Phiên bản cuối cùng của TPP có thay đổi gì?
Phiên bản cuối cùng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một thỏa thuận nhằm mục tiêu giảm bớt các hàng rào thương mại ở một số quốc gia thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương – đã được công bố vào ngày thứ Tư (21/02), qua đó đánh dấu bước tiến đáng kể mặc dù không có sự tham gia của Mỹ.
Trong phiên bản công bố vào ngày 21/02, có hơn 20 điều khoản bị đình chỉ hoặc thay đổi, bao gồm cả các quy định xoay quanh việc sở hữu trí tuệ do Mỹ đề xuất trong phiên bản gốc.
Hồi tháng 1/2017, TPP đã rơi vào tình thế khó khăn sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này với mục tiêu bảo vệ công ăn việc làm của người dân nước này.
11 thành viên còn lại của thỏa thuận, dẫn đầu là Nhật Bản, đã hoàn tất một hiệp định thương mại được sửa đổi có tên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong tháng 1/2018. Theo dự kiến, thỏa thuận CPTPP sẽ được ký kết ở Chile vào ngày 08/03/2018.
Thỏa thuận này sẽ giảm bớt thuế ở các nền kinh tế chiếm tới 13% GDP toàn cầu – tương ứng khoảng 10 ngàn tỷ USD. Nếu Mỹ tham gia vào thỏa thuận thì các nền kinh tế thành viên sẽ chiếm tổng cộng tới 40% GDP toàn cầu.
Kimberlee Weatherall, Giáo sư luật tại Đại học Sydney, nhận định: “Sự thay đổi lớn nhất của CPTPP là đình chỉ hàng loạt điều khoản, trong đó có cả một số điều khoản gây tranh cãi, đặc biệt là về dược phẩm”.
Những điều khoản này trước đó được đưa vào thỏa thuận TPP gốc theo yêu cầu của phía Mỹ, chẳng hạn như các quy định tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực dược phẩm. Tuy nhiên, các Chính phủ và nhà hoạt động lo ngại điều này có thể làm tăng chi phí thuốc men.
Trong ngày thứ Tư (21/02), Bộ trưởng Thương mại New Zealand, David Parker, cho hay: “CPTPP đã trở nên quan trọng hơn vì xuất hiện nhiều yếu tố đe dọa đến sự hoạt động hiệu quả của các nguyên tắc từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand, David Parker
|
Tháng trước, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Thụy Sỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington có thể trở lại TPP nếu đạt được một thỏa thuận tốt hơn.
Tuy nhiên, ông Parker cho rằng khả năng Mỹ quay trở lại CPTPP trong vài năm tới là rất khó xảy ra. Thậm chí nếu Mỹ sẵn lòng gia nhập vào CPTPP thì cũng không có gì đảm bảo rằng các nước thành viên sẽ đổi ý về những điều khoản đã bị đình chỉ.
Ngoài ra, ông Parker nói thêm CPTPP có thể có hiệu lực vào cuối năm 2018 hoặc trong 6 tháng đầu năm 2019.
Các quan chức Chính phủ nhanh chóng nói về các lợi ích kinh tế của CPTPP.
Cụ thể, Steven Ciobo, Bộ trưởng Thương mại Australia, cho hay: “Thỏa thuận CPTPP sẽ tạo thêm việc làm mới cho người dân Australia trong các lĩnh vực – nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, khai khoáng, dịch vụ – vì nó tạo ra cơ hội mới trong một khu vực giao thương tự do trải dài từ châu Mỹ cho đến châu Á”.
Bên cạnh đó, Chính phủ New Zealand kỳ vọng CPTPP sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 1.2-4 tỷ NZD mỗi năm, trong đó những công ty xuất khẩu thịt bò và trái kiwi sẽ nằm trong nhóm được hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận.
11 thành viên của CPTPP là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Vũ Hạo (Theo Reuters)
FiLi
|