Sau hàng loạt sai phạm, ISC tự nguyện giải thể
Mới đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã chấp thuận đề nghị giải thể của CTCP Chứng khoán Công nghiệp Việt Nam (ISC).
Theo quyết định của UBCKNN, phương án giải thể của ISC đã cơ bản đáp ứng được quy định theo Điều 15 Thông tư 200/2012/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 07/2016/TT-BTC. Theo đó, UBCKNN yêu cầu Công ty triển khai thực hiện theo đúng phương án giải thể đã báo cáo, đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các bên có liên quan.
Trước đó, ĐHĐCĐ của ISC đã thông qua việc tự nguyện giải thể, phương án giải thể của Công ty trong cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường tổ chức vào ngày 12/01/2018 và ủy quyền cho HĐQT thực hiện công việc liên quan tới việc giải thể. Theo đó, ISC sẽ phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, giải quyết chế độ lao động đối với người lao động của Công ty. Đồng thời, Công ty phải tiến hành thanh lý các hợp đồng kinh tế đã ký kết và thanh toán cho khách hàng để đảm bảo nguyên tắc không có nợ phải trả. Bên cạnh đó, Công ty cũng phải xử lý dứt điểm đối với các hợp đồng giao dịch chứng khoán đã ký với khách hàng đang còn hiệu lực.
Mặt khác, ĐHĐCĐ cũng đã thông qua phương án thanh lý tài sản và chia tiền cho cổ đông của Công ty. Theo đó, các chứng khoán là cổ phiếu đã được đăng ký giao dịch/niêm yết sẽ được bán theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Các chứng khoán là cổ phiếu chưa được đăng ký giao dich/niêm yết sẽ được Công ty chuyển nhượng cho đối tác hoặc nhà đầu tư khác. Còn đối với tài sản là tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình, công cụ dụng cụ và các tài sản khác, Công ty sẽ thanh lý toàn bộ trên cơ sở đảm bảo lợi ích của cổ đông.
Song song, các khoản công nợ khó đòi của Công ty cũng sẽ được xóa toàn bộ với sự chủ động của HĐQT trong việc xử lý công nợ, xử lý các khoản phải thu, phải trả của Công ty trong thời gian sớm nhất để thực hiện giải thể.
Hồi tháng 12/2017, UBCKNN đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ISC tổng số tiền 580 triệu đồng. Các hành vi vi phạm gồm không thiết lập hệ thống kiểm toán nội bộ theo quy định, vi phạm quy định về hạn chế đầu tư của công ty chứng khoán, chậm công bố báo cáo tài chính quý 3/2017 và làm sai lệch thông tin trên báo cái tài chính. Đặc biệt, ISC còn lạm dụng, chiếm dụng tiền thuộc sở hữu của khách hàng. Cụ thể, Công ty đã sử dụng tiền trên tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư để đầu tư tự doanh cổ phiếu CTCP Gemadept (HOSE: GMD); lập 12 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng tại các Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Phương Đông Việt Nam (OCB), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank). Bên cạnh xử phạt hành chính, ISC cũng bị đình chỉ hoạt động kinh doanh chứng khoán và dịch vụ chứng khoán trong 3 tháng (kể từ ngày 28/12/2017).
ISC được thành lập vào năm 2008, vốn điều lệ 135 tỷ đồng. ISC được phép thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh bao gồm môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán và lưu ký chứng khoán. Trong 10 năm hoạt động, ISC ghi nhận 5 năm thua lỗ, còn các năm có lãi thì cũng chỉ ở mức thấp.
Theo kết quả kinh doanh năm 2017, doanh thu của ISC đạt 16.6 tỷ đồng giảm gần 10% so với năm trước đó; và ghi nhận lỗ ròng hơn 54 tỷ đồng. Kết thúc năm 2017, tổng tài sản của Công ty sụt giảm từ 187 tỷ đồng xuống còn 127 tỷ đồng.
Chí Kiên
FILI
|