ĐHĐCĐ MPC: Sẽ chuyển sang HOSE vào tháng 6/2018, đầu tư 1,000 tỷ mở rộng nhà máy Minh Phú Cà Mau
Sáng ngày 09/03, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018 để thông qua kế hoạch năm 2018 với doanh thu là 18,200 tỷ đồng và lãi ròng 990 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 38.6% so với thực hiện năm 2017.
ĐHĐCĐ thường niên 2018 của MPC
|
Mô hình doanh nghiệp xã hội
Tại đại hội, Chủ tịch MPC Lê Văn Quang chia sẻ về mô hình doanh nghiệp xã hội. Hiện tại, MPC có liên kết khoảng 50,000 ha vùng nuôi với các hộ dân nhưng chưa chặt chẽ. Do đó, MPC dự kiến xây dựng mô hình doanh nghiệp xã hội (hiện đã xây dựng cơ sở hạ tầng), người dân góp đất và nuôi tôm trên diện tích đất đó theo quy trình, cam kết về chất lượng và có trách nhiệm về chất lượng. MPC bán con giống, thức ăn và hướng dẫn quy trình. Mục đích là MPC liên kết tất cả hộ nuôi tôm thành một doanh nghiệp, triển khai thành một chuỗi nhằm cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho Công ty.
Riêng MPC, diện tích nuôi tôm hiện có 300 ha ở Vũng Tàu và 600 ha tại Kiên Giang. Nếu áp dụng công nghệ cao, hai diện tích vùng nuôi này đáp ứng được 30% nguyên liệu cho MPC.
Chia sẻ thêm vì sao giá thành tôm của MPC cao hơn 1-2 USD so với giá thế giới, ông Quang cho biết, giai đoạn năm 2015-2016, giá nguyên liệu tôm đầu vào tại Việt Nam cao hơn 30% so với Ấn Độ, Indonesia do giá thành nuôi cao, con số này trong năm 2017 là 20% (giảm nhờ áp dụng công nghệ).
Nhưng nguyên nhân chính theo ông Quang là nguồn cung không đáp ứng nhu cầu các nhà máy (nguồn cung chiếm khoảng 50-70% nhu cầu) làm cho các nhà máy chế biến (trong đó có MPC) tăng giá mua, từ đó đẩy giá nguyên liệu cao hơn so với thế giới.
Vậy chỉ cần làm sao đáp ứng được nguồn cung là làm giá nguyên liệu giảm xuống bằng giá thế giới. Muốn được như vậy, cần khuyến khích người dân nuôi (có lời 30% là người dân sẵn sàng nuôi), phát triển vùng nuôi tôm công nghệ cao (được hỗ trợ vốn với lãi suất thấp). Chỉ cần giá thành sản xuất giảm 20% thì thị trường tôm sẽ về tay MPC hết, ông Quang khẳng định.
Phấn đấu kim ngach xuất khẩu đạt 1 tỷ USD
Cũng trong kế hoạch năm 2018 được cổ đông thông qua, MPC đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu là 800 triệu USD, sản lượng sản xuất là 63,000 tấn tôm thành phẩm.
Song, HĐQT MPC cũng cho biết sẽ nỗ lực để đạt 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, sản lượng sản xuất 70,000 tấn tôm và lãi trước thuế 1,300 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch, mức trích thưởng trong năm 2018 MPC đưa ra là 8% lợi nhuận sau thuế. Trong trường hợp tốt hơn, vượt kế hoạch đề ra, mức trích thưởng sẽ là 15% lợi nhuận sau thuế.
Ông Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT MPC - cho biết kim ngạch 1 tỷ USD thì khó thực hiện nhưng Công ty sẽ phấn đấu. Còn đối với lợi nhuận trước thuế 1,300 tỷ đồng thì khả năng sẽ thực hiện được, thậm chí còn vượt con số này.
Ông Quang chia sẻ thêm trong tháng 1/2018 thì MPC lãi 40 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ những năm trước thường lỗ.
Ngoài các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ và Nhật, năm 2018, MPC cũng đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu với tỷ lệ dự kiến trên 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (năm 2017 là hơn 5%). Ngoài ra, MPC cũng nhìn nhận thị trường Trung Quốc sẽ là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu từ năm 2018 và các năm sau đó.
Một vấn đề quan trọng nữa được thông qua tại đại hội là MPC sẽ chuyển sàn giao dịch từ UPCoM sang HOSE trong năm 2018 theo đề xuất từ nhiều cổ đông. Dự kiến sẽ chuyển sàn trong tháng 6/2018.
Đầu tư 1,000 tỷ đồng mở rộng nhà máy Minh Phú Cà Mau
Ngoài ra, cổ đông đã thông qua kế hoạch đầu tư mở rộng nhà máy Minh Phú Cà Mau với công suất mở rộng lên đến 30,000 tấn/năm, thời gian dự kiến là quý 3/2018. Vốn đầu tư dự án mở rộng là 1,000 tỷ đồng, trong đó vốn tự có là 300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, MPC dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thông qua các đợt phát hành cổ phiếu. Cụ thể, MPC sẽ tăng vốn cổ phần thêm gần 685 tỷ đồng từ việc phát hành thêm gần 68.5 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1. Nguồn vốn phát hành từ nguồn thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận chưa phân phối theo BCTC đã kiểm toán của công ty mẹ thời điểm 31/12/2017. Vốn điều lệ dự kiến sau đợt phát hành này lên đến gần 1,385 tỷ đồng.
MPC cũng sẽ phát hành hơn 1.5 triệu cổ phiếu để thưởng cho cán bộ chủ chốt của Công ty. Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành tăng lên 1,400 tỷ đồng. Ngoài ra, MPC sẽ phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư với mục đích tăng cường năng lực tài chính, bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành là 2,000 tỷ đồng.
Năm 2017 là một năm sản xuất kinh doanh có nhiều thuận lợi của MPC. Công ty đã hoàn thành và vượt 1.69% kim ngạch xuất khẩu so với kế hoạch, ghi nhận hơn 692 tỷ USD; sản lượng đạt trên 55,775 tấn, vượt 0.86% kế hoạch trong năm đề ra; doanh thu thuần tăng trưởng 6.79%, thu về 16,852 tỷ đồng; lãi ròng đạt hơn 714 tỷ đồng, hoàn thành gần 85% kế hoạch.
Do thị trường tôm cạnh tranh, đặc biệt là các nước như Ấn Độ, Indonesia có giá tôm nguyên liệu rẻ hơn Việt Nam rất nhiều nên để cạnh tranh được, công ty phải giảm biên lợi nhuận. Thêm nữa, có một phần tồn kho giá cao của năm 2016 để lại nên ảnh hưởng tới biên lợi nhuận.
Ngoài ra, cũng trong năm 2017, MPC đã tham gia góp vốn thành lập CTCP Xã hội Chuỗi tôm.
Phương Châu
FILI
|