Thứ Bảy, 31/03/2018 11:33

Bài cập nhật

ĐHĐCĐ OCB: Nhiều mục tiêu tham vọng trong năm 2018, dự kiến lên HOSE vào cuối quý 3

“Năm 2017, OCB có kế hoạch niêm yết trên HOSE nhưng chưa triển khai được, vì vậy HĐQT tiếp tục trình cổ đông xem xét và thông qua tại đại hội năm nay. Khả năng cao là OCB sẽ niêm yết trên HOSE trong năm 2018 và chậm nhất là khoảng thời gian cuối quý 3 - đầu quý 4 sẽ lên sàn”.

Đây là chia sẻ của ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức sáng ngày 31/03/2018 - ngày cuối cùng của quý 1/2018.

Được biết, ban đầu OCB có kế hoạch đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM, nhưng Ban lãnh đạo xét thấy sau đó lại phải chuyển cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE thì làm luôn một thể. Năm ngoái, HĐQT OCB đã trình cổ đông về kế hoạch lên HOSE nhưng chưa triển khai được, khả năng cao việc niêm yết sẽ được thực hiện trong năm nay và chậm nhất là cuối quý 3 - đầu quý 4 sẽ lên sàn.

Trả lời đề nghị của cổ đông về việc chia cổ tức bằng tiền mặt, ông Trịnh Văn Tuấn cho rằng, những năm trước thì cổ phiếu của Ngân hàng thấp hơn mệnh giá, nhưng đến nay đã vượt mệnh giá rất xa nên chia bằng cổ phiếu có lợi hơn cho các cổ đông. Cổ đông có thể cân nhắc về điều này.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) diễn ra sáng ngày 31/03/2018

Mục tiêu lợi nhuận tham vọng đạt 2,000 tỷ đồng năm 2018, kết thúc quý 1 đã hoàn thành 30%

Trải lòng trước các cổ đông, ông Tuấn đánh giá OCB trong 5 năm qua đã làm được rất nhiều việc, khẳng định được vị thế của mình từ một ngân hàng nhỏ có nhiều thứ chưa hoàn thiện thành một ngân hàng có tốc độ tăng trưởng gấp đôi trung bình ngành. 5 năm qua, lợi nhuận hàng năm của OCB liên tục tăng gấp đôi. Tỷ suất sinh lợi 2 năm vừa qua nằm trong top 6 thị trường. OCB cũng là ngân hàng đầu tiên hoàn tất triển khai dự án chuẩn Basel II và triển khai ngân hàng hợp kênh đầu tiên tại Việt Nam.

Theo Ban lãnh đạo OCB, dựa trên kết quả kinh doanh đạt được trong năm 2017 và điều kiện thuận lợi thị trường, Ngân hàng đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn cho năm 2018. Kế hoạch này đi cùng với chiến lược giai đoạn 2017-2020 của OCB.

Năm 2018, OCB hướng đến mục tiêu đạt mức tăng trưởng trên 30% đối với các chỉ tiêu hoạt động (trong điều kiện được cơ quan quản lý chấp thuận giới hạn tăng trưởng tín dụng), tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu thuần (CIR) dưới 48%. Lợi nhuận trên 2,000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm trước. Con số 2,000 tỷ đồng này chưa bao gồm khoản hoàn nhập dự phòng rủi ro tín dụng dự kiến thu về trong năm nay. Ban lãnh đạo cho biết, OCB sẽ tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm nay.

Ước tính riêng trong quý 1/2018, OCB đạt trên 600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương 30% kế hoạch cả năm.

Tổng tài sản tính đến cuối năm 2018 dự kiến tăng 37%, vượt mốc 100,000 tỷ đồng, đạt 115,700 tỷ đồng. Tổng huy động tăng 36%, dư nợ cho vay thị trường 1 (không bao gồm trái phiếu VAMC) mục tiêu tăng 25%.

Để thực hiện được các kế hoạch nói trên, Ngân hàng sẽ tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cho vay theo hướng giảm cho vay trung dài hạn, giảm mức độ tập trung theo ngành và khách hàng; đẩy mạnh doanh số bán và đa dạng hoá các sản phẩm phi lãi suất, đưa tỷ lệ thu ngoài lãi lên 15% tổng thu thuần; hoàn tất giai đoạn 1 và triển khai giai đoạn 2 lộ trình ngân hàng số thông qua triển khai dịch vụ ngân hàng số trên nền tảng Omni channel; thay đổi toàn diện Mô hình tổ chức kinh doanh Khối Bán lẻ thông qua việc hoàn tất triển khai dự án OBT trước 31/12/2018,…

Cũng trong năm 2018, OCB có kế hoạch xin phép mở mới thêm 8 điểm giao dịch gồm: 5 Chi nhánh và 3 Phòng giao dịch nâng tổng số điểm giao dịch lên 130 điểm tại 29 tỉnh thành; tiếp tục mở rộng hệ thống giao dịch tự động ATM và hoàn thiện chỉnh trang mô hình giao dịch mới.

Trước đó, hồi tháng 08/2017, OCB được cấp phép thành lập mới 6 Phòng giao dịch tại các tỉnh Nghệ An, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Long và Khánh Hòa. OCB đã khai trương và đưa vào hoạt động thêm 3 Phòng giao dịch vào cuối năm 2017 và khai trương thêm 3 Phòng giao dịch còn lại trước quý 2/2018, nâng tổng số điểm giao dịch lên 122 điểm, gồm: 1 Hội sở, 34 Chi nhánh, 87 Phòng giao dịch hiện diện tại 24 tỉnh thành trong cả nước.

Tăng vốn lên 7,500 tỷ đồng

Năm 2017 là một năm khá thành công với OCB, đáng chú ý nhất là OCB trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên công bố hoàn tất việc triển khai dự án Basel II, đồng thời cũng là nhà bằng đầu tiên triển khai dịch vụ ngân hàng số trên nền tảng Omni Channel.

Do vậy, để đảm bảo CAR (hệ số an toàn vốn) và đảm bảo theo tiêu chuẩn Base II và đầu tư hệ thống công nghệ hỗ trợ cho việc phát triển sản phẩm mới, dự kiến trong năm 2018, OCB sẽ tăng vốn điều lệ thêm 2,500 tỷ đồng lên 7,500 tỷ đồng. Việc tăng vốn cũng sẽ giúp Ngân hàng có đủ nguồn lực thực hiện kế hoạch mở rộng mạng lưới giao dịch năm 2018 của OCB; đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam; mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn và đầu tư góp vốn vào các đơn vị kinh doanh hiệu quả.

Theo chia sẻ của Ban lãnh đạo OCB, mọi năm thì các phương án tăng vốn do ngân hàng tự làm, nhưng năm nay sẽ mời công ty tư vấn có kinh nghiệm trên thị trường làm.

Phương án tăng vốn nói trên được chia làm hai đợt. Đợt 1, OCB sẽ phát hành thêm cổ phần và cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tổng giá trị gần 1,700 tỷ đồng, nâng vốn lên 6,700 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến phát hành 14.2% cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế cuối năm 2017 và phát hành thêm 20.5% cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá bằng mệnh giá 10,000 đồng/cp. Đợt 2, OCB sẽ phát hành riêng lẻ cho các đối tượng chọn lọc, tăng vốn thêm 800.5 tỷ lên 7,500 tỷ đồng. Đối tượng chọn lọc ở đây là các đối tượng chọn lọc bên ngoài và cổ đông hiện hữu tham gia đợt phát hành riêng lẻ không bao gồm các cổ đông sở hữu mức cổ phần trọng yếu, thành viên HĐQT, thành viên BKS và Tổng Giám đốc.

Về phương án sử dụng vốn, OCB sẽ dùng 2,500 tỷ đồng dự kiến thu về cho đầu tư công nghệ thông tin (165 tỷ đồng); nâng cấp tài sản, xây dựng cơ bản (88 tỷ đồng) và trang bị tài sản cổ định, công cụ lao động (106 tỷ đồng).

Thành lập công ty tài chính sẽ tiết giảm hồ sơ cho khách hàng, hướng đến những người kinh doanh nhỏ

Việc thành lập công ty tài chính và công ty quản lý nợ đã được ĐHĐCĐ năm 2017 thông qua, nhưng OCB đã chưa thể thực hiện do thiếu điều kiện và Ngân hàng nhà nước chưa có hướng dẫn cụ thể, chủ trương của Chính phủ là chưa cho mở.

Theo giải trình của Ban lãnh đạo, hiện tại OCB đã có Khối khách hàng đại chúng – ComB hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng; đang hoạt động hiệu quả với quy mô phát triển nhanh và bắt đầu có vai trò đóng góp vào doanh thu cũng như lợi nhuận của Ngân hàng, nên cần tách thành Công ty tài chính độc lập để thuận lợi cho quản lý kinh doanh và quản trị rủi ro.

Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn cho rằng, đưa sản phẩm tài chính tiêu dùng vào thị trường sẽ thay thế tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ”. Đối trượng chủ yếu mà OCB hướng đến trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng là những người kinh doanh nhỏ. Tuy nhiên, Ngân hàng mất nhiều thủ tục hơn, vì ComB vẫn thuộc Ngân hàng, chịu sự quy định của thông tư 39. Nếu tách thành công ty tài chính thì có cơ hội tiết giảm hồ sơ cho khách hàng.

Vì vậy, HĐQT OCB tiếp tục trình cổ đông thông qua chủ trương thành lập Công ty TNHH MTV Tài chính Ngân hàng TMCP Phương Đông (gọi tắt là Công ty Tài chính OCB) hoặc mua lại một Công ty tài chính khác với mức tối thiểu 70% vốn điều lệ của công ty này trong năm nay.

Công ty tài chính này sẽ thực hiện các hoạt động tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính, bao thanh toán và các hoạt động khác phù hợp với quy định pháp luật. Hoạt động dưới hình thức công ty con do OCB đầu tư 100% vốn với số vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng hoặc mua lại một Công ty tài chính khác với mức tối thiểu 70% vốn điều lệ của công ty này.

Bên cạnh đó, nhằm phục vụ nhu cầu quản lý nợ và khai thác tài sản của OCB thông qua việc tiếp nhận, quản lý và thu hồi các khoản nợ tồn đọng, phục vụ nhu cầu xử lý nợ và tài sản tồn đọng của các doanh nghiệp khác, quản lý đầu tư và khai thác kinh doanh các tài sản của Ngân hàng, Ban lãnh đạo OCB cho biết cũng cần thiết phải thành lập công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc OCB.

Công ty này sẽ thực hiện các hoạt động quản lý nợ và khai thác tài sản và các hoạt động khác phù hợp với quy định pháp luật. Công ty hoạt động dưới hình thức công ty TNHH một thành viên, là công ty con do OCB đầu tư 100% vốn với số vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập.

OCB là ngân hàng đầu tiên hoàn tất Basel II vì chấp nhận minh bạch. Đầu tháng 12/2017, OCB đã trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên công bố hoàn tất việc triển khai dự án Basel II mặc dù không nằm trong nhóm 10 ngân hàng thí điểm. Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc OCB cho biết, sở dĩ OCB là ngân hàng đầu tiên hoàn tất Basel II vì OCB chấp nhận minh bạch, yêu cầu của chuẩn mực này phải minh bạch hóa toàn bộ dữ liệu. Mặc dù những kế hoạch chi tiết ngân hàng chưa thể công bố ra, vì còn cạnh tranh trên thị trường, nhưng những định hướng lớn thì buộc phải công bố.

Kênh bán chéo bảo hiểm được kỳ vọng. Ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ thêm, doanh thu bảo hiểm trên toàn thị trường tăng rất cao, người tiêu dùng ở Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến bảo hiểm và OCB cũng tranh thủ điều đó trên thị trường. Song song với các hoạt động truyền thống, OCB đã bắt đầu bán chéo các sản phẩm bảo hiểm và doanh thu bảo hiểm quý 1 năm nay đã gấp đôi cùng kỳ năm trước. Bảo hiểm là một kênh tạo ra doanh thu cho Ngân hàng, tạo an toàn tài chính cho khách hàng và là một sản phẩm mà Ngân hàng rất là kỳ vọng.

Thu Phong

FILI

Các tin tức khác

>   PGBank đã chấm dứt giao dịch sáp nhập với VietinBank? (31/03/2018)

>   Techcombank thu về gần 8,500 tỷ đồng sau đợt bán cổ phiếu quỹ (30/03/2018)

>   Ông Đỗ Văn Hưng thôi giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc MBB (02/04/2018)

>   Chốt quý 1/2018, tỷ giá USD/VND ổn định (30/03/2018)

>   Eximbank TP HCM thay giám đốc (30/03/2018)

>   Sau khi MBB xác nhận đang tìm hiểu, PGBank công bố họp bàn về phương án tái cơ cấu (30/03/2018)

>   Giá nhà đất tăng nóng, ngân hàng siết vốn vay bất động sản (30/03/2018)

>   Lợi nhuận ngân hàng khởi động ấn tượng đầu năm 2018 (30/03/2018)

>   Vietcombank đưa công ty kiều hối vào hoạt động (30/03/2018)

>   ĐHĐCĐ VIB: Thông qua phương án trả cổ tức bằng tiền mặt và chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ lên tới 36% (30/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật