Bài cập nhật
ĐHĐCĐ SASCO: Kế hoạch 2018 là thách thức vì tình hình không đơn giản
“Kế hoạch 2018 đặt ra là một thách thức với SASCO vì tình hình không đơn giản như vậy. Tuy nhiên, Công ty sẽ làm được và làm vượt kế hoạch. Bởi vì, ACV là công ty mẹ đang nắm tỷ lệ chi phối và là động lực phát triển của SASCO. Hoạt động và kế hoạch của SASCO gắn bó chặt chẽ với chỉ đạo của Ban lãnh đạo ACV”.
SASCO tổ chức ĐHĐCĐ thường niên sáng ngày 27/03/2018
|
Sáng ngày 27/03/2018, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO, UPCoM: SAS) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên trình cổ đông kế hoạch 2018 khá thận trọng. Dựa trên những đánh giá về tính cạnh tranh của thị trường kinh doanh và chi phí khai thác mặt bằng tăng, Công ty kỳ vọng thu về 2,625 tỷ đồng tổng doanh thu trong năm 2018, trong đó doanh thu sản xuất kinh doanh thuần ước đạt gần 2,500 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 370 tỷ đồng. Các chỉ tiêu trên đều chỉ tăng nhẹ 4-6% so với thực hiện 2017.
Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế năm 2017 của Công ty tăng hơn 17% so với năm 2016 và vượt tới gần 60% kế hoạch cả năm, ghi nhận gần 350 tỷ đồng. SAS dự kiến chi gần 283 tỷ đồng từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2017 chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 21.2% (2,120 đồng/cp). Trong đó, SAS đã tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 6%, dự kiến chi trả cổ tức đợt cuối tỷ lệ 15.2%.
Tại đại hội, ông Nguyễn Hạnh – Chủ tịch HĐQT cho biết, kế hoạch 2018 đặt ra là một thách thức với Công ty vì tình hình không đơn giản như vậy. Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ làm được và làm vượt kế hoạch. Đồng thời chia sẻ thêm “ACV là công ty mẹ và là động lực phát triển của SASCO. Hoạt động và kế hoạch của SASCO gắn bó chặt chẽ với chỉ đạo của Ban lãnh đạo ACV”.
Được biết, trong năm 2017, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam đã bán ra hơn 1.56 triệu cổ phiếu SAS, giảm tỷ lệ sở hữu từ 51% xuống 49.07% và không còn là công ty mẹ của SASCO. Tuy nhiên, theo ông Hạnh, ACV vẫn đang chiếm tỷ lệ chi phối tại SASCO.
Kế hoạch kinh doanh năm 2018
|
Trong năm 2018, SAS sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh phòng khách CIP tại nhà ga quốc tế Cam Ranh (T2), tiến hành cung cấp suất ăn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, thí điểm cung cấp dịch vụ suất ăn cho 6 đoàn tàu SE gồm bữa chính và bữa phụ. SAS cũng hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cải tạo mặt bằng ga Sài Gòn phù hợp với mục đích kinh doanh phục vụ nhu cầu hành khách đi tàu (bao gồm các cửa hàng ăn uống, cửa hàng bán lẻ và phòng khách).
Bên cạnh việc mở rộng hoạt động kinh doanh phòng khách CIP tại nhà ga quốc tế Cam Ranh T2, ngày 05/03 vừa qua, SAS đã quyết định thành lập chi nhánh công ty tại Khánh Hòa có địa chỉ ngay Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh với ngành nghề chính là kinh doanh hàng miễn thuế.
Như vậy, dựa trên kế hoạch mở rộng kinh doanh năm 2018, ứng viên sáng giá thay thế CIAS thuê được mặt bằng kinh doanh bán hàng miễn thuế tại nhà ga hành khách quốc tế mới T2 tại Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh nhiều khả năng là SASCO. Trước đó, Nhà ga Quốc tế Cam Ranh (CRTC) cho biết không thể bố trí mặt bằng kinh doanh bán hàng miễn thuế tại ga T2 cho CTCP Dịch vụ sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIAS – HNX: CIA), nguyên nhân là đã có thỏa thuận hợp tác với một đơn vị khác.
Hai thành viên HĐQT và Trưởng ban kiểm soát từ ACV xin từ nhiệm
Tại đại hội, ông Nguyễn Hạnh cho biết, Công ty đã nhận được đơn xin từ nhiệm của hai thành viên HĐQT là ông Phan Lê Hoan và ông Đặng Tuấn Tú, cùng bà Huỳnh Thị Diệu – Trưởng Ban kiểm soát Công ty xin từ nhiệm kể từ ngày 26/03/2018.
Được biết, đây đều là các đại diện từ ACV và ba thành viên này được điều chuyển và từ nhiệm theo sự phân công của ACV.
Do vậy, tại đại hội, HĐQT SASCO đã trình và được các cổ đông thông qua việc miễn nhiệm ba thành viên nói trên và bầu bổ sung thành viên HĐQT và thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2015-2019. Trong đó, bà Trần Thị Minh Nguyệt và ông Nguyễn Nam Tiến được bầu bổ sung vào HĐQT SASCO, ông Chu Khánh Toàn được bầu bổ sung vào Ban kiểm soát.
Miếng bánh dịch vụ hàng không đã quá ngon, SASCO không mặn mà mở công ty bay
Trả lời ý kiến cổ đông SASCO có nghĩ đến vấn đề mở công ty bay hay không, ông Nguyễn Hạnh cho biết ông tâm niệm một điều nếu làm ngành nào thì nên theo ngành đó, tập trung vào những gì mình biết, lĩnh vực nào mình mạnh thì mình làm. Với việc mở công ty bay, ông cho hay, SASCO không mặn mà lắm.
Ông đã phát triển sân bay còn những hàng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjer Air, Jestar họ có thế mạnh trong phát triển đội bay thì cứ để họ làm, mình không cạnh tranh thêm miếng bánh đó nữa. "Miếng bánh SASCO đang nắm ngon quá rồi", ông Hạnh nói.
Ông Hạnh xác nhận ông có rất nhiều cơ hội, nhiều người mời mua cổ phần của các hãng hàng không lớn nhưng SASCO làm với hàng không là tâm niệm của ông và sân bay là điều mà ông tập trung. Theo ông, vừa làm hàng không vừa làm sân bay chẳng khác gì "vừa đá bóng, vừa thổi còi".
Cổ phiếu SASCO chỉ nên để đầu tư lâu dài?
Chia sẻ chân thành với các cổ đông, ông Hạnh cho rằng đầu tư vào cổ phiếu SASCO không hấp dẫn lắm. Giá chỉ nằm đâu đó trong khoảng 28,000-30,000 đồng/cp và không có tính thanh khoản, hầu hết chỉ giao dịch vài trăm đến vài ngàn cổ phiếu mỗi phiên. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông. Nhưng để đầu tư lâu dài thì SASCO là một doanh nghiệp khá an toàn.
Được biết, cổ phiếu SAS của SASCO được đánh giá là hấp dẫn nhưng lượng cổ phiếu sẵn sàng tự do giao dịch có tỷ lệ thấp bởi các cổ đông tổ chức, cổ đông lớn tại SASCO không sẵn sàng bán ra. Ngoài ACV đang sở hữu 49.07% cổ phần của SAS, phần lớn số cổ phần còn lại đang thuộc về nhóm đầu tư của ông Nguyễn Hạnh (Johnathan Hạnh Nguyễn) với đại diện từ CTCP Xuất nhập Liên Thái Bình Dương, Mỹ phẩm Châu Âu và Mỹ phẩm Duy Anh.
Về dài hạn, ông Hạnh Nguyễn cho rằng, SASCO sẽ phát triển và phát triển theo hướng từng bước chắn chắn, không dàn trải. Công ty đã có kế hoạch trong 5-10 năm, kế hoạch này sẽ đi cùng với ACV và hoạt động của SASCO. Cụ thể hơn, kế hoạch dài hạn sẽ tập trung hoàn toàn vào thương hiệu, sản phẩm mà SASCO có, cũng như tập trung vào đầu tư sân bay. Chẳng hạn, SASCO đã được mời vào hoạt động trong sân bay Cam Ranh để vận hành hai business lounge - lĩnh vực có tỷ lệ lãi cao và nếu Công ty được phép đầu tư các dịch vụ khác nữa thì trong kế hoạch dự trù 2019-2020, SASCO luôn có vị trí trong các dự án đó.
Ngoài ra, Chủ tịch cũng chia sẻ ông rất có thế mạnh về mảng du lịch nên SASCO đã có một phương án tổ chức tập trung vào du lịch. Trước hết là tại Phú Quốc, Phú Quốc là một trong ba khu đặc khu kinh tế và hạ tầng cơ sở đã đầy đủ, SASCO cũng đã có vị thế tại đây. Do vậy, Công ty sẽ tập trung vào Phú Quốc trước, sau đó sẽ lấn sân qua các đặc khu kinh tế khác. Theo ước tính của SASCO, doanh số du lịch tại 3 đặc khu này từ 5-10 tỷ USD thì Công ty cũng phải đạt tỷ lệ chiếm hàng trăm triệu USD.
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu SAS trong 1 năm trở lại đây
Thu Phong
Fili
|