Sabeco đầu tư lỗ hơn 440 tỉ đồng: đề nghị làm rõ trách nhiệm
Rót vốn vào 10 công ty bị thua lỗ, tổng công ty Sabeco phải trích lập dự phòng tổn thất là 444,7 tỉ đồng. Kiểm toán nhà nước đề nghị Bộ Công thương làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong vụ việc này.
Kiểm toán nhà nước vừa có văn bản gửi Bộ Công thương về kết luận báo cáo kiểm toán báo cáo tình hình tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2016 của Tổng công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sai Gòn (Sabeco, SAB).
Theo đó, Kiểm toán nhà nước nêu rõ công ty mẹ phải trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với 10 khoản đầu tư dài hạn khi có vốn góp dưới 20% vốn điều lệ với số tiền là 444,7 tỉ đồng, bằng 77,8% giá trị đầu tư.
Hầu hết lại là đầu tư trái ngành mà chủ yếu vào lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư tài chính.
Cụ thể: khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Phương Đông được Sabeco trích lập dự phòng 154,1 tỉ đồng.
Ngân hàng TMCP Đông Á: 126, 789 tỉ đồng.
Công ty PVI Sài Gòn: 39,3 tỉ đồng.
Quỹ đầu tư chứng khoán Sài Gòn A2: 33,7 tỉ đồng.
Công ty CP chứng khoán Đại Việt: gần 16 tỉ đồng.
Quỹ đầu tư Việt Nam: 24,8 tỉ đồng.
Công ty CP Du lịch Dầu khí Phương Đông: 23,938 tỉ đồng.
Công ty CP Đầu tư và phát triển không gian ngầm: 1,7 tỉ đồng.
Công ty CP Bia Sài Gòn - Đồng Nai: 3,3 tỉ đồng.
Đặc biệt, khoản đầu tư thứ 10 mà Sabeco rót vốn là mua trái phiếu Vinashin khiến tổng công ty phải trích lập dự phòng hơn 20,8 tỉ đồng, bằng 100% giá trị đầu tư.
Báo cáo kiểm toán cũng nhấn mạnh trong 10 khoản khoản đầu tư trên có số tiền lớn rót vào Ngân hàng TMCP Đông Á. Thực tế, cổ đông không được chuyển nhượng cổ phiếu do Ngân hàng này bị kiểm soát đặc biệt.
Với thực trạng trên, Kiểm toán nhà nước đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Sabeco làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc đầu tư góp vốn, mua trái phiếu tại 10 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ nêu trên.
Ngoài ra, trong báo cáo, Kiểm toán nhà nước còn đề nghị Bộ Công thương xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân tại bộ này trong việc không chia hết lợi nhuận của năm 2016 trở về trước, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Bởi, theo như kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Sabeco phải nộp ngân sách nhà nước còn lại từ năm 2016 trở về trước là 2.495,4 tỉ đồng, tương ứng tỷ lệ vốn nhà nước của công ty mẹ tại thời điểm cuối năm 2016 là 89,59%.
Do lợi nhuận chưa được phân phối đến ngày 31-12-2016 là 2.930 tỉ đồng và chưa được chia cổ tức cho các cổ đông.
Mặt khác, liên quan đến chi thưởng cho ban lãnh đạo của Sabeco trong năm 2016, Kiểm toán nhà nước đề nghị Bộ công thương chỉ đạo làm rõ, xem xét trách nhiệm đối với việc chi thưởng cho người quản lý trong năm 2015 tại công ty mẹ không hợp lý do với người lao động và không đảm bảo quy định.
Theo đó, trong báo cáo Kiểm toán nhà nước đã chỉ rõ Sabeco chi tiền thưởng của năm tài chính 2015 (chi trong năm 2016) cho Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, trưởng ban kiểm soát và kế toán trưởng là hơn 15 tỉ đồng, bằng 20,3 tháng lương thực hiện bình quân của người quản lý. .
Trong khi đó, Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh mức tối đa mà doanh nghiệp được thưởng theo quy định tại nghị định 71 năm 2013 chỉ là 1,5 tháng lương. Và mức thưởng Sabeco đã chi cao hơn mức khen thưởng mà Bộ Công thương chấp thuận tới hơn 12,7 tỉ đồng.
L.THANH - N.AN
TUỔI TRẺ
|