Hang Seng bốc hơi hơn 750 điểm
Thị trường chứng khoán châu Á nhuốm sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (28/03), sau khi chứng khoán Mỹ giảm mạnh trước áp lực từ nhóm cổ phiếu công nghệ.
Dẫn đầu đà sụt giảm trong ngày thứ Tư (28/03) là chỉ số Hang Seng của Hồng Kông. Cụ thể, chỉ số này lao dốc 768.3 điểm (tương ứng 2.5%) xuống 30,022.53 điểm, trong đó nhóm cổ phiếu công nghệ tác động tiêu cực nhất. Cổ phiếu Tencent tụt 3.84% và AAC Technologies “bốc hơi” 5.93%.
Nguồn: CNBC
|
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư (28/03), chỉ số Nikkei 225 giảm 286.01 điểm (tương ứng 1.34%) xuống mức 21,031.31 điểm, qua đó xóa bớt đà tăng hơn 2% trong phiên 27/03. Chỉ số Topix lùi 1.02%, với 30/33 lĩnh vực rơi vào trạng thái suy yếu. Lĩnh vực khai khoáng, dầu, và than đá đều rất ảm đạm.
Trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc, chỉ số Kospi hạ 1.34% xuống 2,419.29 điểm khi nhóm cổ phiếu công nghệ nước này giảm theo chứng khoán Mỹ. Cổ phiếu Samsung Electronics rớt 2.56% và SK Hynix mất 1.35%.
Bên cạnh đó, chỉ số Shanghai Composite giảm 1.4% xuống 3,122.22 điểm, còn Shenzhen composite hạ 0.95% xuống 1,812.36 điểm. Chỉ số cổ phiếu vốn hóa lớn CSI 300 hạ 1.8%.
Ở Australia, chỉ số ASX 200 giảm 0.73% xuống 5,789.50 điểm, trong đó tất cả (ngoại trừ 2 lĩnh vực) đều nhuốm sắc đỏ. Trong đó, lĩnh vực hàng tiêu dùng không thiết yếu, nguyên vật liệu và vàng đều giảm hơn 1%, và nhóm cổ phiếu tài chính hạ 0.8%.
Ảnh hưởng tiêu cực từ chứng khoán Mỹ
Đêm qua, cả 3 chỉ số chứng khoán chính trên Phố Wall đều giảm mạnh khi làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ gây áp lực lên thị trường nói chung.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones lùi 344.89 điểm (tương đương 1.43%) xuống 23,857.71 điểm, chỉ số S&P 500 mất 45.93 điểm (tương đương 1.73%) còn 2,612.62 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 211.74 điểm (tương đương 2.93%) xuống 7,008.81 điểm.
Nhiều cổ phiếu công nghệ từng chiếm được nhiều ưu ái của thị trường nay lại tụt dốc, khi nhà đầu tư lo ngại về mức tăng trưởng của các công ty sau diễn biến ngày thứ Ba (27/03). Chỉ số NYSE FANG rớt 5.6% trong ngày thứ Ba, thành quả tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ khi thành lập năm 2014. Đáng chú ý nhất, cổ phiếu Facebook sụt 4.9% xuống 152.22 USD/cp và đã lao dốc gần 15% từ đầu tháng đến nay sau khi Bank of America Merrill Lynch giảm mục tiêu giá lần thứ 2 chỉ trong vòng 5 ngày.
“Tôi nghĩ rằng giá của các cổ phiếu công nghệ đã dần trở nên tách biệt với diễn biến của nền kinh tế thực... Tuy nhiên, đối với chúng tôi, nền kinh tế cơ bản vẫn rất tốt”, ông Colin Graham, CIO của bộ phận giải pháp đa tài sản tại Eastspring Investments, cho hay.
Bên cạnh làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ, nhà đầu tư cũng chú ý tới thông tin cho rằng chính quyền Donald Trump đang xem xét sử dụng một điều luật khẩn cấp để hạn chế Trung Quốc đầu tư vào các công nghệ nhạy cảm với nước Mỹ.
Thực ra thông tin trên cũng không hẳn là thông tin mới lạ, khi trước đó, chính quyền Donald Trump đã chặn đứng thương vụ Broadcom-Qualcomm vì lo ngại về an ninh quốc gia. Điều này cũng đủ khiến nhà đầu tư trở nên quan ngại, David de Garis, Trưởng bộ phận kinh tế tại National Australia Bank, cho biết.
Bên cạnh đó, Tập đoàn SoftBank và Ả-rập Xê-út đã tuyên bố rằng họ đang phát triển một dự án phát điện năng lượng mặt trời lớn nhất trên thế giới. Chi phí dự kiến cho dự án này ở khoảng 200 tỷ USD cho tới năm 2030. Cổ phiếu SoftBank cũng giảm 4.01% trong ngày thứ Tư.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 89.431 vào lúc 14h24 (giờ HK/SIN). Đêm qua, chỉ số này có lúc chạm mức thấp nhất trong 5 tuần.
Về phần thị trường năng lượng, hợp đồng dầu WTI tương lai giảm 0.93% xuống 64.64 USD/thùng và hợp đồng dầu Brent tương lai hạ 0.83% xuống 69.53 USD/thùng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|