Để đủ điều kiện nới room 100%, DHG phải đánh đổi những gì?
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 23/03, ông Đoàn Đình Duy Khương - Quyền Tổng Giám đốc CTCP Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) cho biết để được nới room, DHG phải từ bỏ nhiều ngành nghề như bán hàng của đơn vị khác sản xuất, hay kinh doanh bao bì… Vì thế, doanh thu năm 2018 không tăng trưởng và chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào sản phẩm tự sản xuất.
Để được nới room, DHG phải từ bỏ nhiều ngành nghề như bán hàng của đơn vị khác sản xuất, hay kinh doanh bao bì.
|
Cố gắng hoàn thành nới room trong năm nay, điều chỉnh mục tiêu dài hạn
Ông Khương cho biết về chủ trương nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% thì DHG đã thực hiện xong các bước xử lý ngành nghề hạn chế kinh doanh sau nới room. Trong đó, có phương án sáp nhập 2 công ty con vào DHG là Công ty TNHH MTV Bao bì DHG 1 và Công ty TNHH MTV Dược phẩm DHG, dự kiến chậm nhất đến 01/07/2018 là hoàn tất. Sau đó là tiến hành các thủ tục nới room và Công ty sẽ cố gắng hoàn thiện trong năm nay. Liên quan đến việc thoái vốn của SCIC, đại diện SCIC cho biết hiện chưa có kế hoạch cụ thể cho việc thoái vốn tại DHG.
Ảnh hưởng từ việc nới room, DHG cũng quyết định điều chỉnh mục tiêu chiến lược cho giai đoạn từ năm 2018-2020 với doanh thu tăng tối thiểu 13%, còn lợi nhuận trước thuế tối thiểu tăng 7%, đều thận trọng hơn so với con số mục tiêu trước đó là tăng trưởng doanh thu thuần tối thiểu 15% và đến năm 2020 sẽ đạt tối thiểu 300 triệu USD. DHG vẫn duy trì mục tiêu là nhà sản xuất thuốc Generic lớn nhất Việt Nam trong giai đoạn này nhưng đã bỏ chỉ tiêu đạt 10% thị phần thuốc sản xuất trong nước như trước đó đã đề ra. Đồng thời, các chỉ tiêu tài chính như ROS từ 15%, ROE từ 23%, ROA từ 19% trở lên và kế hoạch M&A đều đã được gạt bỏ ra khỏi chiến lược điều chỉnh lần này.
Trước mắt, năm 2018, DHG đặt kế hoạch doanh thu thuần 4,017 tỷ đồng, chỉ tương đương năm 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế sẽ tăng 6.7%, tương ứng đạt 768 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu hàng sản xuất chiếm chủ yếu với 3,540 tỷ đồng, và có mức tăng trưởng hơn 13% so năm 2017. Ngược lại, do không được bán hàng của đơn vị khác nên khoản doanh thu hàng khác giảm tới 49%, xuống còn 476 tỷ đồng, và DHG cũng không còn khoản doanh thu dịch vụ trong năm nay. Đây cũng là một điều đáng tiếc đối với DHG khi mà doanh thu hàng khác trong giai đoạn từ năm 2015-2017 đóng góp từ hơn 700 tỷ đồng tới 951 tỷ đồng/năm.
Theo ông Khương, để được nới room, DHG phải từ bỏ nhiều ngành nghề như bán hàng của đơn vị khác sản xuất, hay kinh doanh bao bì. Vì thế, doanh thu thuần không tăng trưởng, nhưng thực chất doanh thu từ sản phẩm của Công ty sản xuất tăng trưởng 13% là con số lớn, trong khi tăng trưởng của ngành chỉ ở mức 8%.
Ông Khương cũng tiết lộ: “Ước tính kết quả kinh doanh quý 1/2018 của DHG chiếm 20% chỉ tiêu của năm. Hiện, tháng 1 đã vượt chỉ tiêu, tháng 2 cũng vượt 13% và hy vọng tháng 3 sẽ tốt thì cuối cùng quý 1/2018 sẽ cao hơn quý 1/2017”.
Về lo ngại biến động giá nguyên liệu trong thời gian gần đây, đại diện DHG cho biết Công ty có chiến lược tồn kho thời điểm, tồn kho thường gối đầu 1 quý và trong quý 1 tác động không nhiều trước biến động giá nguyên liệu. Mỗi năm mức độ tăng giá sản phẩm bình quân từ 2-2.5%, thì trong cơ cấu nguyên liệu chiếm 50% giá thành nên đủ bù đắp chi phí. Và trong kế hoạch năm 2018 đã tính đến yếu tố biến động giá của năm nay.
Mục tiêu xuất khẩu đạt 5 triệu USD năm 2020
Điểm sáng tại DHG, theo tiết lộ của bà Phạm Thị Việt Nga ngày 08/03 vừa qua, là Cục Quản lý Dược của Malaysia đến làm việc với DHG về việc cấp phép PIC/S - Malaysia đối với dây chuyền sủi bọt và khả năng sẽ đạt tiêu chuẩn, hy vọng khởi động trong năm 2018. Sau khi được cấp phép, DHG sẽ xuất khẩu 2 sản phẩm Hapacol gói và viên vào nước này và là sản phẩm thuốc gói duy nhất có mặt ở thị trường này.
Sau đợt này, DHG cũng xây dựng hồ sơ đánh giá đạt tiêu chuẩn PMDA của Nhật Bản đối với một số sản phẩm và chuẩn bị các điều kiện để xây dựng một số dây chuyển sản phẩm chiến lược đạt tiêu chuẩn Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, định hướng đến năm 2020, DHG đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu đạt 5 triệu USD.
DHG hiện có 6 nhãn hàng đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng gồm Hapacol, Klamentin, Haginat, Hapenxin, Apitim và Hagimox. Doanh thu kênh điều trị chiếm trên 10% doanh thu khối bán hàng của DHG. Đại diện Ban lãnh đạo DHG cho biết hiện nay, hai ngành hàng chủ lực của DHG là kháng sinh và giảm đau hạ sốt. Trong 10 ngành hàng, DHG đều có nhãn hàng chủ lực chiến lược của Công ty. Với định hướng trở thành doanh nghiệp Generic hàng đầu, nghĩa là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ưu tiên số 1. Tuy nhiên, vẫn dựa vào từng giai đoạn để có những chiến lược đầu tư phù hợp.
Được biết, tại thời điểm cuối năm 2017, số lượng khách hàng giao dịch của DHG đạt 23,680, tăng 10% so cùng kỳ. Trong đó, số lượng khách hàng câu lạc bộ thân thiết là 11,396 người, tăng 11% so cùng kỳ. Ban lãnh đạo DHG cho biết đây cũng chính là một nguồn lực giúp DHG có thể đạt kế hoạch tăng trưởng trong năm 2018.
Về kết quả kinh doanh năm 2017, doanh thu của DHG ở mức 4,064 tỷ đồng, thực hiện được 93% kế hoạch và tăng trưởng 7.4% so với năm 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 6.7% khi đạt 643 tỷ đồng.
Nói về lý do kết quả kinh doanh năm 2017 không đạt kế hoạch đề ra, ông Khương lý giải do trong quý 1/2017, Công ty thực hiện chuyển đổi mô hình kho trung tâm nhưng chưa có sự chuẩn bị chu đáo nên gặp nhiều khó khăn trong việc giao hàng hóa, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Thêm vào đó, quý 2, Công ty có sự biến động nhân sự cấp cao ảnh hưởng tâm lý nhân viên bán hàng. Sang quý 3, Công ty đánh giá sàng lọc đội ngũ nhân viên bán hàng, tuyển mới và thay thế. Còn quý 4, sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu cho bán hàng do sản lượng tiêu thụ tăng đột biến, nhà máy thay đổi một số quy trình sản xuất, phương pháp lập kế hoạch còn nhiều hạn chế, công suất của một số thiết bị quá tải.
Hoàng Nguyên
Fili
|