Thứ Sáu, 23/02/2018 15:02

Y tế Việt Mỹ: 2017 lãi kỷ lục sau hơn một thập kỷ kinh doanh "lẹt đẹt"

Lợi nhuận năm 2017 là mức cao nhất kể từ năm 2004 đến nay của AMV, đạt dấu mốc hàng chục tỷ đồng. Hơn 10 năm qua, nếu không lỗ, lãi ròng của Công ty cũng chỉ dừng ở mức vài trăm triệu cho đến hơn 1 tỷ đồng.

CTCP Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (HNX: AMV) vừa công bố BCTC quý 4/2017. Cả năm 2017, AMV đạt doanh thu thuần gần 72 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 39 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số chỉ hơn 800 triệu đồng của năm 2016. Tính riêng trong quý 4, lợi nhuận sau thuế của AMV ghi nhận hơn 38 tỷ đồng, chiếm 97% lợi nhuận cả năm.

Trước đó khi AMV đặt ra kế hoạch kinh doanh năm 2017 cao đột biến với tổng doanh thu tăng trưởng gấp 15 lần lên 178.5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gấp 17 lần năm trước, chạm mốc 14 tỷ đồng còn gây bất ngờ lớn cho cổ đông và nhà đầu tư. Thì nay, mặc dù chưa hoàn thành kế hoạch doanh thu nhưng AMV đã vượt 180% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Lợi nhuận năm 2017 cũng là mức cao nhất kể từ năm 2004 đến nay của AMV, đạt dấu mốc hàng chục tỷ đồng. Hơn 10 năm qua, nếu không lỗ, lãi ròng của Công ty cũng chỉ dừng ở mức vài trăm triệu cho đến hơn 1 tỷ đồng.

Theo giải trình của Công ty, lợi nhuận sau thuế năm 2017 tăng đột biến nguyên nhân là do trong kỳ các công ty con của AMV bước đầu đi vào hoạt động và doanh thu chính từ hoạt động thương mại, mua bán thiết bị y tế.

Lợi nhuận sau thuế (LNST) và lợi nhuận chưa phân phối (LNCPP) kể từ năm 2004 (Đvt: Triệu đồng)

Nguồn dữ liệu: VietstockFinance

Trong năm 2017, vốn điều lệ của AMV cũng đã phình to gần 13 lần, từ hơn 21 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 217 tỷ đồng, đưa Công ty thoát lỗ lũy kế. Lợi nhuận chưa phân phối của AMV tại thời điểm cuối năm 2017 đạt khoảng 38.5 tỷ đồng.

Được biết, AMV tăng vốn khủng thông qua phương án phát hành 25 triệu cp riêng lẻ, toàn bộ 250 tỷ đồng vốn thu được sẽ dùng để mua cổ phần của CTCP Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ. Sau khi nhận chuyển nhượng, AMV sẽ trở thành Công ty mẹ của Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ với tỷ lệ sở hữu 83.33% và thông qua đơn vị này để tiến hành triển khai đầu tư gần 556 tỷ đồng vào hai dự án xây dựng Nhà nội trú tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Khê và huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Cả hai dự án đều được dự kiến là hết năm 2020 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, nợ phải trả cũng tăng mạnh từ 8.4 tỷ lên 60.6 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn tăng 13 lần (lên 45.3 tỷ đồng) và nợ dài hạn tăng 3 lần (lên 15.3 tỷ đồng). Hiện Công ty đang vay dài hạn Ngân hàng BIDV gần 14 tỷ đồng và Ngân hàng ABBank 1.34 tỷ đồng nhằm đầu tư 10 máy xét nghiệm sinh học phân tử TRC dùng cho hoạt động liên kết của AMV với các cơ sở khám chữa bệnh.

Vốn tăng mạnh kéo tài sản ngắn hạn từ 10.5 tỷ đồng hồi đầu năm 2017 vọt lên gần 380 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm. Trong đó, khoản trả trước cho người bán ngắn hạn tăng từ 3.7 tỷ lên 304.5 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng từ 1 tỷ lên 15.3 tỷ đồng, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn ghi nhận 19.4 tỷ đồng trong khi đầu năm không phát sinh. Tài sản dài hạn cũng tăng hơn 230%; nổi bật nhất là tài sản cố định gấp 2.6 lần đầu năm, đạt 25.4 tỷ đồng.

Đi cùng với sự lột xác trong kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu AMV cũng có những chuyển biến mới. Nếu như suốt khoảng thời gian 4 năm 2012-2016, cổ phiếu này hầu hết chỉ đi ngang tại mức giá “cốc trà đá” thì từ tháng 10/2016 đã leo lên vùng giá 7,000-9,000 đồng/cp. Đến khi được các cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức ngày 20/02/2017, cổ phiếu AMV đã đột biến tăng hơn 71% giá trị từ 9,000 lên 16,000 đồng/cp (kết phiên ngày 05/04). Đến nay, cổ phiếu này đang dừng tại mức 15,500 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu AMV 5 năm gần đây

Cũng từ cuối năm 2016, AMV đã trải qua sự thay đổi lớn trong dàn ban lãnh đạo, bà Đặng Nhị Nương được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc thay cho ông Bách Mộng Hà. Toàn bộ các Thành viên HĐQT cũng thay bằng những cái tên hoàn toàn mới là ông Phạm Văn Tuy, ông Vũ Văn Ngát, ông Nguyễn Anh Quân và ông Lê Quang Chung. Tương tự với Ban kiểm soát, bà Nguyễn Thị Thương, bà Lê Thị Hương và bà Nguyễn Hương Giang là những thành viên được bầu bổ sung tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2017.

Thu Phong

FiLi

Các tin tức khác

>   SPH: Báo cáo thường niên 2017 (23/02/2018)

>   NKG: Báo cáo thay đổi về sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn (23/02/2018)

>   SFI: Nghị quyết HĐQT về ngày đăng ký cuối cùng tham dự họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 (23/02/2018)

>   BWE: Thông báo mời họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 (23/02/2018)

>   CCI: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 và trả cổ tức đợt 2 năm 2017 bằng tiền mặt (23/02/2018)

>   TDG: Nghị quyết và Biên bản họp HĐQT về việc thông qua kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 (23/02/2018)

>   AGM: BCTC Kiểm toán năm 2017 (23/02/2018)

>   PND: Báo cáo tài chính năm 2017 (23/02/2018)

>   SPH: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 (23/02/2018)

>   VGL: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 (23/02/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật