Giá heo hơi hôm nay 21/3: Nông hộ nhỏ "chết dần" vì thịt nhập khẩu?
Cập nhật giá heo hơi mới nhất hôm nay 21/3: Giá heo tại miền Bắc những ngày qua ít biến động, tư thương thu mua phổ biến ở mức 32.000-34.000 đồng/kg, giảm từ 2.000-3.000 đồng/kg so với hồi tháng 12/2017. Tại miền Nam, giá heo một số nơi hôm nay tăng nhẹ khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg so với cuối tuần trước, giá phổ biến từ 30.000-32.000 đồng/kg.
Nông hộ nhỏ "chết dần" vì thịt nhập khẩu?
Ông Ngô Thanh Long, giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm tại TP HCM, cho biết nhiều năm qua giá thịt gia súc, gia cầm trên thế giới rất rẻ, thậm chí những mặt hàng phụ phẩm - như của gà - được bán rẻ như cho, nhập về Việt Nam chỉ tốn tiền thuế, phí vận chuyển.
Giá thịt heo nội địa đang phải cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng thịt nhập khẩu. Ảnh minh hoạ
|
Thịt heo nhập khẩu về Việt Nam có nguồn gốc từ Canada, Đức, Hà Lan, mỗi tháng nhập về khoảng 1.000 tấn, với mức giá từ 1.200-2.500 USD/tấn (từ 30.000-50.000 đồng/kg, tùy loại). Thịt bò Úc, Mỹ, mỗi tháng nhập khoảng 1.000 tấn, với giá 2.000 USD/tấn.
Thịt trâu nhập khẩu từ Ấn Độ, mỗi tháng nhập hơn 10.000 tấn, được tiêu thụ khá nhiều và được người bán giới thiệu là thịt bò. Mặt hàng này có giá nhập khẩu về đến Việt Nam chưa tới 1.200 USD/tấn, chỉ tương đương 30.000 đồng/kg nhưng khi tiêu thụ trên thị trường có giá bán tăng lên gấp đôi, từ 60.000-70.000 đồng/kg.
Trong khi đó, thịt heo trong nước bán lẻ trên thị trường chỉ dao động từ 80.000-150.000 đồng/kg, tùy loại. Tương tự, thịt bò trong nước có giá bán lẻ từ 180.000-260.000 đồng/kg. Giá thịt gà dao động từ 45.000-60.000 đồng/kg. Do giá thịt gia súc, gia cầm trong nước cao nên hàng ngoại nhập cùng loại được các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, các quán ăn, bếp ăn công nghiệp chọn sử dụng nhiều.
Nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang rất chật vật để duy trì đàn heo trong bối cảnh giá heo giảm sâu kéo dài. Ảnh minh hoạ
|
Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá bán xuất chuồng tại các trại chăn nuôi xuống thấp, đẩy người chăn nuôi bị thua lỗ triền miên.
Giới kinh doanh cho biết thời điểm trước Tết do giá sản phẩm gà ở Mỹ xuống thấp nên nhiều doanh nghiệp tranh thủ nhập về với số lượng khá lớn, khoảng gấp đôi so với những tháng thông thường nhưng chỉ cần 2 tháng là tiêu thụ hết sạch. Ngoài nguồn nhập khẩu chính thức, sản phẩm gia súc, gia cầm còn được tuồn vào thị trường Việt Nam theo dạng tạm nhập tái xuất với số lượng rất lớn. Hai nguồn thịt này đã thao túng thị trường khiến giá chăn nuôi trong nước không thể nhích lên nổi.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết giá thành chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Việt Nam thời gian qua còn khá cao so với khu vực (so với các nước tiên tiến trên thế giới thì còn cao hơn). Chẳng hạn, giá chăn nuôi heo cao hơn từ 25%-30%, gia cầm cao hơn 15%, sản xuất trứng gia cầm cao từ 12%-13% so với khu vực. Đơn cử, giá thành chăn nuôi gà ở Thái Lan chỉ khoảng 20.000 đồng/kg, còn trong nước có thời điểm lên đến 27.000-28.000 đồng/kg.
Sở dĩ giá thành chăn nuôi gà trong nước cao là do giá thức ăn chăn nuôi quá cao, con giống chưa được cải thiện và hệ thống chuồng trại còn thô sơ. Tuy nhiên, từ khi thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm xuống 0% (trước đây từ 5%-10%) đã góp phần kéo giảm giá thành chăn nuôi trong nước. Hiện nay giá thành chăn nuôi heo trong nước giảm còn khoảng 34.000 đồng/kg nhưng vẫn cao hơn Thái Lan 4.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay giao dịch phổ biến từ 30.000-34.000 đồng/kg
Theo ghi nhận, giá heo hơi hôm qua tại Trà Vinh tăng đột biến 3.000 đồng/kg, lên 32.000 đ/kg; TP. Hồ Chí Minh cũng tăng nhẹ 1.000 đ/kg lên 31.000 đồng/kg. Các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu hiện đạt 29.000 đ/kg, Cà Mau 31.000 đ/kg.
Tại miền Bắc, giá heo hôm nay dao động phổ biến từ 32.000-34.000 đồng/kg, giảm từ 2.000-3.000 đồng/kg so với hồi tháng 12/2017.
Tại Chợ đầu mối gia súc – gia cầm Hà Nam, từ lâu nay đã được coi là chợ đầu mối lợn lớn nhất miền Bắc. Trước thời điểm giá lợn hơi giảm đáy chạm sàn vào tháng 4/2017, ở đây mỗi ngày có đến 1.800 – 2.000 con lợn được các lái thương giao dịch rồi từ đây phân phối đi thành phố Hà Nội và toàn miền Bắc.
Song, hiện nay theo ban quản lý chợ đầu mối gia súc – gia cầm Hà Nam, số lượng lợn giao dịch tại chợ đã giảm xuống mỗi ngày chỉ còn 600 – 700 đầu lợn được giao dịch, tức đã giảm 2/3 so với trước kia.
Anh Duy, một người làm nghề buôn lợn tại Chợ đầu mối gia súc – gia cầm Hà Nam cho biết: “Trước kia mỗi ngày có hàng trăm xe chở lợn ra vào chợ. Giờ giá lợn giảm xuống thấp quá nên người dân người ta sợ không dám nuôi”.
Giá lợn hơi tại Chợ đầu mối gia súc – gia cầm Hà Nam cập nhật ngày 15/3/2018 theo như lời thương lái ở đây như sau: Lợn ngon loại 1 có giá 32.000 đồng/kg đến 34.000 đồng/kg. Lợn loại 2 có giá quanh mức 30.000 đồng/kg.
Theo Cục Chăn nuôi, hiện nước ta có đàn lợn khoảng 29 triệu con, đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 ở châu Á, nằm trong top 15 nước có đàn lợn lớn nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng đàn lợn; giai đoạn 2007 – 2017 đạt 0,91%/năm. Sản lượng thịt lợn trong năm 2016 đã đạt mức kỷ lục với 3,36 tấn, tăng 5% so với năm 2015 và đứng thứ 7 trên thế giới sau Trung Quốc, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Braxin và Nga.
Hiện tại, ước tính có 3 triệu cơ sở chăn nuôi lợn trên cả nước và khoảng 500.000 hộ chăn nuôi sẵn sàng tham gia nuôi khi lợn được giá.
Thiên Ngân
Dân Việt
|