Thái Lan cân nhắc về việc gia nhập TPP
Thái Lan đang cân nhắc về việc gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Lúc đầu, thỏa thuận này có bao gồm cả Mỹ, nhưng Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP trong ngày đầu tiên nhậm chức.
* Tổng thống Chile: Không thể thay đổi TPP chỉ để làm vui lòng Mỹ
Trong tháng 1/2018, 11 quốc gia thành viên đã hoàn tất một hiệp định thương mại sửa đổi có tên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 11 quốc gia này bao gồm Singapore, Brunei, Malaysia, Việt Nam, Australia, Mexico, Canada, Peru, Chile, Nhật Bản và New Zealand, và chiếm tổng cộng 13% GDP toàn cầu. Vào ngày 08/03/2018, tất cả thành viên (ngoại trừ Mỹ) sẽ tụ họp tại Santiago – Thủ đô của Chile – để ký kết thỏa thuận CPTPP.
“Đây là một trong những vấn đề nóng nhất đang được bàn luận trong nội bộ Chính phủ ngay lúc này”, Somchai Swangkarn, phát ngôn viên của Hội đồng lập pháp quốc gia Thái Lan (NLA), cho biết. “Chính phủ muốn ký, nhưng có một vài quan chức phản đối”.
“Lúc đầu, Chính phủ Thái Lan đã dự định gia nhập vào TPP, nhưng khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, chúng tôi đã phải suy nghĩ lại”, ông Somchai nói rõ.
Mỗi thành viên có thể hy vọng rằng CPTPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng thu nhập quốc gia thêm 1% vào năm 2030, dựa trên một bài phân tích của Giáo sư Shujiro Urata của Đại học Waseda tại Tokyo.
Với một thỏa thuận mở với sự linh hoạt để các quốc gia khác có thể tham gia vào, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines và Đài Loan đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập. Để tham gia vào thỏa thuận, các quốc gia phải có được sự chấp thuận của tất cả nước thành viên đã tham gia vào TPP trước đó.
Theo một nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, một thỏa thuận có bao gồm thêm Indonesia, Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan và Thái Lan sẽ thúc đẩy thu nhập tăng thêm 449 tỷ USD trên toàn cầu, và 486 tỷ USD cho các quốc gia thành viên.
“Thái Lan nên tham gia”, Deborah Elms, Tổng Giám đốc của Trung tâm Thương mại Châu Á – một công ty tư vấn ở Singapore, cho biết. “Một khi hiệp định có hiệu lực sau khi ký kết vào tuần tới, nhiều quốc gia có thể sẽ xem xét lại việc tham gia vào thỏa thuận".
Theo quan điểm của ông Elms, CPTPP cho phép các thành viên tiếp cận tới các lợi ích như thuế suất 0%, dịch vụ và đầu tư tốt hơn, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như dễ dàng hơn trong việc vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới sang các nước thành viên.
Werachon Sukhondhapatipak, quan chức thuộc Chính phủ Thái Lan, cho biết nước này đang cân nhắc về vấn đề trên.
“Thái Lan sẽ không loại bỏ khả năng gia nhập vào thỏa thuận”, ông Werachon cho hay. “Chúng tôi đang nghiên cứu các tác động của CPTPP lên khu vực tư nhân”.
Ngoài ra, ông Werachon cho biết Thái Lan cũng đang nghiên cứu các khuôn khổ khác như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc đề xuất.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|