Thứ Năm, 01/03/2018 08:23

Tháng 2/2018: Một tháng biến động điên rồ của TTCK thế giới

Trong tháng 2 vừa qua, thị trường chứng khoán toàn cầu chứng kiến làn sóng tháo chạy của nhà đầu tư, khởi đầu từ thị trường chứng khoán Mỹ và sau đó lan rộng ra các khu vực khác.

Thị trường chứng khoán Mỹ 

Nỗi lo sợ về lạm phát ngày một hiện rõ. Dow Jones sụt hơn 1,000 điểm không chỉ 1 lần. Và sau đó thị trường chứng khoán Mỹ cũng trở lại mạnh mẽ không kém, hồi phục phần lớn đà sụt giảm trước đó.

Do đó, tháng 2/2018 có lẽ là một trong những tháng điên rồ nhất của Phố Wall kể từ năm 2008.

Dow Jones trượt dốc hơn 3,200 điểm (tương ứng 12%) chỉ trong 2 tuần, rồi lại khởi sắc trở lại và khôi phục 2/3 đà sụt giảm trước đó. Sự biến động điên rồ trên thị trường chứng khoán Mỹ thậm chí còn đáng ngạc nhiên hơn vì nó diễn ra sau một giai đoạn cực kỳ yên tĩnh và trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng mạnh.

“Đó là chuỗi biến động thực sự rất mạnh”, Ed Yardeni, Chủ tịch của công ty tư vấn đầu tư Yardeni Research, cho hay.

Hồi đầu tháng 2/2018, “con tàu” chứng khoán Mỹ phải đối mặt với tình trạng lợi suất trái phiếu nhảy vọt và làm dấy lên mối đe dọa về lạm phát. Nhà đầu tư bỗng trở nên lo ngại rằng nền kinh tế – vốn được thúc đẩy thêm từ các đợt cắt giảm thuế của Đảng Cộng hòa – có thể đang trong tình trạng quá nhiệt và buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải nâng lãi suất nhanh hơn dự kiến.

“Tháng 2 năm nay sẽ được nhớ tới là tháng mà nỗi lo sợ về lạm phát đối mặt với tình trạng giá cổ phiếu cao vượt xa tiêu chuẩn lịch sử”, Peter Kenny, Chiến lược gia thị trường cấp cao tại Global Markets Advisory Group, nhận định.

Nỗi lo về lạm phát đã đẩy Dow Jones và S&P 500 rơi vào tình huống chưa từng có tiền lệ trong 11 tháng: Giảm cực mạnh. Cả 2 chỉ số này đều ghi nhận tháng tồi tệ nhất trong 2 năm.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2/2018, chỉ số Dow Jones lùi 382.07 điểm (tương đương 1.5%) xuống 25,027.96 điểm, chỉ số S&P 500 mất 30.48 điểm (tương đương 1.11%) còn 2,713.8 điểm và chỉ số Nasdaq Composite hạ 57.35 điểm (tương đương 0.78%) xuống 7,273.01 điểm. Trong tháng 2/2018, Dow Jones lao dốc 4.3%, S&P 500 sụt 3.9% và Nasdaq Composite hạ 1.9%.

Tuy nhiên, chỉ mất một thời gian ngắn để thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục khi nhà đầu tư mua cổ phiếu trở lại vì cảm thấy hưng phấn với đà tăng trưởng của nền kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp. Tất cả 3 chỉ số chính đều tăng trong năm 2018, nhưng riêng tháng 2 năm nay, Nasdaq Composite đang giảm 1%.

“Thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục vô cùng mạnh, qua đó làm cho đồ thị giá giống như hình chữ V”, ông Kenny cho hay.

Ngay cả khi thị trường khởi sắc trở lại, nhưng đà hồi phục trông rất mong manh và vẫn chịu tác động từ diễn biến của thị trường trái phiếu.

Hãy nhìn lại phiên giảm 299 điểm của Dow Jones hôm thứ Ba (27/02) sau khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm về sát mức 3%. Sau khi tân Chủ tịch Fed, Jerome Powell, đưa ra triển vọng lạc quan về nền kinh tế và lạm phát, đà bán tháo trên thị trường khiến chỉ số biến động VIX tăng vọt trở lại.

Nỗi lo ở đây là đà tăng vọt bất chợt của lạm phát sẽ buộc Fed phải xoa dịu nền kinh tế bằng việc nâng lãi suất quyết liệt hơn, qua đó chấm dứt sự hưng phấn trên Phố Wall.

“Câu hỏi ở đây là liệu lạm phát có tăng quá nhanh đến nỗi tác động tiêu cực đến thị trường hay không”, David Joy, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường tại Ameriprise, cho hay.

Phố Wall vẫn đang theo dõi sát sao lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm, vì nó giúp thiết lập giá của hầu hết các tài sản khác. Khi lợi suất ở mức thấp (như trước đây), điều này có nghĩa là đầu tư vào trái phiếu không đem lại nhiều lợi tức cho lắm, và khuyến khích nhà đầu tư chuyển hướng sang các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu.

Lợi suất cao hơn cũng làm trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn và gia tăng cả chi phí đi vay của cá nhân cũng như doanh nghiệp.

Lãi suất vẫn đang trên đà tăng nhờ sự cải thiện của nền kinh tế và đề xuất chi tiêu trị giá 300 tỷ USD của Chính phủ, một điều sẽ buộc họ phải vay nhiều tiền hơn.

Tình trạng hỗn loạn trên thị trường chứng khoán Mỹ khởi đầu với nỗi lo về lạm phát và thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, đà giảm mạnh của chứng khoán hồi đầu tháng 2/2018 có lẽ đã trở nên trầm trọng hơn do sự bùng nổ của một khoản đầu tư ít được biết tới là đặt cược vào chỉ số biến động VIX (họ cho rằng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục biến động nhẹ trong thời gian tới).

Khi thị trường chứng khoán yên bình và biến động nhẹ (như trong nhiều tháng qua), những khoản đặt cược này trở nên vô cùng béo bở. Tuy nhiên, khi Dow Jones bất chợt tụt 1,175 điểm trong ngày 05/02/2018, chúng bắt đầu nổ tung.

Câu hỏi của nhà đầu tư là liệu thị trường chứng khoán Mỹ sẽ thoát khỏi tình trạng nguy hiểm hay sẽ trở về lại các mức đáy xác lập trong ngày 09/02/2018 – thời điểm làn sóng bán tháo lên tới đỉnh điểm.

Nếu lạm phát thực sự tăng quá nóng hoặc lợi suất trái phiếu Mỹ nhảy vọt thì thị trường chứng khoán sẽ còn biến động nữa.

Còn nếu điều đó không xảy ra thì nhà đầu tư có nhiều thứ để tỏ ra lạc quan. Triển vọng kinh tế Mỹ vẫn còn rất tốt. Niềm tin tiêu dùng chạm đỉnh 17 năm trong tháng 2/2018.

Bên cạnh đó, lợi nhuận doanh nghiệp – yếu tố thực sự chi phối đến giá cổ phiếu – đang tăng rất mạnh. Lợi nhuận quý 4/2018 của các công ty thuộc S&P 500 được dự báo tăng 15% và chuẩn bị ghi nhận thành quả tốt nhất trong 6 năm, dựa theo dữ liệu từ FactSet. Nhờ các đợt giảm thuế doanh nghiệp và sự cải thiện của nền kinh tế Mỹ, lợi nhuận doanh nghiệp trong năm 2018 được kỳ vọng tăng 18%.

Thị trường chứng khoán châu Á còn giảm mạnh hơn

Shanghai Composite: Sụt 6.4%, tháng tồi tệ nhất từ tháng 1/2016

Hang Seng: Lao dốc 6.2%, tháng tồi tệ nhất từ tháng 1/2016

Nikkei 225: “Bốc hơi” 8.5%, tháng tồi tệ nhất từ tháng 6/2016

Kospi: Giảm 5.4%, tháng tồi tệ nhất từ tháng 6/2013

Ấn Độ: Trượt dốc 5%, tháng tồi tệ nhất từ tháng 2/2016

Thị trường châu Âu cũng chẳng khá khẩm hơn

Đức: “Bốc hơi” 5.7%, tháng tồi tệ nhất từ tháng 1/2016

Tây Ban Nha: Lao dốc 5.9%, tháng tồi tệ nhất từ tháng 2/2016

Italy: Mất 3.8%, tháng tồi tệ nhất từ tháng 6/2016

Vũ Hạo (Theo CNNMoney)

FiLi

Các tin tức khác

>   Dow Jones tụt gần 400 điểm, ghi nhận tháng tồi tệ nhất trong 2 năm (01/03/2018)

>   Chứng khoán châu Á nới rộng đà giảm sau nhận định lạc quan của tân Chủ tịch Fed (28/02/2018)

>   Sụt gần 300 điểm, Dow Jones chứng kiến phiên giảm mạnh nhất trong 3 tuần (28/02/2018)

>   Dow Jones vọt gần 400 điểm khi lo ngại về lãi suất dịu bớt (27/02/2018)

>   Công ty mẹ game Angry Bird mất hơn nửa vốn hóa từ khi IPO (26/02/2018)

>   Goldman Sachs: TTCK Mỹ có thể rớt 25% nếu lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên 4.5% (26/02/2018)

>   Tỷ phú Trung Quốc chi 9 tỷ USD mua cổ phần công ty mẹ Mercedes-Benz (25/02/2018)

>   Đà tăng ngày thứ Sáu giúp Phố Wall khởi sắc trong tuần qua (24/02/2018)

>   Chỉ với một dòng tweet của Kylie Jenner, vốn hóa của Snap "bốc hơi" 1.3 tỷ USD (23/02/2018)

>   GE dự kiến thu về 4 tỷ USD từ đợt chuyển nhượng tài sản đầu tiên (23/02/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật