Dịch vụ
Cơ hội trở lại với cổ phiếu xây dựng trước làn sóng đầu tư hạ tầng
Chính phủ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh các dự án hạ tầng triển khai, sau khi tìm được lời giải cho nhu cầu vốn thông qua hình thức Hợp tác Công - Tư (PPP), sẽ mang đến cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp xây dựng, xây lắp.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2018 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt chú trọng đến việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trước tình trạng mới chỉ đạt 9% kế hoạch sau 2 tháng đầu năm. Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các bộ, Bộ Tài chính, ngành thực hiện các giải pháp, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tiến độ vốn thực hiện và phải có sự cải thiện ngay trong tháng 3.
Năm 2018, tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước, bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã được giao là hơn 384,135 tỷ đồng, đạt hơn 96% so với tổng dự toán của Quốc hội. Trong đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025, lãnh đạo Chính phủ đặt ra các mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hàng năm trên 90%.
Những tín hiệu trên cho thấy Chính phủ đang thúc đẩy nhanh hơn quá trình đầu tư xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng, trong đó trọng tâm là các dự án hạ tầng giao thông. Năm 2018, một số công trình trọng điểm cần được hoàn thành có thể điểm tới như: đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, hầm Cù Mông (nối Phú Yên – Bình Định), cầu Vàm Cống (nối Cần Thơ - Đồng Tháp)…
Nhiều dự án hạ tầng mới được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đầu tư ở các địa phương. Ảnh: N.M
|
Báo cáo của Công ty chứng khoán (CTCK) MBS cho rằng các dự án hạ tầng giao thông sẽ tiếp tục là trọng tâm xây dựng. Lý do bởi cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường bất động sản, giao thương, phát triển kinh tế. Các công trình mới như cầu vượt, hầm chui, tàu điện trên cao, đường cao tốc, sẽ liên tục cần được triển khai.
Tuy nhiên, nguồn vốn thực hiện dự án lại từng là câu hỏi với Bộ Giao thông Vận tải. Theo thông tin từ Bộ, Việt Nam cần đến 48 tỷ USD cho phát triển hạ tầng giao thông trong 5 năm tới, trong đó ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 37.2%, vốn ODA tài trợ 28.2%, phần còn lại đóng góp từ các nguồn khác lên đến 34.4%.
Trước tình trạng trên, hình thức Hợp tác Công – Tư (PPP) với sự tham gia của khối tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài trở thành lời giải trong trường hợp thiếu hụt nguồn vốn. Thống kê của The FitchGroup Company, hiện có 45 dự án PPP đã được lên kế hoạch triển khai với tổng mức đầu tư lên đến 127 tỷ USD, hầu hết là các dự án giao thông và năng lượng.
Trong bối cảnh dự án hạ tầng giao thông được thúc đẩy triển khai, các doanh nghiệp xây dựng, xây lắp công trình là những đơn vị được hưởng lợi và đứng trước cơ hội tăng trưởng. Trong đó, lĩnh vực xây dựng cầu đường hứa hẹn nhiều tiềm năng.
Theo phân tích của CTCK, mặc dù những dự án cầu đường thường có giá trị thấp hơn so với các công trình khác, nhưng mang lại biên lợi nhuận cao hơn và thời gian thi công ngắn hơn. Điều này sẽ trở thành cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong ngành cầu đường, ngay cả khi bối cảnh ngành xây dựng đi xuống do ảnh hưởng chu kỳ của thị trường bất động sản.
Ghi nhận trên thị trường chứng khoán cũng cho thấy nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành xây dựng hạ tầng bắt đầu nhận được nhiều chú ý trước kỳ vọng của nhà đầu tư, thể hiện rõ qua diễn biến giá cổ phiếu và thanh khoản của các mã như CII, CTI, DPG, FCN…
Nổi bật nhất trong thời gian qua là cổ phiếu DPG của CTCP Đạt Phương (UPCoM: DPG). Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2018, thị giá cổ phiếu này đã tăng 144%, hiện đang dừng ở mức 66,400 đồng/cp, chốt phiên ngày 07/03. Khối lượng giao dịch mỗi phiên cũng tăng mạnh đạt gần 87,000 cp/phiên, gấp 4 lần so với năm 2017, trong đó đột biến có thể đạt hơn 268,000 cp/phiên.
Diễn biến giá cổ phiếu DPG trong vòng một năm qua.
|
DPG là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cầu đường, làm chủ nhiều kỹ thuật công nghệ khó, đặc thù và từng hợp tác với các nhà thầu nước ngoài thi công các công ty trình trọng điểm như cầu Cửa Đại – Quảng Nam, cầu Niệm 2 (Hải Phòng)… Bên cạnh đó, DPG cũng tham gia xây dựng các công trình giao thông, thủy điện, thủy lợi; xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng…
Hiện nay, DPG đang triển khai nhiều dự án trên cả nước. Ở miền Bắc, công ty đang thực hiện dự án cầu Thắm tại Nga Sơn, cầu vượt đường sắt tại Thanh Hóa, cầu Bình Ca và 10 m đường hai đầu cầu tại Tuyên Quang, công trình tòa nhà cửa khẩu Hữu Nghị tại Lạng Sơn… Ở miền Trung, công ty đang triển khai một số dự án như: cầu KM0+317 vượt sông Đế Võng, cầu Trà Bông – Quảng Ngãi, đường Vạn Tường… Bên cạnh đó, công ty cũng tham gia một số dự án tại miên Nam như dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong, Gói thầu CW1C: Cầu Cao Lãnh và đường đầu cầu phía Nam tới cầu Cao Lãnh (Km6+200- Km7+800), công trình cầu La Hai huyện Đồng Xuân… đảm nhiệm gói thầu B3-22, xây dựng 05 cầu: Lệ Uyên, sông Ván trên QL1, cầu Gò Mầm trên QL29 tỉnh Phú Yên; cầu số 30, số 32 trên QL26 tỉnh Đắk Lắk.
Hình ảnh một số dự án của DPG.
|
Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động xây lắp là nguồn đóng góp chính của DPG, chiếm khoảng 84% giá trị (theo số liệu BCTC hợp nhất quý III/2017), phần còn lại đến từ hoạt động bán điện thương phẩm và cung cấp dịch vụ. Năm 2017, công ty mẹ DPG ước đạt doanh thu 1,980 tỷ đồng, tương đương 95.7% kế hoạch và lãi ròng 140 tỷ đồng vượt nhẹ 2% mục tiêu.
Một cổ phiếu khác cũng hấp dẫn nhà đầu tư là CTI của CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (HOSE: CTI). Tính từ đầu năm, thị giá CTI đã tăng 12%, hiện đang ở mức 34,400 đồng/cp. Thanh khoản cũng tăng 473,000 cp/phiên, đột biến có thể đạt trên 1 triệu cổ phiếu.
CTI là đơn vị hoạt động lâu năm trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng công trình giao thông. Hiện nay, CTI góp mặt trong nhiều dự án BOT, công trình đường quốc lộ, đường tránh… Một số dự án đáng chú ý như: dự án đường 319 nối dài và nút giao cao tốc TP.HCM – Long Thành - Dầu Giấy; dự án đầu tư cải tạo nâng cấp quốc lộ QL91 và 91B, dự án xây dựng tuyến tránh thành phố Biên Hòa…
Bên cạnh đó, CTI cũng tham gia trong lĩnh vực khai thác và cung cấp vật liệu xây dựng, triển khai dự án nhà ở, hạ tầng dân dụng… Năm 2017, CTI đạt doanh thu thuần 1,100 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước, doanh thu xây lắp và cung cấp vật liệu xây dựng chiếm trên 40%. Lợi nhuận ròng đạt 150 tỷ đồng, tăng trưởng 39%.
Một đơn vị đáng chú ý khác cũng có tiếng trong ngành xây dựng công trình trên thị trường là CTCP FECON (HOSE: FCN) - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thi công công trình ngầm, hạ tầng giao thông, thi công đường bộ…
Hiện nay, FECON đang triển khai nhiều công trình giao thông đáng chú ý như Metro line 3, nhà ga Depot Hà Đông, dự án Metro tuyến 1 đoạn Bến Thành Suối Tiên, dự án Đường nối cầu Tân Vũ – Lạch Huyện… Năm 2017, FECON ghi nhận doanh thu thuần tăng 10% đạt 2,320 tỷ đồng, trong đó hoạt động xây lắp chiếm 92% cơ cấu. Lợi nhuận ròng đạt 169.6 tỷ đồng, tăng trưởng gần 10%.
Trong 1 năm qua, cổ phiếu FCN đã tăng gần 34%, đang dừng ở giá 21,000 đồng/cp với thanh khoản trung bình 741,000 cp/phiên, cá biệt có phiên đạt gần 3 triệu cổ phiếu.
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) cũng là một đơn vị lớn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng công trình. Doanh nghiệp này đang triển khai dự án một số dự án lớn như cầu Sài Gòn 2; dự án mở rộng xa lộ Hà Nội giai đoạn 2; dự án cầu Bình Triệu 1; cầu Rạch Chiếc; tuyến tránh Quốc lộ 1A… Năm 2017, CII đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt 2,040 tỷ đồng và 1,520 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 68% và 81%. Trong đó, hoạt động xây lắp chiếm cơ cấu khá thấp chỉ gần 8% doanh thu của CII.
Bên cạnh những đơn vị kể trên, một số cái tên trong ngành xây dựng, xây lắp khác như Licogi 16 (HOSE: LCG), Lilama 18 (HOSE: LM8), CTCP Lilama 10 (HOSE: L10), CTCP Sông Đà 10 (HNX: SDT), CTCP Sông Đà 5 (HNX: SD5), CTCP Đầu tư Xây dựng 3-2 (HOSE: C32)… cũng là những đối tượng có thể tận dụng được cơ hội trong thời gian tới.
Lan Anh
FILI
|