Thứ Sáu, 16/02/2018 12:15

Thị trường Việt Nam đang ở đâu trên con đường trở thành thị trường mới nổi?

Năm 2017 thị trường tài chính Việt Nam đã được “hâm nóng” với câu chuyện nâng hạng thị trường của MSCI. Dù chưa được phân loại vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi nhưng những kỳ vọng về một sự đột phá trong tương lai là hoàn toàn khả thi. Tính đến hiện tại, thị trường Việt Nam đã có những chuyển biến như thế nào trên con đường thăng hạng của mình?

MSCI (Morgan Stanley Capital International) là một công ty nghiên cứu đầu tư cung cấp các sản phẩm chỉ số tài chính, các phân tích thành quả và rủi ro danh mục cùng các công cụ quản trị cho nhà đầu tư tổ chức và quỹ phòng hộ.

Trong bối cảnh các chiến lược đầu tư thụ động đang ngày càng nhận được sự quan tâm của giới đầu tư thì vai trò và tầm quan trọng của các chỉ số danh mục thị trường cũng giành được sự quan tâm đặc biệt của thị trường và trở thành một chỉ báo quan trọng trong quyết định đầu tư.

Một chỉ số danh mục với các tiêu chí chọn lọc cổ phiếu chuyên biệt sẽ phản ánh tình hình kinh tế, sức khỏe tài chính và cơ hội đầu tư vào cổ phiếu/quốc gia nằm trong danh mục. Do đó, các quyết định nâng hạng hoặc giảm hạng một quốc gia của các công ty chỉ số có tác động lớn đến các quyết định đầu tư của dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) vào quốc gia đó. Trên thị trường tài chính hiện tại, MSCI là một trong những công ty cung cấp chỉ số có “quyền lực” nhất khi giới đầu tư toàn cầu luôn dõi theo các xếp hạng của tổ chức này để ra quyết định đầu tư.

MSCI xếp hạng thị trường như thế nào?

Trong tiêu chí phân hạng thị trường chứng khoán, MSCI chia thị trường chứng khoán toàn cầu làm 4 nhóm chính: Thị trường phát triển (developed market), thị trường mới nổi (emerging market), thị trường sơ khai (frontier market) và thị trường độc lập (standalone market).

MSCI sử dụng hai hệ tiêu chí để phân loại thị trường. Hệ tiêu chí thứ nhất bao gồm các tiêu chí đánh giá về khía cạnh định lượng. Hệ tiêu chí thứ hai bao gồm các tiêu chí đánh giá về khía cạnh định tính. MSCI sẽ công bố kết quả đánh giá và xếp hạng thị trường vào tháng 06 hàng năm. Các tiêu chí xem xét cụ thể của MSCI được thể hiện trong bảng dưới đây:

Tiêu chí xếp hạng thị trường của MSCI

Nguồn: MSCI Market Classification

Thị trường Việt Nam đã tiến xa tới đâu?

Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường Việt Nam được MSCI xếp hạng vào nhóm thị trường sơ khai chung với các thị trường khác trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương như Bangladesh và Sri Lanka. Với mục tiêu nâng tầm nền kinh tế đất nước, thị trường Việt Nam đang nỗ lực từng ngày để được thăng hạng lên nhóm thị trường mới nổi trong những năm tới.

Nhóm tiêu chí định lượng: Vượt mức tiêu chuẩn đề ra

Theo đánh giá của MSCI trong kỳ review tháng 06/2017, ngoại trừ nhóm tiêu chí A không cần điều kiện thì thị trường Việt Nam đã hoàn toàn đáp ứng đầy đủ nhóm tiêu chí B của MSCI. Cụ thể, theo nhóm tiêu chí B một thị trường phải có ít nhất 03 doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí:

  • Tổng quy mô vốn hóa đạt 1,375 triệu USD
  • Vốn hóa tự do đạt 687 triệu USD
  • Tỷ lệ giá trị giao dịch hàng năm (ATVR - Annualized Traded Value Ratio) đạt tối thiểu 15%

Tính đến tháng 02/2018, thị trường Việt Nam đã có hơn 03 doanh nghiệp niêm yết đạt đầy đủ các tiêu chí kể trên. Đó là các doanh nghiệp VNM, VIC, MSN, HPG. Như vậy, nếu không có bất kỳ biến động bất thường nào diễn ra trong những tháng tới thì thị trường Việt Nam sẽ hoàn toàn đáp ứng hệ tiêu chí định lượng của MSCI.

Nhóm tiêu chí định tính: Chông gai hơn nhưng không ngừng nỗ lực hoàn thiện

Nhóm tiêu chí cuối cùng và cũng là nhóm tiêu chí quan trọng nhất để xếp hạng một thị trường, đó là nhóm tiêu chí định tính. Có thể thấy nhóm tiêu chí này có số lượng tiêu chí nhiều hơn và mang tính phức tạp hơn so với nhóm tiêu chí định lượng.

Kết quả đánh giá nhóm tiêu chí định tính của MSCI đối với thị trường Việt Nam giai đoạn 2015-2017

Nguồn: MSCI Global Market Accessibility Review

  

Nguồn: MSCI Global Market Accessibility Review

Theo đánh giá của MSCI trong kỳ review tháng 06/2017, thị trường Việt Nam có đến 10/17 tiêu chí định tính cần phải cải thiện. Thị trường Việt Nam cũng là thị trường có số tiêu chí cần phải cải thiện nhiều nhất trong nhóm thị trường sơ khai. Tuy nhiên, để thăng hạng lên nhóm thị trường mới nổi thì thị trường Việt Nam không cần thiết phải cải thiện tất cả 10 tiêu chí theo yêu cầu của MSCI. Ngay cả nhiều thị trường mới nổi trong cùng khu vực như Thái Lan, Phillipine, Hàn Quốc, Pakistan… cũng không cần đạt tất cả các tiêu chí định tính của MSCI.

Trong thời gian qua, thị trường Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để cải thiện các hạn chế của thị trường dựa trên các đánh giá của MSCI. Dù không phải tiêu chí nào cũng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ nhưng dấu ấn để lại vẫn rất đáng ghi nhận. Trong đó, nổi bật là:

(1)  Cải thiện Mức độ mở cửa và khả năng tiếp cận thị trường đối với NĐTNN

Theo đánh giá của MSCI, thị trường Việt Nam dù đã có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế đối với khả năng thâm nhập và tiếp cận thị trường dành cho khối ngoại.

Nhằm cải thiện yếu tố này, thị trường Việt Nam đã có nhiều sự thay đổi lớn chỉ trong vài tháng qua. Có thể kể đến như việc gia tăng khả năng tiếp cận cơ hội đầu tư dành cho khối ngoại thông qua kênh sản phẩm đầu tư Chứng quyền có bảo đảm sẽ được vận hành vào cuối tháng 03/2018 sắp tới. Với kênh đầu tư này, khối ngoại sẽ không bị giới hạn room nắm giữ chứng quyền trên tài sản cơ sở là các cổ phiếu thuộc nhóm Bluechip VN30. Điều này tạo ra lợi thế đầu tư so với nắm giữ cổ phiếu vốn bị giới hạn bởi quy định room ngoại.

Điểm nhấn thứ hai đó là khả năng tiếp cận thông tin đối với NĐTNN. Hiện tại NĐTNN đã có thể tìm kiếm thông tin về thị trường chứng khoán, các quy định giao dịch và thông tin trên trang web của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Bên cạnh đó, các báo cáo quan trọng như báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, công bố thông tin giao dịch của doanh nghiệp bằng tiếng Anh cũng đã được nhiều doanh nghiệp chú trọng hơn.

Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp tuân thủ việc công bố các văn bản bằng tiếng Anh vẫn chưa thể gọi là nhiều. Trong năm 2017, số lượng doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo thường niên bằng tiếng anh đạt 40 doanh nghiệp, tăng trưởng mạnh so với các năm trước đó. Dù vậy con số này vẫn còn khá ít nếu so với quy mô thị trường Việt Nam hiện tại. Vì vậy, thị trường Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục cải thiện tốt hơn các tiêu chí này trong thời gian tới.

Những nỗ lực thay đổi kể trên sẽ giúp cải thiện đánh giá của MSCI về thị trường Việt Nam đối với các nhóm tiêu chí: Quy định về độ mở của NĐTNN, Mức độ nới room ngoại, Quyền công bằng đối với NĐTNN và Luồng thông tin trên thị trường. Đây đều là các tiêu chí quan trọng nhằm gia tăng cơ hội thăng hạng của các thị trường sơ khai trên thế giới.

(2)  Cải thiện Hạ tầng thị trường tài chính với sự ra đời của các sản phẩm đầu tư mới

Một trong những điểm yếu của thị trường chứng khoán Việt Nam đó là nhà đầu tư chưa được phép bán khống cổ phiếu. Tuy nhiên, sự ra đời của thị trường phái sinh trong tháng 08/2017 với sản phẩm đầu tư đầu tiên là Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu VN30-Index đã chính thức tạo cơ hội cho nhà đầu tư kiếm lời theo chiều giá giảm. Khả năng thực hiện các chiến lược phòng hộ rủi ro cũng đã dễ dàng được thực hiện nhờ hợp đồng tương lai. Trong  tháng 03/2018, dự kiến một sản phẩm đầu tư khác là Chứng quyền có bảo đảm cũng sẽ chính thức được giao dịch với tài sản cơ sở là các cổ phiếu thuộc nhóm Bluechip VN30. Điều này sẽ cải thiện rất nhiều vấn đề bán khống trên thị trường chứng khoán và làm đa dạng hơn cấu trúc hạ tầng thị trường tài chính Việt Nam.

Một số tiêu chí khác mà thị trường Việt Nam chưa thể cải thiện như Thanh toán và Bù trừ, Mức độ tự do trên thị trường ngoại hối là những tiêu chí được đánh giá khó khắc phục hơn trong hiện tại. Tuy nhiên, đây đều là các tiêu chí không quá quan trọng khi nhiều thị trường mới nổi trong khu vực Châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ vẫn bị MSCI đánh giá cần phải cải thiện trong kỳ review tháng 06/2017.

Phước Toàn

FiLi

Các tin tức khác

>   Cái bẫy của P/E (09/02/2018)

>   09/02: Đọc gì trước giờ giao dịch? (09/02/2018)

>   Vietstock Daily 09/02: Test lực cầu (08/02/2018)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 09/02 (09/02/2018)

>   Phân tích kỹ thuật phiên chiều 08/02: Tiếp tục rung lắc (08/02/2018)

>   Nhịp đập Thị trường 08/02: Lại tạo đáy! (08/02/2018)

>   Danh sách chứng khoán đăng ký giao dịch của Bảng Cảnh báo nhà đầu tư tại ngày 09/02/2018 (08/02/2018)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 08/02 (08/02/2018)

>   Sau hai phiên giảm sâu, đâu là cổ phiếu đảo chiều mạnh nhất? (07/02/2018)

>   Vietstock Daily 08/02: Cần xác nhận xu hướng hồi phục (07/02/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật