Thứ Hai, 26/03/2018 10:31

FMC sẽ hoạt động như thế nào khi về tay chủ mới?

ĐHĐCĐ thường niên 2018 của CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) bước đầu chỉ mới có sự tham gia vào HĐQT và Ban kiểm soát của nhóm cổ đông mới, còn lại các chỉ tiêu về kế hoạch vẫn chưa có nhiều biến động.

ABTPAN chính thức đưa người vào HĐQT và BKS

Vào tháng 11/2017, Hùng Vương (HVG) đã chính thức rút khỏi Sao Ta để nhường chỗ cho Thủy sản Bến Tre (ABT) và PAN Group (PAN). Cuộc sang nhượng này khi đó hẳn cũng không gây nhiều bất ngờ đối với nhà đầu tư vì trước tình cảnh nợ nần chồng chất, HVG đã phải bán nhiều lô đất vốn là "của để dành" bao năm qua, rồi đến cuộc chia ly với "con tôm béo" FMC và gần đây nhất là nguồn cung ứng thức ăn chăn nuôi tâm đắc - Việt Thắng (VTF). Những cuộc "bán con" này của HVG có đem lại một cơ thể tài chính lành mạnh hay không thì vẫn chờ thời gian trả lời. Nhưng trước mắt, sau khi rời HVG, một trong số những đứa con đó đang cơ cấu lại nhân sự và đặt kế hoạch khá thận trọng trong năm đầu tiên rời chủ cũ để vào tay chủ mới.

ĐHĐCĐ thường niên vào cuối tuần qua của FMC đã cho thấy bước đổi thay lớn nhất là Chủ tịch Hồ Quốc Lực sẽ không còn kiêm nhiệm chức Tổng Giám đốc, mà lên "ghế nóng" này chính là ông Phạm Việt Hoàng (Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ trước đó) với thời gian 2 năm.

Đồng thời, Đại hội cũng miễn nhiệm vị trí Thành viên HĐQT đối với ông Hà Việt Thắng (Phó Chủ tịch), ông Mã Ích Hưng và Thành viên BKS Nguyễn Thanh Tùng. Thay vào đó là người của ABT và Pan Group (chiếm lần lượt trên 20% và 30% vốn FMC) là bà Nguyễn Thị Trà My (Phó Chủ tịch) và ông Đặng Kiết Tường vào HĐQT, ông Nguyễn Văn Nguyên vào Trưởng Ban kiểm soát.

Rút kinh nghiệm từ rủi ro năm 2017, FMC đặt kế hoạch thận trọng trong năm 2018

Với bộ máy vừa mới vừa cũ, năm 2018, FMC đặt kế hoạch doanh thu tiêu thụ đạt 4,350 tỷ đồng (tăng gần 34% so năm 2017); lợi nhuận trước thuế ít nhất 140 tỷ đồng (giảm nhẹ so mức 142 tỷ đồng năm 2017) và cổ tức 20% tiền mặt. FMC cũng sẽ phát hành 1.2 triệu cp ESOP với giá 10,000 đồng/cp theo tỷ lệ 3.08%.

Cổ đông cũng thắc mắc vì sao biên lợi nhuận năm 2017 tăng trưởng khá tốt so với các năm trước nhưng năm 2018 FMC đề ra chỉ tiêu giảm xuống. Ban lãnh đạo FMC cho biết, biên lợi nhuận năm 2017 cao do nuôi tôm trúng vụ, nhưng năm 2018 không dám chủ quan xây dựng cao sợ không đạt, nên chỉ xây dựng mức vừa phải.

Hiện Công ty có vùng nuôi 160ha thuộc đất dự án. Ban đầu FMC nuôi tôm từng bước để tích lũy kinh nghiệm và từ từ hoàn thiện quy trình chăn nuôi. Năm qua Công ty đã thả nuôi 3/5 diện tích đất và năm nay nuôi hết 5/5 diện tích đất. Nguyên liệu từ vùng nuôi chỉ đáp ứng 10% nhu cầu của Công ty. Trong khi đó, ngành chế biến thủy sản phụ thuộc rất nhiều vào tình hình nguyên liệu vì tôm cần thời gian và có tính thời vụ. Thêm vào đó, hiện công suất chế biến các nhà máy chỉ khoảng 50%. Để tăng công suất chế biến phải có sự tính toán mang tính rủi ro là chuẩn bị nguyên liệu trữ kho.

Còn tồn kho năm 2017 của FMC tăng do có nhiều hợp đồng trong quý 1/2018. Trong khi quý 1 rất ít nguyên liệu do đây là thời điểm chuẩn bị ao nuôi nên FMC phải trữ sẵn tồn kho. FMC cho biết đã xuất nhiều trong tháng 1/2018, nhờ đó doanh số tháng 1 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2017.

Cụ thể kết quả của năm 2017, FMC thực hiện được 3,248 tỷ đồng doanh thu thuần và 122 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt kế hoạch đề ra 30%. Cổ tức 45% bằng tiền mặt.

Để đạt được kết quả này, năm qua đối với FMC cũng là một năm kinh doanh bất trắc do "người tính không bằng trời tính". Cụ thể, đầu năm 2018, Ban lãnh đạo FMC dự báo thời tiết thuận lợi cho việc nuôi tôm, khả năng sản lượng tôm nuôi sẽ tăng đáng kể so các năm trước, từ đó tác động tích cực tới chính sách bán hàng của FMC. Công ty đã ký sớm nhiều hợp đồng lớn nhằm tranh thủ giá tôm nguyên liệu khi vào chính vụ sẽ sụt giảm.

Tuy nhiên, theo thị trường khi đó, cân đối chung cho tất cả nhà máy từ miền Trung trở vào thì sản lượng nguyên liệu không dư thừa, thậm chí còn thiếu cục bộ do các nhà máy đều chủ động đơn hàng từ sớm. Theo đó, khi tôm vào vụ, giá cả tôm nguyên liệu không sụt giảm như dự kiến, thậm chí còn tăng nhẹ. Điều này làm giảm sút mạnh hiệu quả các hợp đồng đã ký sớm. Vì thế, FMC đã phải điều chỉnh một số giải pháp như các đơn hàng giá thấp hơn phải khẩn trương trả nợ ngay nhằm giảm thiệt hại...

Bù lại, về hoạt động nuôi tôm, FMC đã chủ động thả giống hàng loạt ngay trong tháng 3 âm lịch (là tháng nóng nhất và cơ quan chức năng khuyến cao không thả vào thời điểm này). Nhờ đó, vụ tôm chính vụ năm 2017 FMC trúng lớn nhất trong 5 năm nuôi tôm, cộng với giá nguyên liệu tốt, FMC mang về lợi nhuận 52 tỷ đồng, trong khi vụ chính năm 2016 chỉ 14 tỷ đồng.

Như vậy, với số tiền lãi từ nuôi tôm đã đủ bù đắp được vào phần thiếu hụt trong lĩnh vực chế biến và giúp vượt chỉ tiêu kế hoạch 2017.

Về vấn đề cổ tức năm 2017, cổ đông thắc mắc vì sao lại đưa ra con số 45% tiền mặt, tương ứng khoảng 148 tỷ đồng, trong khi đó lợi nhuận sau thuế năm 2017 đạt được chỉ 122 tỷ thì FMC lấy nguồn đâu để chia? Ban lãnh đạo cho biết, cổ tức năm 2017 cao là do ý chí của cổ đông lớn lúc đó (HVG) muốn chia cổ tức nhiều. Còn nguồn chia cổ tức sẽ được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối.

POR12 ở mức 25% do có sự sai sót?

Tại Đại hội, khá nhiều cổ đông đã có ý kiến về hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Cụ thể, liên quan đến giả định thuế chống bán phá giá (POR12) ở mức 25% thì HĐQT FMC giải quyết như thế nào?

Ban lãnh đạo FMC cho biết, vụ kiện tôm mỗi năm xem xét hành chính một lần. Mức thuế sơ bộ POR12 là 25.39%. Mức thuế này gây bỡ ngỡ cho tất cả các doanh nghiệp tôm Việt Nam cũng như các công ty mua tôm ở Hoa Kỳ. Bởi vì họ tin rằng trong số các nhà máy tôm Việt Nam mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) từng qua xem xét hồ sơ thì FMC là nhà máy có sự chuẩn bị sổ sách tốt nhất. Cho nên họ rất an tâm khi FMC là bị đơn bắt buộc đại diện cho cộng đồng tôm Việt Nam xuất vào Hoa Kỳ và dự kiến thuế suất khoảng 1%.

Tuy nhiên, một ngày sau khi có công bố thuế sơ bộ thì luật sư của FMC tiếp cận sổ sách của DOC và phát hiện DOC có sự sai sót trong xử lý dữ liệu. Luật sư đã phản ánh và DOC đã ghi nhận. Tháng 7/2018, DOC sẽ qua FMC thẩm tra sổ sách. "Trong vụ kiện lần này không có yếu tố bất lợi cho FMC do bên nguyên đơn không cung cấp hồ sơ gì cho DOC" - Ban lãnh đạo FMC khẳng định.

Về cơ cấu thị trường của FMC trong 3 năm 2015-2017 thì thị trường Nhật Bản tương đối ổn định, Hoa Kỳ từ 40% năm 2015 sụt còn 27% năm 2017; thị trường EU từ 16% tăng lên 29%. Có sự dịch chuyển mạnh từ thị trường Hoa Kỳ sang EU. FMC vẫn xác định thị trường Nhật là chiến lược, kế đến là EU. Tuy nhiên vẫn phải duy trì thị trường Hoa Kỳ mặc dù biên lợi nhuận từ thị trường này thấp nhưng dung lượng lớn và size cỡ dễ dãi.

Còn đối với thị trường Úc, Ban lãnh đạo FMC cho biết, Úc có hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt, chú trọng kiểm virus gây bệnh đầu vàng đốm trắng trên tôm mà virus này thì phổ biến ở Việt Nam. Cho nên để an toàn, các nhà máy tôm Việt Nam chỉ bán tôm sau sơ chế như tôm tẩm bột, hấp chín... vào thị trường Úc. Hiện nay FMC cũng có bán tôm sau sơ chế vào Úc.

Một số cổ đông cũng đề nghị FMC mở rộng thị phần hàng nội địa. Về vấn đề này, Ban lãnh đạo FMC cho biết, tỷ lệ hàng nội địa của FMC hiện nay dưới 2%. Xu thế hàng nội địa chưa thể tăng được do FMC chưa chủ động tham gia vào mảng nội địa. Hàng nội địa này chủ yếu từ phế phẩm và cũng không mong muốn tỷ lệ phế phẩm tăng.

Theo FMC, việc đầu tư một nhà máy kết hợp giữ xuất khẩu và nội địa thì sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, cũng cần xem xét sự tương đồng giữa phân khúc trong nước và sản phẩm của mình. Thu nhập bình quân người dân Việt Nam thấp hơn nước ngoài và ngoại trừ một số dân văn phòng do điều kiện thời gian hạn hép có thể sử dụng sản phẩm làm sẵn đông lạnh, còn đa phần người dân có thói quen sử dụng sản phẩm tươi. Hơn nữa, vì các nhà máy của FMC hiện nay đang chế biến hàng xuất khẩu nên để làm hàng nội địa phải chuẩn bị thêm nhà máy với đầy đủ các bộ phận nhân sự. Vì vậy FMC chưa mạnh dạn tham gia thị trường nội địa.

Hoàng Nguyên

Fili

Các tin tức khác

>   LDP: Nghị quyết HĐQT (26/03/2018)

>   HVX: Thông báo ngày ĐKCC tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 (26/03/2018)

>   HDB: Thông báo ngày ĐKCC tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 (26/03/2018)

>   L62: Gia hạn họp ĐHĐCĐ thường niên 2018 (26/03/2018)

>   GTS: Báo cáo tài chính năm 2017 (Công ty mẹ) (26/03/2018)

>   GTS: Báo cáo tài chính tổng hợp năm 2017 (26/03/2018)

>   AMS: Báo cáo tài chính năm 2017 (Công ty mẹ) (26/03/2018)

>   CMF: Nghị quyết HĐQT (26/03/2018)

>   BTB: Báo cáo thường niên 2017 (26/03/2018)

>   Hé lộ công ty chứng khoán thứ 8 đăng ký kinh doanh chứng khoán phái sinh (26/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật