Thấy gì khi khối ngoại “ồ ạt” đầu tư vào các ngân hàng Việt?
Hàng loạt các nhà đầu tư ngoại đang đổ vốn lớn vào ngân hàng VN. Ở thời điểm hiện tại, nhiều NHTM ở VN đang trích lập dự phòng gần hết số nợ xấu bán cho VAMC. “Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang ấm dần lên, mà đa số các khoản nợ xấu đều có tài sản đảm bảo là bất động sản. Vì vậy trong thời gian tới, khi xử lý được các tài sản đảm bảo, các ngân hàng sẽ có được khoản thu tốt” - một chuyên gia nhận định.
Nhà đầu tư nước ngoài đang liên tiếp rót vốn lớn vào các ngân hàng Việt (ảnh minh hoạ). Ảnh: PV
|
Tín hiệu tốt?
Mở màn cho mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng năm nay, Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) công bố thông tin về khoản đầu tư “khủng” lên tới hơn 370 triệu USD (khoảng 8.400 tỉ đồng) từ hai nhà đầu tư pháp nhân độc lập được quản lý bởi Warburg Pincus. Khoản đầu tư 370 triệu USD từ các nhà đầu tư sẽ giúp ngân hàng này hoàn thành nỗ lực tăng vốn từ nay đến tháng 6.2018 của Techcombank theo đúng kế hoạch đã được Đại hội cổ đông phê duyệt từ ngày 3.3.2018.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS-LS Bùi Quang Tín - CEO của Trường Doanh nhân BizLight - cho biết: “Câu chuyện nhà đầu tư nước ngoài muốn mua cổ phần tại ngân hàng Việt Nam không phải mới. Chuyện này đã diễn ra từ 10 năm trước. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại đang là đúng thời điểm mà Chính phủ Việt Nam đưa ra các cơ chế quản lý giám sát, đặc biệt là việc yêu cầu các ngân hàng đáp ứng chuẩn mực Basel II để siết mạnh vào quản trị điều hành của NH, Luật Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng 2017 bổ sung ít nhất 17 điểm mới trong quản trị điều hành… Với các thay đổi này trong thể chế quản lý thì việc nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào lĩnh vực M&A, hoặc mua cổ phần tại ngân hàng là điều dễ hiểu”.
“Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, một khoản tiền bước ra khỏi ngân hàng, họ đều thẩm định rất kỹ, và việc các nhà đầu tư ngoại rót tiền vào các ngân hàng Việt Nam trên cơ sở họ đã nghiên cứu kỹ về tiềm năng ngân hàng Việt” - TS-LS Bùi Quang Tín cho biết.
Trước đó, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới phê duyệt gói tài chính trị giá hơn 80 triệu USD dành cho Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), nâng tổng mức hỗ trợ tài chính của IFC cho VPBank lên hơn 200 triệu USD trong vòng 8 tháng.
Cuối tháng 12.2017, Ngân hàng Phát triển TPHCM (HDBank) đã trao giấy chứng nhận sở hữu cổ phần cho 76 nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, xuất hiện nhiều định chế tài chính lớn đang đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam như Credit Saison (Nhật), Deutsche Bank AG (Đức), JP Morgan Việt Nam Opportunities Fund, CAM Bank (Nhật Bản), Dragon Capital (Anh), Vina Capital… Các nhà đầu tư này đã chi ra 300 triệu USD (hơn 6.800 tỉ đồng) để sở hữu 21,5% cổ phần hiện hữu của HDBank. Mỗi nhà đầu tư đợt này sở hữu không quá 3% cổ phần ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Quỹ đầu tư PYN Fund Management vừa ký kết hợp đồng mua bán cổ phần. Theo đó, PYN Elite Fund sẽ sở hữu 4,99% vốn sau phát hành của TPBank với giá trị gần 40 triệu USD.
Các nhà đầu tư Hàn Quốc trong thời gian gần đây liên tiếp có các động thái quan tâm đặc biệt tới thị trường Việt Nam. Mới đây, Tập đoàn tài chính Hana của Hàn Quốc có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam bằng việc trở thành cổ đông của BIDV. Trước đó, một Tập đoàn tài chính khác của Hàn Quốc là Shinhan cũng đang gia tăng đầu tư vào Việt Nam khi hoàn tất việc thâu tóm mảng bán lẻ của ANZ. Công ty thẻ tín dụng thuộc top 5 toàn cầu là Shinhan Card đã mua đứt Công ty Tài chính Tiêu dùng Prudential Finance (PVFC) tại Việt Nam với giá trị 151 triệu USD (gấp 5,52 lần mệnh giá).
Bên cạnh Shinhan, sự hiện diện của các tập đoàn tài chính Hàn Quốc còn có Tập đoàn Mirae Asset và Tập đoàn Lotte. Lotte Card vừa chính thức mua lại toàn bộ Công ty Tài chính TechcomFinance từ tay Techcombank.
Trả lời báo chí, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - cho biết Vietcombank có kế hoạch bán hơn 350 triệu cổ phiếu (tương ứng 10% cổ phần) cho nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2018, sau khi nhận được chấp thuận từ Chính phủ.
Cần củng cố về chuẩn mực vốn, quản trị
Trao đổi với PV Báo Lao Động - một chuyên gia tài chính ngân hàng - cho biết: “Các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy tiềm năng của thị trường tài chính Việt Nam. Các ngân hàng ở Việt Nam hiện đang trong giai đoạn đầu và còn nhiều điều cần củng cố về chuẩn mực vốn, quản trị và công nghệ. Thêm vào đó, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để phát triển dịch vụ tài chính qua di động khi có tới 53 triệu thuê bao di động, 40 triệu người sử dụng smart phone”.
Theo TS-LS Bùi Quang Tín, việc các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào ngân hàng Việt là tín hiệu tốt vì việc góp vốn sẽ đi kèm với tăng cường cam kết trong quản trị điều hành, chuyển giao các công nghệ.
Giám đốc một NHTMCP cho rằng hiện các NHTM ở Việt Nam đang trích lập dự phòng gần hết số nợ xấu bán cho VAMC. Trong thời điểm hiện tại thị trường bất động sản đang ấm dần lên, mà đa số các khoản nợ xấu đề có tài sản đảm bảo là bất động sản. Vì vậy trong thời gian ngắn tới, khi xử lý được các tài sản đảm bảo, các ngân hàng sẽ có được khoản thu tốt.
Có thể thấy thị trường tài chính tiêu dùng, ngân hàng bán lẻ, ngân hàng trên di động vẫn đang là mảnh đất màu mỡ đối với các nhà đầu tư ngoại. Việc các ngân hàng lựa chọn các đối tác chiến lược tốt để tiếp cận với hệ thống quản trị hiện đại trên thế giới cùng với công nghệ mới.
LAN HƯƠNG
LAO ĐỘNG
|