Thứ Sáu, 16/03/2018 11:02

Liên tục lỗ, AVG được 'mông má' để tăng giá bán ra sao?

Dù số lỗ lũy kế đến đầu năm 2015 là hơn 1.600 tỉ đồng nhưng tại thời điểm thẩm định giá, MobiFone vống lên rằng "doanh thu, lợi nhuận gộp AVG đang tăng dần..."

MobiFone đã chi 8.889 tỉ đồng để mua AVG, sau đó đổi tên AVG thành MobiTV - Ảnh: T.T.D.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, kể từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá, AVG liên tục lỗ, số lỗ lũy kế đến đầu năm 2015 là hơn 1.600 tỉ đồng. Giá trị còn lại của tài sản cố định chỉ là 208,5 tỉ đồng.

Thế nhưng khi bán 95% cổ phần (CP) cho MobiFone, AVG đã được "mông má" để nâng giá lên gấp nhiều lần.

"Dấu hiệu bất thường"

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dù biết rõ AVG đang trong tình trạng bết bát nhưng khi lập dự án đầu tư trình Bộ Thông tin - truyền thông phê duyệt, MobiFone vống lên rằng "doanh thu, lợi nhuận gộp AVG đang tăng dần, các chỉ số đều thể hiện sự tăng trưởng...". 

Thanh tra Chính phủ đánh giá MobiFone cung cấp thông tin, báo cáo không trung thực, chính xác, đầy đủ... Trách nhiệm thuộc về HĐTV, chủ tịch và thành viên HĐTV MobiFone.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra một điều bất thường là giá trị hai tài sản của AVG đầu tư ngoài ngành khi được định giá để bán cho MobiFone đã tăng lên hàng chục lần so với số tiền đầu tư ban đầu.

Cụ thể, AVG sử dụng vốn cho kinh doanh dịch vụ truyền hình chủ yếu là vốn vay và vốn chiếm dụng để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp chiếm tỉ trọng lớn.

Đáng chú ý là việc đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình để mua lại CP tại hai công ty CP giống tằm Mai Lĩnh và An Viên B.P với số tiền gần 2.500 tỉ đồng.

Riêng khoản đầu tư hơn 670 tỉ đồng nhận chuyển nhượng 3,96 triệu CP tại Công ty CP giống tằm Mai Lĩnh cao gấp 17 lần mệnh giá CP.

AVG dự tính khu đất tại Hà Đông mà Công ty CP giống tằm Mai Lĩnh đang sử dụng sẽ được chuyển thành dự án bất động sản, thực tế chưa triển khai, khu đất vẫn đang thuê của Nhà nước.

Riêng khoản đầu tư 1.800 tỉ đồng nhận chuyển nhượng 15 triệu CP tại Công ty CP An Viên B.P cao gấp 12 lần mệnh giá CP.

AVG dự tính trong năm 2016 sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác dự án khai thác mỏ quặng bôxit Thọ Sơn và mỏ Thống Nhất tại tỉnh Bình Phước, thực tế đến nay Công ty CP An Viên B.P chưa được cấp quyền khai thác bôxit.

Thanh tra Chính phủ kết luận việc AVG đầu tư hai khoản ngoài lĩnh vực truyền hình nêu trên có dấu hiệu bất thường nhưng MobiFone vẫn mua, cần được tiếp tục làm rõ.

Vi phạm các tiêu chuẩn thẩm định giá

Theo kết luận thanh tra, các công ty tư vấn được MobiFone thuê xác định giá trị doanh nghiệp AVG đều định giá doanh nghiệp này có giá trị lớn gấp nhiều lần so với con số thực tế mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra.

Cụ thể, kết quả thẩm định giá trị AVG của AASC là 33.299 tỉ đồng, của VCBS là 24.548 tỉ đồng, của Hanoi Valu là 18.519 tỉ đồng, còn của AMAX là 16.565 tỉ đồng.

TTCP khẳng định các kết quả thẩm định này đều không đảm bảo cơ sở pháp lý, không có cơ sở tin cậy, vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn thẩm định giá.

Mặc dù kết quả thẩm định của các đơn vị tư vấn không khách quan, không đảm bảo cơ sở pháp lý, đáng chú ý là AMAX đã sử dụng số liệu đầu vào bất hợp pháp... nhưng MobiFone đã nghiệm thu, đánh giá kết quả thẩm định giá của AMAX là "tuân thủ các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam".

Tổng số tiền theo hợp đồng mà MobiFone đã ký với hai công ty tư vấn là 3,19 tỉ đồng, đã chi số tiền 1,54 tỉ đồng, gây thiệt hại cho MobiFone.

Khi đàm phán giá mua CP, MobiFone sử dụng kết quả thẩm định giá do AMAX xác định để mua CP mà không trừ các khoản nợ phải trả 1.134 tỉ đồng, riêng việc làm này gây thiệt hại 1.134 tỉ đồng.

AMAX đã sử dụng số liệu đầu vào không có cơ sở để xác định "giá trị tài sản vô hình ngoài bảng cân đối kế toán là 13.448 tỉ đồng".

Theo Thanh tra Chính phủ, sau khi loại trừ giá trị tài sản vô hình 13.448 tỉ đồng và loại trừ nợ phải trả 1.134 tỉ đồng thì giá trị vốn chủ sở hữu của AVG tại thời điểm mua bán chỉ là 1.983 tỉ đồng.

"So với giá mua 95% CP của AVG là 8.889 tỉ đồng cho thấy nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỉ đồng" - kết luận nêu rõ.

THÂN HOÀNG

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   HPH: Báo cáo tài chính năm 2017 (16/03/2018)

>   CID: Báo cáo tài chính năm 2017 (16/03/2018)

>   GEG: Báo cáo tài chính năm 2017 (Công ty mẹ) (16/03/2018)

>   FOX: Báo cáo tài chính năm 2017 (16/03/2018)

>   DPP: Báo cáo tài chính năm 2017 (16/03/2018)

>   Không thuê được mặt bằng kinh doanh tại nhà ga mới, CIA có gặp khó khăn? (16/03/2018)

>   UDJ: Báo cáo tài chính năm 2017 (16/03/2018)

>   HNX: Danh sách chứng khoán đăng ký giao dịch của Bảng Cảnh báo nhà đầu tư tại ngày 15/03/2018 (16/03/2018)

>   TNB: Báo cáo thường niên 2017 (16/03/2018)

>   TA3: Nghị quyết HĐQT thông qua kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 (16/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật