Nhìn lại lộ trình cổ phần hóa thành công tại Vietnam Airlines
Những tháng cuối Năm Đinh Dậu, công tác cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp trở nên sôi động, với giá trị thu về 125.400 tỷ đồng. Điều đáng nói, dòng vốn đầu tư nước ngoài đã tăng trưởng mạnh, giá trị danh mục của khối ngoại tính đến tháng 12/2017 đạt 32,9 tỷ USD (tỷ giá VCB ngày 31/12: 22.665 đồng/USD).
Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch Vietnam Airlines trả lời phỏng vấn báo chí.
|
Vietnam Airlines (HVN) là một trong số ít doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa thành công và tìm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (Tập đoàn hàng không 5 sao ANA của Nhật Bản) với cam kết đồng hành phát triển, hợp tác khai thác mạng đường bay và nâng cao quản trị doanh nghiệp.
Nhân dịp Xuân mới Mậu Tuất, Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi cùng ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietnam Airlines, về những kinh nghiệm giải quyết bài toán trước và hậu tái cơ cấu doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Bay trên... "bầu trời mở"
- Thưa ông, Vietnam Airlines là một trong số ít các doanh nghiệp Nhà nước thành công trong hoạt động cổ phần hóa và gọi đối tác chiến lược. Để đạt được những hiệu quả đó, ông có thể chia sẻ những những kinh nghiệm thực tế quá trình này?
Ông Phạm Ngọc Minh: Phần quan trọng của công tác cổ phần hóa, không chỉ là đúng tiến độ, mà phần trọng yếu là việc nội bộ doanh nghiệp đã phải trải qua một thời kỳ chuyển đổi rất là quyết liệt.
Lý do đòi hỏi Vietnam Airlines phải chuyển đổi nhanh và quyết liệt, đó là áp lực cạnh tranh trên thương trường với chiến lược cạnh tranh mở.
Lễ khai trương dòng máy bay Airbus A350 của Vietnam Airlines tại sân bay quốc tế Frankfurt, Đức vào ngày 9/1. (Ảnh: Phạm Văn Thắng/TTXVN)
|
Chính sách của Nhà nước là “Open Sky – bầu trời mở,” nên chắc chắn sẽ không còn vị trí chủ đạo hay chủ lực gì đó trong thị trường mở và môi trường kinh doanh tự do ở cả quy mô trong nước và quốc tế.
Tôi phải thú thật, giải quyết việc nâng cao năng lực cạnh tranh là bài toán hàng đầu. Hơn thế nữa, quá trình xử lý trong thời gian không dài, không ngắn, chúng tôi đồng thời phải giải quyết ba việc: Định vị sản phẩm; Chất lượng sản phẩm; Tái cơ cấu nội bộ.
Minh bạch, đảm bảo chính xác hàng ngày
- Có nghĩa là để việc cổ phần hóa thành công, doanh nghiệp Nhà nước nên chủ động tái cơ cấu trước, chứ phải không chờ đến khi có sự tham gia, hỗ trợ từ nhà đầu tư bên ngoài mới thực hiện quá trình này, thưa ông?
Ông Phạm Ngọc Minh: Việc cổ phần hóa và lên sàn là giải quyết bài toán về minh bạch trong hệ thống quản trị.
Tuy nhiên, minh bạch không chỉ dừng ở báo cáo và bài toán minh bạch với thị trường là không đơn giản. Chúng tôi, công bố các số liệu từ khi vay tiền mua máy bay, xây dựng hệ thống quản trị từ chất lượng, điều hành, đến tài chính và tính minh bạch được đảm bảo chính xác hàng ngày.
Bài học chúng tôi ghi nhận được, đó là song song với quá trình cổ phần hóa không chỉ dừng lại bán cổ phần thành công mà còn giải quyết vấn đề tái cơ cấu nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị, tính minh bạch, tính giải trình, của toàn bộ hệ thống.
Có nghĩa là, doanh nghiệp phải đưa ra thị trường chứng khoán Việt Nam, một công ty cổ phần có hiệu quả, ưu thế cả về tính cạnh tranh, tính minh bạch và khả năng giải trình trong mọi vấn đề.
Đóng cửa biên chế 5 năm liền
- Giải bài toán tái cơ cấu, thực chất Vietnam Airlines đã làm được những điều gì?
Ông Phạm Ngọc Minh: Đầu tiên, chúng tôi định vị sản phẩm hàng không dịch vụ đầy đủ tất cả mọi đối tượng. Song mục tiêu chính vẫn hướng tới cộng đồng khách hàng thu nhập cao.
Để giải quyết câu chuyện tạo dải sản phẩm đủ lớn để thu hút khách hàng, Vietnam Airlines có thêm hãng hàng không giá rẻ và đơn vị bay tới các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, (để giải quyết các dịch vụ bay công ích, bay khu vực) đảm bảo vai trò vị thế của một hãng hàng không quốc gia.
Để làm được điều này, năm 2009, Vietnam Airlines đã thay toàn bộ đội bay, bằng máy bay thân rộng (Boeing 787 và Airbus A350). Câu chuyện này phải kéo dài trong nhiều năm, phải tới 2018 mới hoàn thành, vì các nhà sản xuất máy bay không đáp ứng ngay được nhu cầu lớn như vậy.
Khi định vị được đội bay tương đối đồng nhất, thì bài toán hiệu quả kinh tế và chi phí đã được giải. Những máy bay mới hoạt động bay hiệu quả hơn đã tiết kiệm chi phí đồng thời chất lượng dịch vụ nâng tầm, tạo lên một thương hiệu thực “hãng hàng không đi đầu Đông Nam Á về chất lượng bay và chất lượng dịch vụ”.
Tuy nhiên để có được những kết quả trên, vấn đề tiên quyết vẫn là yếu tố con người.
Bài toán về nội bộ đặt ra, trong 5 năm liền (năm 2013 – 2017), Vietnam Airlines đã đóng cửa biên chế, đẩy mạnh nâng cao tốc độ tăng trưởng, cơ cấu lại toàn bộ lực lượng sản xuất và nâng cao năng suất lao động (năng suất lao động hàng năm tăng ở mức độ 2 chữ số).
Cơ cấu nhân sự là câu chuyện dài, song quy mô của công ty (năm 2017) đã đạt 49 tỷ ghế cung ứng km/năm, khoảng 400 chuyến bay một ngày, tổng doanh số xấp xỉ 4 tỷ USD với lực lượng lao động xấp xỉ 7.000 người. Theo đó, năng suất lao động/ghế cung ứng km và ghế doanh số hiện đứng hàng đầu Đông Nam Á, chỉ sau Singapore Airlines.
Xin cơ chế cổ phiếu phủ quyết
- Ông đánh giá thế nào về thị trường chứng khoán và Vietnam Airlines có xác định kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho mình?
Ông Phạm Ngọc Minh: Với năng lực và uy tín của mình, Vietnam Airlines đã thuận lợi gọi vốn trên thị trường chứng khoán với mức giá huy động rẻ hơn, phục vụ cho quá trình phát triển trung và dài hạn.
Khi chúng tôi khẳng định được sản phẩm và chất lượng cao, có tính cạnh tranh, bằng chứng được thể hiện qua kết quả giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Giá cổ phiếu Vietnam Airlines (mã HVN – UpCoM) có mức giao dịch cao nhất là 68.000 đồng/cổ phiếu (24/1/2018 - giá trị vốn hóa thị trường 83.472 tỷ đồng) và cao gấp ba lần so với mức giá 22,307 đồng/cổ phiếu tại thời điểm IPO.
Tuy nhiên, Vietnam Airlines là hãng chủ lực của quốc gia, nếu Nhà nước nắm giữ trên 51% hay trên 65% sẽ rất khó cho các nhà đầu tư trong việc đánh giá được vai trò cũng như sự tham gia vào công tác quản trị, nâng cao tính hiệu quả.
Vì vậy chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất với Nhà nước về “cơ chế cổ phiếu phủ quyết _ holding share,” trong một tỷ lệ nhất định đảm bảo Nhà nước vẫn đóng vai trò chi phối hay vai trò quyền phủ quyết trong các vấn đề trọng yếu nhưng đồng thời các nhà đầu tư vẫn có thể tham gia quản trị doanh nghiệp, đảm bảo tính cạnh tranh trong hội nhập trong môi trường kinh doanh tế hóa.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hạnh Nguyễn
Vietnam+
|