Masan điều chỉnh tăng kế hoạch 2018 lên 4,000 tỷ đồng lãi thuần
CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) vừa quyết định điều chỉnh kế hoạch tài chính năm 2018 cao hơn mức mà Ban điều hành đã công bố trước đây nhờ vào tăng trưởng cao hơn của các công ty thành viên và tình hình thị trường đã cải thiện trong 2 tháng đầu năm 2018.
Kế hoạch 2018 điều chỉnh của MSN
|
Điều chỉnh về triển vọng năm 2018
MSN cho biết, sở dĩ Công ty quyết định điều chỉnh kế hoạch 2018 là do đà tăng trưởng mạnh hơn trong toàn bộ lĩnh vực thực phẩm và đồ uống của Masan Consumer Holdings (MCH) và sức mua các sản phẩm mới tung trong 6-12 tháng gần đây tăng mạnh. Thêm vào đó, giá vonfram hiện tại là 310 USD/mtu - 330 USD/mtu cao hơn mức dự đoán của Ban điều hành là 275USD/mtu.
Đồng thời, lợi nhuận từ công ty liên kết cũng cao hơn so với kế hoạch trước đây và hiệu quả từ việc quản lý chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp hợp nhất, chi phí này ước tính chiếm 15% doanh thu hợp nhất, giảm 19% so với năm 2017.
Theo đó, MSN dự đoán doanh thu thuần năm 2018 sẽ tăng trưởng hơn 20% nhờ vào tăng trưởng hai chữ số của MCH và Masan Resources (MSR).
Trong đó, MCH dự kiến sẽ tăng trưởng thêm khoảng 10% so với kế hoạch trước đây nhờ vào kết quả tăng trưởng của gia vị và thực phẩm tiện lợi cao hơn dự đoán. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần MCH tăng thêm 10% so với kế hoạch chi tiết của Ban điều hành, do đó, doanh thu quý 1/2018 tăng khoảng 70% so với cùng kỳ 2017. Ngoài ra, hàng tồn kho tại nhà phân phối tính đến tháng 2/2018 vẫn giữ ở mức thấp, còn khoảng dưới 3 tuần, tương ứng với 700 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho. Điều này nhất quán với chiến lược của MCH là giữ kỷ luật và duy trì hàng tồn kho tại nhà phân phối ở mức độ thấp và bền vững. Ban điều hành dự tính doanh thu thuần quý 1/2018 đạt khoảng 3,600 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch ban đầu 15%.
Đối với Masan Nutri-Science (MNS), dự kiến quý 1/2018 chỉ đạt khoảng 70-80% kế hoạch ban đầu. Do đó, Ban điều hành đã điều chỉnh kế hoạch 2018 giảm xuống. Dù giá heo bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, Ban điều hành cho rằng giá sẽ chưa tăng mạnh cho đến nửa cuối năm 2018. MNS đang thực hiện đúng lộ trình để giới thiệu sản phẩm thịt mát có thương hiệu vào quý 4/2018 và dự tính sẽ giúp tăng doanh thu và tăng biên lợi nhuận của MNS trong trung hạn.
Kế hoạch năm 2018 của MSR dự kiến điều chỉnh tăng thêm khoảng 10% nhờ vào tình hình thị trường và giá vonfram tăng cao hơn.
Cuối cùng, lợi nhuận thuần sau phân bổ cổ đông thiểu số (đã loại trừ các khoản thu nhập/chi chí bất thường) dự kiến tăng trưởng gấp 3 lần tăng trưởng doanh thu thuần, chủ yếu nhờ vào việc quản lý chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp hiệu quả và tỷ lệ đóng góp của MCH cao hơn. Trong đó, tỷ lệ chi phí quản lý và bán hàng trên doanh thu trong năm 2018 dự kiến sẽ giảm hơn 350 điểm cơ bản so với năm 2017. Những khoản đầu tư một lần ở MCH để giảm hàng tồn kho tại nhà phân phối, và tại MNS để hỗ trợ nhà phân phối và các hộ chăn nuôi đã hoàn tất.
Ban điều hành dự tính MCH đóng góp khoảng 40% doanh thu thuần hợp nhất năm 2018 của Công ty so với mức 36% vào năm 2017, nhờ vậy, biên lợi nhuận hợp nhất của Công ty đạt cao hơn: biên lợi nhuận thuần sau phân bổ cổ đông thiểu số đạt hơn 8% so với mức dự tính trước đây là 7.5%.
Nếu tính luôn kết quả kinh doanh của 2 tháng đầu năm 2018, Ban diều hành dự tính EBITDA tăng trưởng hơn 30% và lợi nhuận thuần sau phân bổ cổ đông thiểu số tăng hơn 1.5 lần trong quý 1/2018 so với cùng kỳ 2017.
Bên cạnh đó, Ban điều hành MSN cũng cho rằng có những rủi ro tiềm tàng đối với kế hoạch kinh doanh 2018 ở mức cao như:
- MNS: Giá nguyên vật liệu có thể tăng cao và MNS không thể quản lý các chi phí này cũng như tăng giá bán các sản phẩm; và giá heo vẫn duy trì mức thấp như hiện tại khoảng 30,000 đồng/kg.
- MCH: Sức mua các sản phẩm mới tung ra của người tiêu dùng giảm hay rủi ro trì hoãn thời gian tung hàng đối với các sản phẩm mới.
- MSR: Giá vonfram giảm xuống dưới mức trung bình là 300 USD/mtu trong năm 2018 và chất lượng quặng không cao như dự tính.
Thái Hương
FIli
|