Vietcombank sắp bán 10% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) đang lên kế hoạch bán hơn 350 triệu cổ phiếu (tương ứng 10% cổ phần) cho nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2018, sau khi nhận được chấp thuận từ Chính phủ.
Chủ tịch của Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, cho biết kế hoạch phát hành riêng lẻ đã được các cơ quan chấp thuận. Lượng cổ phiếu trên sẽ được phát hành riêng lẻ hoặc được đấu giá công khai cho một lượng nhà đầu tư nước ngoài giới hạn.
Ông Thành nói thêm, quỹ Singapore GIC là một trong những nhà đầu tư tiềm năng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản – nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Vietcombank với 15% cổ phần – sẽ được phép mua thêm cổ phần để duy trì tỷ lệ này ở Vietcombank.
Tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa là 30% tại các ngân hàng dưới quyền kiểm soát của Nhà nước. Vietcombank là một trong số ít những ngân hàng có tỷ lệ cổ phần là 9.12% dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, theo thông tin từ Linh Nguyễn thuộc Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research).
Với mục tiêu tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu, Vietcombank lúc đầu kỳ vọng sẽ hoàn tất đợt chuyển nhượng 7.7% cổ phần cho quỹ GIC trong năm 2016. Tuy nhiên, thỏa thuận trên không được chấp thuận vì những bất đồng về giá cổ phiếu VCB. Chính phủ Việt Nam muốn bán lượng cổ phiếu phát hành dựa trên giá thị trường, nhưng không được thấp hơn mức giá đã xác định từ trước.
Trong ngày thứ Sáu (23/02), giá cổ phiếu VCB tăng 4,600 đồng lên 71,400 đồng/cp (tương ứng 3.14 USD/cp), tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2016.
Diễn biến cổ phiếu VCB trong 3 tháng qua
|
Phạm Thị Tố Tâm, Chuyên viên phân tích tại CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), cho biết chất lượng tài sản của Vietcombank vẫn còn khá tốt. Vietcombank đã giảm tỷ lệ nợ xấu năm 2017 xuống còn 1.13%, mức thấp nhất trong ngành ngân hàng, và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (loan-loss coverage) ở mức 130%, mức cao nhất trong các ngân hàng.
Vietcombank đã bán cổ phần sở hữu tại các tổ chức tài chính trong nước để giảm bớt rủi ro của việc sở hữu chéo. Ngoài ra, Vietcombank cũng dự tính thoái vốn ra khỏi Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, UPCoM: HVN) trong năm nay và kỳ vọng thu về một khoản lợi nhuận cao. Trong khi đó, Vietcombank còn đẩy mạnh hoạt động cho vay bán lẻ và cá nhân, vốn chiếm tới 32.7% trong tổng khoản cho vay năm 2017, cao hơn so với mức 25.3% trong năm 2016. Khoản cho vay bán lẻ mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Các ngân hàng khác ở Việt Nam cũng đang tìm cách bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) – một trong 3 ngân hàng quốc doanh lớn nhất – đang cân nhắc bán tới 30% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nhiều ngân hàng Hàn Quốc và Nhật Bản đang tỏ ra hứng thú với thương vụ này.
Năm ngoái, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã ký hợp đồng hợp tác toàn diện với Ngân hàng Daegu của Hàn Quốc, đồng thời chuẩn bị tăng cường hợp tác trong tương lai. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, UPCoM: LPB) đang chào bán hơn 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank, HOSE: VPB) đã bán 23% cổ phần cho 100 nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2017, và có thể bán thêm cổ phần.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng Việt Nam đang tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài cho hai ngân hàng là Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (Ocean Bank) và Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank).
Được thành lập trong năm 1963, Vietcombank lúc đầu là Cục quản lý Ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sau đó, Vietcombank đã tách khỏi NHNN để trở thành ngân hàng đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam tại thời điểm đó chuyên về giao dịch liên quan đến nước ngoài.
Bộ Tài chính Việt Nam kỳ vọng sẽ duy trì phần lớn tiền gửi tại Vietcombank trong vài năm tới. Lượng tiền gửi lớn cũng đồng nghĩa với việc Vietcombank có lợi thế hơn so với các ngân hàng khác trong lĩnh vực cho vay, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ yêu cầu các ngân hàng giảm bớt lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong năm 2017, Vietcombank ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là 32% lên 11.3 ngàn tỷ đồng, vượt qua mức mục tiêu 9.2 ngàn tỷ đồng. Động lực mang lại kết quả lạc quan trên là nhờ mức tăng trưởng mạnh của hoạt động huy động vốn từ khách hàng và cấp tín dụng. Được biết, trong năm 2017, khoản huy động vốn từ khách hàng tăng 21% và khoản cấp tín dụng tăng trưởng 17.2% so với năm trước.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia Review)
FiLi
|