Chứng khoán Việt hãy vẫn lạc quan
Nhận định về diễn biến giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 23/03, các chuyên gia đến từ các công ty chứng khoán (CTCK) vẫn đang hết sức lạc quan với sức khỏe của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Trưởng phòng Môi giới Chứng khoán VNDirect (VND) lý do chính khiến thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên ngày 23/03 giảm điểm mạnh là ảnh hưởng đến từ diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới. Trong phiên cùng ngày, chỉ số Dow Jones sụt giảm tới hơn 700 điểm, chỉ số Nikkei giảm tới hơn 1,000 điểm. Nguyên nhân đến từ động thái đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc của Mỹ dẫn tới việc lo ngại về chiến tranh thương mại lên cao. Những diễn biến này trên thị trường khiến nhà đầu tư có tâm lý lo ngại kéo theo đà bán tháo cổ phiếu, kết quả thị trường giảm mạnh gần 20 điểm sau khi chỉ mới vượt qua mốc 1,170 lịch sử.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Minh - Phó Giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, khối Khách hàng cá nhân của CTCK Sài Gòn (SSI) cùng chung quan điểm về tác động của diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ tới sự giảm điểm của thị trường Việt Nam trong phiên 23/03. Bên cạnh đó, ông Minh nhấn mạnh rằng tại vùng đỉnh 1,170 điểm, nhà đầu tư bắt đầu có xu hướng thận trọng hơn, song song, tâm lý nhà đầu bắt đầu phân hóa. Một nhóm nhà đầu tư bắt đầu thoát hàng ra thị trường chốt lời để hạn chế rủi ro. Một nhóm khác vẫn tiếp tục hưng phấn với đà tăng của thị trường.
Ông Minh cho rằng đà giảm của thị trường trong ngắn hạn là tất yếu khi thị trường cần những đợt điều chỉnh trong điều kiện tăng trưởng nóng. Tuy nhiên, tình trạng bong bóng chắc chắn sẽ không diễn ra trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tốt và các yếu tố cơ bản của thị trường đều đang ủng hộ đà tăng của thị trường. Và những phiên giảm mạnh này chính là cơ hội để nhà đầu tư có thể giải ngân tiền mặt gom vào các mã có nền tảng tốt với giá rẻ.
Tuy vậy, cả 2 chuyên gia này đều đưa ra nhận định rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần thoát ly ra khỏi ảnh hưởng của thị trường thế giới. Có thể thấy tuy sụt giảm nhưng so với tỷ lệ sụt giảm của thị trường không còn quá lớn so với diễn biến tương tự ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Các chuyên gia trao đổi tại sự kiện "Dòng tiền thông minh sẽ chảy về đâu?"
|
Kỳ vọng trong năm 2018, nhóm ngân hàng vẫn tiếp tục là nhóm dẫn dắt thị trường với kế hoạch tăng vốn của nhiều ngân hàng lớn cũng như sự chuyển hướng từ hoạt động tín dụng doanh nghiệp sang bán lẻ của nhiều ngân hàng sẽ cải thiện kết quả kinh doanh của các ngân hàng, từ đó phản ánh vào giá cổ phiếu. Bên cạnh đó, tác động tích cực từ nghị định 42 về cơ cấu nợ xấu là một nhân tố không kém phần quan trọng.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Hoàng Phương - Trưởng phòng Phân tích, khối KHCN của CTCK Thành phố Hồ Chí Minh (HCM)nhận định rằng chu kỳ giải ngân của các quỹ đầu tư thường vào tháng 12 tới tháng 2 năm sau. Do đó, từ tháng 1 tới tháng 4, thị trường chứng khoán sẽ vận động theo chiều hướng đi lên. Song song với diễn biến tăng điểm của thị trường, dòng tiền không được lan tỏa đều trên thị trường mà chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và dẫn dắt thị trường. Theo đó, nhóm thoái vốn, ngân hàng, bất động sản đang là những nhóm thu hút dòng tiền trên thị trường.
Làm thế nào để dòng tiền lan tỏa trên thị trường?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, để dòng tiền có thể lan tỏa rộng thì yếu tố kết quả kinh doanh và yếu tố cơ bản của doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Với nhà đầu tư đây là yếu tố chính đem lại sự hấp dẫn cho các cổ phiếu. Hiện tại ở thị trường Việt Nam, nhiều nhà đầu tư lo ngại về tính minh bạch về báo cáo kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Kết quả, dòng vốn trên thị trường chủ yếu tập trung vào nhóm vốn hóa lớn với yếu tố thông tin rõ ràng, minh bạch và dễ tiếp cận hơn.
Bên cạnh đó, tình trạng căng margin trên thị trường cũng là nguyên nhân chính khiến dòng tiền hạn chế lan tỏa. Cụ thể, với điều kiện margin chỉ đáp ứng được khoảng 2% giá trị thị trường, nhà đầu tư có xu hướng tập trung đòn bẩy vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt để tối ưu hóa lợi ích. Do vậy, nếu muốn dòng tiền lan tỏa trên thị trường thì tăng lượng margin là một trong những yếu tố thiết yếu.
Mặt khác, ông Minh nhận định với sự dịch chuyển dòng tiền từ thị trường chứng khoán Mỹ sang các thị trường mới nổi và cận biên, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc, đồng thời, tác động từ thị trường chứng khoán Mỹ sẽ suy giảm trong giai đoạn tới mà thay vào đó, thị trường sẽ chịu tác động mạnh từ thị trường Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, thị trường có tác động mạnh mẽ nhất vẫn sẽ là thị trường Mỹ.
Ông Minh dự báo trong năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ xác lập mức đỉnh mới 1,300 điểm với vốn hóa thị trường tăng mạnh.
Ông Huỳnh Minh Tuấn thì cho rằng thị trường cần nhiều hỗ trợ từ các quỹ đầu tư cũng như tư duy vĩ mô điều tiết thị trường của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần nâng cao tư duy của của nhà đầu tư cá nhân cũng như chất lượng tư vấn và môi giới trên thị trường. Diễn biến thị trường trong thời gian sắp tới, các chuyên gia đều cùng chung nhận định rằng thị trường vẫn sẽ lạc quan. Ông Tuấn cho hay vẫn chưa thấy dấu hiệu chững lại của thị trường khi đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đang tiếp diễn, bên cạnh đó, nhiều thương vụ cổ phần hóa cũng như các sản phẩm mới trên thị trường chứng khoán như chứng quyền đảm bảo sẽ thu hút dòng tiền đổ vào thị trường thúc đẩy thị trường đi lên cả về chất và lượng.
Chí Kiên
FILI
|