Doanh nghiệp cần bình tĩnh với thị trường Mỹ
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhìn nhận như vậy bên lề buổi lễ công bố Báo cáo xuất nhập khẩu 2017 tổ chức ngày 22-3 tại TP HCM
. Phóng viên: Thưa ông, gần đây, rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị áp mức thuế chống bán phá giá cao vô lý. Bộ Công Thương nhận định gì về điều này?
- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Đây là sự thay đổi chính sách tương đối đột ngột. Bởi lẽ, trong 70 năm qua, kể từ khi Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) ra đời năm 1947 và sau này là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các thành viên đã đi theo xu thế là tự do hóa thương mại (toàn cầu hóa).
Đến giờ phút này, chúng ta chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa biệt lập của một trong các đối tác thương mại lớn nhất trên toàn cầu là Mỹ. Sự việc xảy ra không chỉ gây bất ngờ cho Việt Nam mà còn cho các đối tác thương mại khác trên thế giới. Các nước đều rất quan ngại về những biện pháp mà Mỹ có thể áp dụng.
Dù rất quan ngại, đặc biệt đâu đó cũng có những ý kiến đòi trả đũa hành động đó của Mỹ nhưng nhìn chung, các nước vẫn mong muốn duy trì đối thoại với chính quyền Mỹ. Họ không muốn khơi mào một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Bởi lẽ, cuộc chiến này không ai có thể thắng mà sẽ phá tan thành quả của hệ thống thương mại đa phương mà tất cả hơn 160 nước đã dày công xây dựng.
Do đó, khi nhìn vào bức tranh lớn như vậy, chúng ta cần có cách phản ứng là bình tĩnh, tuyệt đối không có hành động phản ứng tức thời làm phức tạp thêm tình hình.
. Vậy Bộ Công Thương chuẩn bị ra sao để hỗ trợ doanh nghiệp (DN)?
- Thực tế, ngay từ khi các vụ việc đó manh nha khoảng năm 2016, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các DN, nhất là các DN trong ngành đang chịu ảnh hưởng lớn như thép, thủy sản.
Chẳng hạn, ngay từ thời đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), để giải quyết vấn đề cá tra, Việt Nam và Mỹ đã có lá thư song phương và đây là một phần không thể tách rời của TPP. Chúng ta đã đề nghị và Mỹ cũng đồng ý cam kết phối hợp tích cực với chính phủ Việt Nam để xử lý dứt điểm vấn đề công nhận tương đương cho Việt Nam. Nói vậy để thấy rằng từ rất lâu, Chính phủ đã đồng hành cùng DN nhằm đoán định và hỗ trợ DN.
Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành cùng DN nhưng ưu tiên đối thoại, đồng thời sẽ tham vấn với chính phủ Mỹ về các vấn đề của Việt Nam, đặc biệt là hai mặt hàng thép và thủy sản trong thời gian tới.
Với DN, chúng tôi kêu gọi cộng đồng DN bình tĩnh và cố gắng hỗ trợ Chính phủ trong cuộc đối thoại với Mỹ. Bộ sẽ tiếp tục làm việc với DN, chuẩn bị kế hoạch tổng thể hơn để có thể ứng phó với bất kỳ vấn đề gì phát sinh trong thương mại quốc tế.
. Không chỉ thị trường Mỹ, các thị trường khác cũng tăng cường xu hướng bảo hộ thương mại. Vậy DN cần chủ động ứng phó như thế nào?
- Hiện tất cả thành viên của WTO đều mong muốn có cuộc đối thoại thẳng thắn với Mỹ, kể cả Việt Nam, từ đó có thể đưa ra giải pháp làm giảm nhẹ các biện pháp hiện nay mà Mỹ áp dụng. Tôi cho rằng hệ thống thương mại toàn cầu đã hình thành 70 năm rồi, chắc chắn sẽ tìm ra giải pháp để vượt qua được những tác động bất lợi trên thị trường.
Còn về phía DN Việt, khi cơ thể mạnh khỏe thì có thể ra gió và không ngại bất kỳ điều kiện thời tiết nào. Do đó, DN trong nước làm sao sản xuất ra được sản phẩm có giá thành tốt nhất, chất lượng tốt là điều quan trọng, bên cạnh việc tìm kiếm thị trường mới, đầu vào rẻ… Phải đầu tư để chính DN vững mạnh, ứng phó với những biến động từ bên ngoài và Chính phủ chắc chắn sẽ đồng hành cùng DN.
THÁI PHƯƠNG ghi
Người lao động
|