kiểm toán có nhấn mạnh rằng, tại ngày 31/12/2017, TH1 có nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 220 tỷ đồng, lỗ lũy kế 276 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 93 tỷ đồng và toàn bộ các khoản vay vốn ngân hàng đã quá hạn thanh toán, các khoản nợ quá hạn không có khả năng thu hồi tăng lên (vay ngân hàng quá hạn thanh toán số tiền gốc gần 641 tỷ đồng và các khoản lãi vay phải trả tương ứng gần 152 tỷ đồng)... Những sự kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của TH1.
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2017, TH1 có hơn 331 tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu đến từ các công ty như XNK Phước Tiếng, Thanh Phát HQ, Thanh Phát, Trung Thành, Thực phẩm C.M.T, Kim loại Việt Nam...
Còn TH1 đang vay ngắn hạn gần 651 tỷ đồng, trong đó bằng VNĐ tại VietABank (282 tỷ đồng); còn lại là vay bằng USD tại SHB (131 tỷ đồng), Vietinbank (64.5 tỷ đồng), Agribank (45.6 tỷ đồng), Vietcombank (36 tỷ đồng), BIDV (48 tỷ đồng), VietABank (20 tỷ đồng). Vay dài hạn BIDV gần 52 tỷ đồng.
Lãnh đạo nói gì về tình hình bết bát của Công ty?
Theo Ban giám đốc TH1, sở dĩ hoạt động kinh doanh thua lỗ do Công ty có những khoản nợ đọng khó đòi trong thời gian dài, khả năng thanh toán các khoản nợ vay đến hạn gặp nhiều khó khăn do đó việc huy động vốn để kinh doanh không thuận lợi dẫn đến doanh thu bị giảm sút và không đạt kế hoạch đề ra. Thêm vào đó, do đặc thù của Công ty là hoạt động thương mại không gắn liền với sản xuất, chế biến nên chưa chủ động nguồn hàng cung cấp; hơn nữa biến động của thị trường, chính sách cũng ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh. Với nguồn lực hạn chế, Công ty gần như ngừng kinh doanh xuất khẩu một số mặt hàng do nhu cầu vốn lớn, lợi nhuận thấp và nhiều rủi ro như gạo, hạt điều, sắn lát.
Ban lãnh đạo TH1 nhấn mạnh, lợi nhuận âm hoàn toàn không xuất phát từ hoạt động kinh doanh chính mà do trích lập toàn bộ khoản công nợ khó đòi trong năm qua (175 tỷ đồng) và lãi vay vốn ngân hàng của các khoản nợ chưa có khả năng thanh toán là gần 25 tỷ đồng.
HĐQT và Ban Tổng giám đốc TH1 cho biết đã xây dựng kế hoạch tài chính để có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn thông qua việc tái cơ cấu nợ với ngân hàng, đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, và thanh lý một số khoản đầu tư, tài sản của Công ty. Do vậy báo cáo tài chính của Công ty được lập trên cơ sở hoạt động liên tục.
Kế hoạch nào để vực dậy TH1?
Trong ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 09/03 sắp tới, Ban lãnh đạo TH1 đề ra kế hoạch năm 2018 với tổng doanh thu gần 369 tỷ đồng và hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi gần 31 tỷ đồng, nhờ đó lợi nhuận sau thuế mang về 11.5 tỷ đồng.
TH1 vẫn định hướng xuất nhập khẩu là hoạt động cốt lõi lâu dài của Công ty, tuy nhiên sẽ có những điều chỉnh nhằm tăng giá trị gia tăng theo hướng lựa chọn mặt hàng, tham gia từ khâu gieo trồng, chế biến và gia nhập hệ thống phân phối. Trong đó, hồ tiêu vẫn là mặt hàng chủ lực với lợi thế về nhà máy, kho bãi. TH1 dự kiến sẽ thực hiện xuất khẩu 2,000 tấn hồ tiêu với kim ngạch 7 triệu USD trong năm 2018.
Còn nhập khẩu sẽ giữ nguyên các mặt hàng như máy móc, thiết bị... kim ngạch nhập khẩu sẽ là 4 triệu USD, tỷ suất lợi nhuận là 1.5%/doanh thu.
Bên cạnh đó, Công ty tập trung nhập khẩu trực tiếp và phân phối trong nước các sản phẩm sữa Cowala từ Newzealand. Đối với việc độc quyền phân phối sữa Cowala, trong năm 2017, TH1 đã tổ chức được hệ thống trên 20 tỉnh thành với doanh số trung bình hàng tháng gần 1 tỷ đồng. Dự kiến năm 2018 doanh thu hoạt động này đạt 50 tỷ đồng và lợi nhuận là 2.5 tỷ đồng.
Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản và dịch vụ, TH1 tiếp tục khai thác cho thuê diện tích thương mại tại tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, nâng cao chất lượng của hệ thống kho bãi...
Về hoạt động tài chính, TH1 cho biết sẽ từng bước tái cấu trúc tài chính, trích lập dự phòng toàn bộ nợ xấu, tìm kiếm đối tác có năng lực tài chính tốt để hợp tác tái cấu trúc toàn diện Công ty.
Cổ phiếu èo uột, biến động cổ đông lớn
Tại thời điểm cuối năm 2017, cổ đông lớn của TH1 gồm bà Lê Thị Lan góp 28 tỷ đồng, chiếm 20.73%; ông Nguyễn Văn Huyên 26.96 tỷ đồng, chiếm 19.91%; ông Nguyễn Vĩnh Huy 21.5 tỷ đồng với 15.88%; còn lại các cổ đông khác.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 1/2018, bà Lê Thị Lan đã rút vốn hoàn toàn khỏi TH1, thay vào đó là sự xuất hiện của cổ đông lớn Đinh Đức Tùng với tỷ lệ sở hữu 20.73%, tương ứng hơn 2.8 triệu cp.
Với tình hình kinh doanh bết bát, cổ phiếu TH1 cũng có sự phản chiếu tương ứng khi giảm gần 90% kể từ khi niêm yết dù thời điểm giữa năm 2017 đã có sự bứt phá lên hơn 11,000 đồng/cp nhưng cũng nhanh chóng rớt về lại 5,000 đồng/cp như hiện nay.
Biến động cổ phiếu TH1 trong vòng 12 tháng qua.
|
Hoàng Nguyên
Fili
|